Phó Chủ tịch Hà Nội: 'Cần thời gian làm rõ nguyên nhân cá chết Hồ Tây'

Sáng 18/10, trao đổi tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của ĐBQH đơn vị bầu cử số 1 tại quận Tây Hồ, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, nguyên nhân cá chết ở Hồ Tây đang được làm rõ.

Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Sửu. Ảnh: Vnexpress

Trước các kiến nghị của cử tri quận Tây Hồ về việc hơn 200 tấn cá chết bất thường ở Hồ Tây những ngày đầu tháng 10, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện tại thành phố đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng tiếp tục điều tra làm rõ.

“Cần phải có thời gian xem xét thật kỹ, kết luận nguyên nhân cho rõ ràng. Cũng có thể do xả thải, cũng có thể do tảo, cũng có thể do nguyên nhân khác”, ông Sửu nói.

Theo ông Sửu, sau khi có kết luận sẽ chính thức công bố nguyên nhân, trên cơ sở kết luận khoa học. “Đến giờ này đã dừng hiện tượng cá chết. Thành phố đã hỗ trợ 3 máy để bổ sung ô xy cho nước Hồ Tây, chứ lúc cá chết là mức oxy bằng 0”, ông Sửu cho biết.

Trước đó, hiện tượng cá chết rải rác tại Hồ Tây bắt đầu từ chiều thứ Bảy (1/10) và diễn ra trên diện rộng trong ngày Chủ Nhật (2/10). Thành phố đã huy động 1.000 chiến sĩ từ Bộ Tư lệnh Thủ đô và các lực lượng khác để vớt cá chết. Đến chiều 3/10, theo thống kê có khoảng 200 tấn cá chết được vớt để chôn lấp tại bãi rác Nam Sơn.

Theo điều tra ban đầu của Công an TP, ở thời điểm cá chết trên diện rộng, ôxy ở tầng nước mặt của Hồ Tây bằng 0, còn lượng amoni tăng gấp 24 lần so với quy định. Ngay sau đó, Thành phố đã thực hiện giải pháp tăng cường oxy, làm sạch nước. Đến chiều 3/10, mức oxy hòa tan lên 2,8 mg/l. Song song với đó, TP đã chỉ đạo xử lý ô nhiễm môi trường.

Liên quan vấn đề này, Bí thư Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố chỉ đạo công an Thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh nguyên nhân gây ra cá chết, báo cáo Thường trực Thành ủy. Theo chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, UBND thành Hà Nội giao UBND các quận Tây Hồ, Ba Đình tuyên truyền vận động nhân dân thuộc khu vực xung quanh Hồ Tây thường xuyên tổ chức dọn vệ sinh, làm sạch môi trường ở các khu dân cư sau sự cố cá chết tại Hồ Tây, nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm.

Chỉ đạo các công ty quản lý hồ trên địa bàn quận (Ban Quản lý Hồ Tây, Công ty TNHH MTV Hồ Tây...) tiếp tục thực hiện công tác làm sạch mặt hồ, đảm bảo không còn rác thải, xác cá chết, sớm trả lại môi trường nước sạch cho Hồ Tây.

Chỉ đạo các đơn vị chức năng của quận thường xuyên kiểm tra việc xả thải đối với các nhà hàng, khách sạn, các nhà nổi khu vực Hồ Tây, xử lý theo quy định của pháp luật những vi phạm (nếu có). Trường hợp phát hiện những bất thường hoặc các vi phạm vượt quá thẩm quyền, có văn bản báo cáo UBND thành phố.

Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội (đơn vị thu gom vận chuyển toàn bộ số cá chết đưa lên bãi rác Nam Sơn để chôn lấp) tổ chức kiểm tra xử lý triệt để ảnh hưởng của cá chết đối với môi trường khu vực chôn lấp, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sở Y tế tiếp tục chỉ đạo phun thuốc phòng chống dịch bệnh, xử lý ô nhiễm môi trường các khu vực bị ảnh hưởng và khu vực dân cư xung quanh Hồ Tây.

UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố phối hợp với Sở Khoa học Công nghệ, Cảnh sát môi trường và cơ quan giám định tiến hành lấy mẫu nước, sớm xác định nguyên nhân và giải pháp xử lý nước báo cáo UBND thành phố và thông tin để nhân dân được biết.

Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã, tăng cường kiểm tra, quản lý các hồ trên địa bàn quận, huyện mình quản lý. Trường hợp phát hiện các dấu hiệu bất thường cần có giải pháp xử lý kịp thời và báo cáo UBND thành phố chỉ đạo.

Trường Phong

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/pho-chu-tich-ha-noi-can-thoi-gian-lam-ro-nguyen-nhan-ca-chet-ho-tay-1063646.tpo