Phó chủ tịch Samsung bị bắt, ai sẽ là người thay thế?

Với sự vắng mặt của ông Lee Jae-yong, Samsung quyết định tạm thời bàn giao quyền lực cho ban lãnh đạo. Giải pháp ngắn hạn này ưu tiên việc bình ổn những biến động gần đây của công ty tuy nhiên nó có thể làm cản trở quá trình cải tổ bộ máy quản trị.

Trong khi dư luận chưa khỏi bàng hoàng trước thông tin phó chủ tịch Samsung Lee Jae-yong bị bắt thì tập đoàn đang cố trấn tĩnh nhân viên. Hôm thứ Sáu tuần trước, trên mạng nội bộ của công ty bất ngờ xuất hiện lời kêu gọi nhân viên đoàn kết, tin tưởng Samsung và cố hết sức để vượt qua thời kỳ khó khăn.

Lời kêu gọi này có chữ ký của chủ tịch thuộc hơn 60 công ty con của tập đoàn.

Nói về vụ việc ông Lee Jae-yong bị bắt, trước đó gia tộc Lee cũng đã từng dính vào một vụ tương tự. Theo đó, năm 2008, chủ tịch Lee Kun-hee đã phải từ chức do cáo buộc về vụ bê bối quỹ đen. Tuy nhiên, ngay sau đó ông Lee Kun-hee quay trở lại và tiếp tục giữ vị trí chủ tịch tập đoàn khi nhận được lệnh ân xá từ Tổng thống Hàn Quốc.

Cuộc họp thành viên hội đồng quản trị Samsung Electronics sẽ được tổ chức vào thứ Tư tuần này, trong đó sẽ bàn lại kể hoạch quản lý được thông qua bởi từng công ty con.

Theo đó, Phòng Chiến lược Tương lai sẽ tiếp tục giữ vai trò vạch ra lộ trình phát triển của Samsung. Tiền thân là Văn phòng Chiến lược, bộ phần gồm 200 nhân viên này còn được xem là sức mạnh của Samsung trong quan hệ đối ngoại. Tuy nhiên, Phòng Chiến lược Tương lai cũng dính dáng tới vụ bê bối hối lộ tổng thống Park Geun-hye. Năm ngoái, phó chủ tịch Lee đã đề xuất giải tán bộ phận này.

Sau vụ bắt giữ Lee Jae-yong, Samsung dường như vẫn muốn giữ lại Phòng Chiến lược Tương lai do bộ phận này giữ vị trí quan trọng trong việc tìm ra lối thoát cho những bế tắc hiện tại và kế hoạch phát triển của tập đoàn trong tương lai.

Một câu hỏi quan trọng khác là ai sẽ là người xứng đáng để đảm nhiệm vị trí của ông Lee Jae-yong lúc này? Khả năng cao Samsung sẽ chọn Chủ tịch công ty bảo hiểm Samsung Life Insurance, ông Lee Soo-bin do ông này đã từng đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Samsung sau khi ông Lee Kun- hee từ chức năm 2008.

Ngoài ra còn có một số ứng cử viên sáng giá khác như ông Choi Gee-sung, trưởng Phòng Chiến lược Tương lai và ông Kwon Oh-hyun, CEO của Samsung Electronics.

Ông Kwon Oh-hyun, CEO của Samsung Electronics

Ông Choi Gee-sung, trưởng Phòng Chiến lược Tương lai

Ông Choi phụ trách việc chỉ ra những lĩnh vực tiếp theo mà Samsung cần phải tập trung như ô tô, dược phẩm sinh học. Trong khi đó, ông Kwon phụ trách mảng kinh doanh chip vốn đem lại khoản lời khổng lồ cho Samsung.

Tuy nhiên, nhiều người trong tập đoàn lại kỳ vọng dù ai đảm nhiệm vị trí này đi nữa thì người đó cũng chỉ nên dừng lại ở mức "bình phong" thay vì nắm quyền lực thực sự của một vị phó chủ tịch tập đoàn cho đến khi ông Lee Jae-yong quay lại.

Sự vắng mặt của người lãnh đạo trung tâm đã làm phức tạp thêm mọi vấn đề từ việc mua lại các công ty cho đến quyết định bổ nhiệm nhân sự và đầu tư. Mọi kế hoạch đã được dự kiến từ trước đó bỗng dưng bị "treo" do chỉ ông Lee Jae-yong mới đủ thẩm quyền để đưa ra quyết định cuối cùng. Bên cạnh đó, kế hoạch cải tổ ban quản trị tập đoàn cũng bị bỏ ngỏ. Điều này gây cản trở tới các dự án đầu tư mới của công ty như trí tuệ nhân tạo.

Nguồn NDH: http://ndh.vn/pho-chu-tich-samsung-bi-bat-ai-se-la-nguoi-thay-the--20170221093411112p145c151.news