Phổ cập GDMN trẻ 5 tuổi: Những tín hiệu vui

(GD&TĐ) - Mạng lưới trường, lớp được mở rộng, giáo viên mầm non (GVMN) yên tâm gắn bó với nghề do được vào biên chế hoặc hợp đồng hưởng lương theo bằng cấp. Trẻ mầm non, đặc biệt là trẻ 5 tuổi được tạo điều kiện tối đa trong việc đến trường và được chăm sóc, giáo dục theo chương trình giáo dục mầm non (GDMN) mới… Đây là những ghi nhận ban đầu của chúng tôi sau hơn một năm thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi.

PV báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa để tìm hiểu rõ hơn về những đổi thay của cấp học mầm non. PV: Xin Thứ trưởng cho biết các địa phương thực hiện Quyết định số 239/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ như thế nào? Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Sau khi Quyết định số 239/QĐ-TTg phê duyệt Đề án PCDGMN cho trẻ em 5 tuổi của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, các địa phương đã tổ chức phổ biến và quán triệt các nội dung của Quyết định tới cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể xã hội; tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư về mục đích, ý nghĩa của PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng, tham gia tích cực của các bậc cha mẹ và toàn xã hội. Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) các tỉnh, thành phố tổ chức hội nghị quán triệt, nâng cao nhận thức trong cán bộ, giáo viên về vai trò, vị trí của PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, xác định PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục giai đoạn 2010-2015. Ban chỉ đạo phổ cập các cấp được bổ sung, kiện toàn để tham mưu xây dựng và chỉ đạo triển khai kế hoạch PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn. Tại các địa phương, Công tác PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng, được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh/thành phố, Nghị quyết Hội đồng nhân dân, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011-2015 của địa phương; các địa phương khẩn trương xây dựng kế hoạch/Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi trên địa bàn, ưu tiên đầu tư ngân sách và đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực, các lực lượng tham gia công tác PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi. Tính đến ngày 28/6/2011 đã có 59/63 tỉnh, thành phố (chiếm tỷ lệ 93,65 %) phê duyệt Đề án/Kế hoạch thực hiện PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, trong đó có 10 tỉnh đăng ký đi đầu, quyết tâm hoàn thành phổ cập vào năm 2012 (Hòa Bình, Phú Thọ, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nghệ An, Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh). PV: Huy động trẻ đến trường đồng nghĩa với việc xây dựng, mở rộng thêm trường, lớp. Sau hơn 1 năm thực hiện Đề án PCGDMN trẻ 5 tuổi, mạng lưới trường, lớp ở các tỉnh, thành phố có sự thay đổi như thế nào, thưa Thứ trưởng? Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Triển khai Đề án PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi, các địa phương đã khẩn trương tiến hành điều tra số trẻ trong độ tuổi phổ cập, khảo sát thực trạng hệ thống trường, lớp mầm non. Đến nay, hầu hết các địa phương đã hoàn thành việc rà soát quy hoạch mạng lưới trường lớp, lập kế hoạch xây dựng phòng học đảm bảo cho PCGDMN trẻ 5 tuổi, đồng thời duy trì và phát triển số lượng trẻ dưới 5 tuổi đến lớp. Nhiều tỉnh (Quảng Trị, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Bắc Ninh…) đã nhanh chóng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trường mầm non, giao quỹ đất ở các khu đô thị mới, cho thuê đất mở thêm các trường MN tư thục nhằm đáp ứng nhu cầu phổ cập. Sở GDĐT một số địa phương (TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương...) đã chủ động tham mưu UBND các cấp quy hoạch quỹ đất để đầu tư xây dựng các trường mầm non tại các khu chế xuất và khu công nghiệp. Đối với các tỉnh miền núi, có nhiều khó khăn trong việc lựa chọn mặt bằng để xây dựng trường lớp, các địa phương đã ưu tiên dành quỹ đất để xây dựng các phòng học cho trẻ em 5 tuổi tại các thôn, bản vùng khó (Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai…). Nhiều địa phương đã ưu tiên nguồn vốn kiên cố hóa và lồng ghép nhiều nguồn vốn để xây dựng trường, lớp mầm non. Sau hơn một năm nỗ lực, quy mô mạng lưới trường, lớp tiếp tục được mở rộng. Tính đến cuối tháng 6/2011, cả nước đã có 12.976 trường mầm non, trong đó: 9.712 trường công lập (chiếm tỷ lệ 75%), 3.258 trường ngoài công lập (chiếm tỷ lệ 25%). Trong năm học, cả nước đã xây dựng mới 10.746 phòng học. Trẻ mầm non 5 tuổi trong giờ tô màu. Ảnh: Thanh Tùng PV: Thưa Thứ trưởng, GVMN được biết đến với “3 nhất”: thời gian làm việc trong ngày nhiều nhất, trách nhiệm nặng nề nhất nhưng lương lại thấp nhất. Vậy trong năm học qua, đời sống của các cô đã có sự cải thiện? Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Theo báo cáo của các địa phương và qua thực tế kiểm tra việc thực hiện PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi tại Hà Nội, Hòa Bình, Nghệ An, Thái Bình…, chúng tôi nhận thấy Đề án đã thực sự tạo “cú hích” để các địa phương đầu tư mạnh hơn cho GDMN trong việc xây dựng trường, lớp, đào tạo, bồi dưỡng và chăm lo đời sống cho đội ngũ giáo viên. Đến nay, ngoài 18 tỉnh không có loại hình trường mầm non bán công, cả nước đã có 32 tỉnh xây dựng Đề án chuyển đổi các trường mầm non bán công sang công lập. Năm học 2010-2011, cả nước đã chuyển 2213 trường mầm non bán công sang công lập. Việc chuyển đổi loại hình trường mầm non (MN) bán công sang công lập ở các tỉnh là cơ sở để hàng ngàn GVMN của mỗi địa phương được quan tâm, đảm bảo chế độ chính sách, ổn định đời sống. Các Sở GDĐT đã tích cực tham mưu với địa phương tuyển dụng giáo viên vào biên chế, hỗ trợ, tăng thu nhập cho giáo viên mầm non ngoài biên chế, từng bước đảm bảo chế độ chính sách cho giáo viên mầm non theo quy định hiện hành. GVMN nhiều địa phương đã được hưởng lương theo thang bảng lương, tăng lương theo định kỳ (Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Tiền Giang, Hải Phòng, Hà Nội, Hòa Bình, Bắc Ninh...). Nhiều địa phương đã tuyển nhân viên y tế và kế toán cho các trường mầm non (Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Quảng Trị ...), giải quyết chế độ về 1 lần cho giáo viên mầm non cao tuổi (Vĩnh Phúc, Quảng Ninh...). Tuy nhiên, ở một số địa phương, GV ngoài biên chế vẫn chưa được trả lương theo bằng cấp, nâng lương theo định kỳ. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế, xây dựng kế hoạch, lộ trình tuyển GVMN trong các trường công lập vào biên chế. Bộ đã chỉ đạo các sở GDĐT, trong khi chờ chỉ tiêu biên chế cho GVMN, cần tăng nguồn thu cho GV bằng nhiều nguồn (hỗ trợ của Nhà nước, huy động từ học phí, các tổ chức, DN…) để GV hợp đồng có mức thu nhập tương xứng với công sức, giúp GV yên tâm công tác, tâm huyết, gắn bó với nghề. PV: Nhiều ý kiến cho rằng PCGDMN trẻ 5 tuổi đồng nghĩa với việc đẩy trẻ bé hơn ra đường. Ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này? Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Năm học 2010-2011, cả nước đã huy động được 3.275.210 trẻ mầm non đến lớp, tăng 116.968 trẻ so với năm học trước. Trong đó: Nhà trẻ: 69.030 trẻ, chiếm tỷ lệ 21,3% so với số trẻ trong độ tuổi, Mẫu giáo: 3.206.180 trẻ, chiếm tỷ lệ 83,8% so với số trẻ trong độ tuổi. Số trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường là 1.318.829 trẻ, chiểm tỷ lệ 98,5% so với số trẻ trong độ tuổi, tăng 13.114 trẻ so với năm học trước. Ngay tại nơi “nóng” nhất về tuyển sinh đầu cấp như Hà Nội, ngoài 100% trẻ 5 tuổi được huy động đến lớp, năm học vừa qua, tỷ lệ trẻ nhà trẻ ra lớp đạt 29,1% so với số trẻ trong độ tuổi, tăng 3,1% so với năm học trước ( tăng gần 10.000 trẻ). Tỷ lệ huy động trẻ 3-4 tuổi ra lớp 197.055 trẻ, đạt 87%, tăng 7% (tăng 26.500 trẻ). Đáng chú ý, số trẻ dưới 5 tuổi được chăm sóc giáo dục tại các trường công lập cũng tăng so với năm học trước; cụ thể trẻ nhà trẻ tăng hơn 16,7% , trẻ 3-4 tuổi tăng 3,8%. Như vậy bên cạnh việc huy động hầu hết trẻ 5 tuổi ra lớp, các địa phương vẫn duy trì, giữ vững và phát triển số trẻ em dưới 5 tuổi không thấp hơn mức hiện có. Điều đó chứng tỏ không có chuyện do thực hiện Đề án PCGDMN trẻ 5 tuổi mà trẻ bé hơn không có chỗ học. Tuy nhiên ở một số thành phố lớn và thủ đô Hà Nội, vẫn còn tình trạng quá tải ở các trường mầm non công lập, do dân số cơ học tăng nhanh, số dân nhâp cư ngày càng đông, nhưng công tác dự báo về dân số, trẻ em phục vụ cho việc mở rộng và phát triển mạng lưới trường, lớp còn hạn chế. Nhiều dự án khu đô thị, nhà cao tầng được cấp đất xây dựng, đã và đang đưa vào sử dụng nhưng chưa dành quỹ đất để xây dựng trường, lớp mầm non. Để giải quyết tình trạng trên, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự chung tay góp sức của các tổ chức, ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác dự báo, phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non gắn với quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu dân cư mới để đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh và đảm bảo chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ. Chơi “Nghé ọ” - một trò chơi dân gian được các bé ưa thích. Ảnh: Thanh Tùng PV: Với hệ thống trường lớp, đội ngũ GV hiện tại trong khi chỉ còn 4 năm nữa là Đề án kết thúc. Theo Thứ trưởng, hoàn thành mục tiêu mà Đề án đưa ra có phải là việc làm quá sức với các địa phương? Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: PCGDMN trẻ 5 tuổi là nhiệm vụ trọng tâm của GDMN từ nay đến năm 2015. Đây là cơ hội để các địa phương rà soát, lên kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đề phục vụ phổ cập và nâng cao chất lượng GDMN. Hoàn thành PCGDMN trẻ 5 tuổi vào năm 2015 là đích đến của 63 tỉnh thành, nhưng không vì thế mà chạy theo thành tích. Đảm bảo chất lượng PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi là yêu cầu hàng đầu mà Bộ GD-ĐT đặt ra đối với các địa phương. Quá trình PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi được thực hiện theo kế hoạch, lộ trình. Từ năm 2010-2012, Bộ GD&ĐT phối hợp với các Bộ, Ngành TW hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ PCGDMNTNT; ban hành tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra, đánh giá công nhận phổ cập; chỉ đạo thực hiện Chương trình GDMN mới; hoàn thiện cơ chế chính sách phát triển GDMN, chế độ, chính sách đối với GVMN; Xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về GDĐT giai đoạn 2011-2015, trong đó có dự án cho PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi; bố trí kinh phí hỗ trợ các địa phương thực hiện PCGDMNTNT; kiểm tra công nhận 10-15 tỉnh đạt chuẩn PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi. Các địa phương khảo sát, xây dựng và triển khai kế hoạch phổ cập phù hợp với tình hình thực tế, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; xây mới, cải tạo trường, lớp; cung cấp trang thiết bị đáp ứng yêu cầu phổ cập. Chuyển đổi các trường MN bán công sang loại hình theo quy định, thành lập mới các trường tư thục ở những nơi thuận lợi nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường. Giai đoạn từ 2013-2015, Bộ sẽ tập trung chỉ đạo và hỗ trợ các địa phương vùng khó khăn; các địa phương tiếp tục xây dựng bổ sung số phòng học, phòng chức năng còn thiếu; cung cấp trang thiết bị, đồ chơi cho các trường, lớp mầm non; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đáp ứng yêu cầu phổ cập. Củng cố thành quả PCGDMN cho trẻ em 5 tuổi ở các địa phương đã được công nhận giai đoạn một. Kiểm tra công nhận các tỉnh còn lại. Tổng kết đánh giá 6 năm PCGDMN cho trẻ 5 tuổi. Như vậy, các địa phương sau khi khảo sát thực trạng về đội ngũ, cơ sở vật chất, trường, lớp, số liệu điều tra số trẻ trong độ tuổi phổ cập.., sẽ xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện, đề ra các mục tiêu cụ thể cho từng năm, từng giai đoạn và huy động các nguồn lực thực hiện phù hợp với điều kiện của địa phương. Thực hiện Phổ cập GDMN cho trẻ em 5 tuổi là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, được các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiên, được sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội. Với sự phối hợp hướng dẫn, giúp đỡ, chỉ đạo của các Bộ, Ngành TW, sự quyết tâm cao, chỉ đạo quyết liệt, ưu tiên đầu tư các nguồn lực và bước đi phù hợp của các địa phương, chúng ta tin tưởng rằng đến năm 2015 GDMN sẽ có diện mạo mới, đủ trường, lớp, đủ phòng học kiên cố, từng bước kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại hóa; đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, chuẩn về chất lượng, có đời sống ổn định, toàn tâm toàn ý cho sự nghiệp phát triển GDMN; hầu hết trẻ mầm non 5 tuổi ở tất cả các vùng miền được đến lớp để chăm sóc giáo dục 2 buổi/ngày, chuẩn bị thật tốt tâm thế để vào lớp một. PV: Xin cám ơn Thứ trưởng. La Giang (thực hiện) ,

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/201107/Pho-cap-GDMN-tre-5-tuoi-Nhung-tin-hieu-vui-1950350/