Phó An My tạo 'đế chế riêng' với đối thoại piano - chèo

Trong tháng 10 này, đêm đối thoại giữa piano và chèo mang tên Gió sẽ chính thức ra mắt khán giả Hà Nội.

Nghệ sĩ piano Phó An My sẽ gặp lại khán giả Hà Nội trong chương trình “Gió” diễn ra vào tháng 10 này

Nghệ sĩ piano Phó An My sẽ gặp lại khán giả Hà Nội trong chương trình “Gió” diễn ra vào tháng 10 này

Luôn trăn trở với những dự án âm nhạc mang màu sắc giao thoa giữa phương Đông và phương Tây, nghệ sĩ Phó An My đã tạo dựng nên một đế chế riêng của mình với những Bóng; Lửa; Gió. Ở con người cũng như nghệ thuật âm nhạc của chị, không có sự ước lệ, không có ranh giới, mọi thứ đều được kiến tạo bất ngờ.

Kết hợp giữa nghệ thuật đương đại và truyền thống

Cách đây 10 năm, lần đầu tiên khán giả Việt được thưởng thức một vở diễn kết hợp âm nhạc cổ điển thế giới với âm nhạc truyền thống của người Việt, đó là piano với hát Cọi, hò Huế trong Festival Huế 2016 do nghệ sĩ piano Phó An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên cùng thực hiện. Sự kết hợp lạ lẫm này đã nhận được nhiều phản ứng tích cực của khán giả.

Năm 2011, Phó An My tiếp tục gây bất ngờ khi kết hợp piano với nghi lễ tôn giáo chầu văn của người Việt trong chương trình mang tên Bóng. Hành trình kết hợp giữa âm nhạc đương đại và âm nhạc dân tộc mà nghệ sĩ Phó An My gọi là “đối thoại âm nhạc” tiếp tục với màn đối thoại giữa piano và tuồng cổ trong vở diễn có tên đầy sức nóng: Lửa với hai ngôn ngữ âm nhạc khác hẳn nhau đã hòa quyện và đánh mạnh vào cảm xúc của người xem.

Những màn đối thoại âm nhạc này luôn nhận được sự quan tâm của nhiều khán giả. Người ta tò mò muốn biết những môn nghệ thuật truyền thống khi kết hợp với nghệ thuật đương đại sẽ như thế nào và có phá vỡ sự nguyên bản vốn có của nghệ thuật truyền thống hay không. NSND Hương Thơm, Phó giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam cho biết, trước khi diễn Lửa, nhiều người đã e ngại các nghệ sĩ… phá tuồng. Thế nhưng khi biểu diễn, tuồng vẫn là tuồng, nghệ sĩ vẫn diễn bằng vũ đạo, điệu múa của tuồng, vẫn hát tuồng chứ không phải opera hay pop. Chỉ là sự kết hợp với piano khiến vở diễn đẩy nội tâm nhân vật lên sâu sắc hơn, hay hơn.

“Sự kết hợp giữa hai loại hình nghệ thuật giúp khán giả được tiếp cận và thưởng thức các bộ môn nghệ thuật một cách mới mẻ, hấp dẫn hơn mà không bị sượng. Tôi nghĩ sự kết hợp này rất hay và là điều cần thiết. Chúng ta phải phát triển truyền thống chứ không phải dậm chân tại chỗ và giữ nguyên si hết thế kỷ này tới thế kỷ khác, như vậy sẽ khó tiếp cận được với khán giả ngày nay”, NSND Hương Thơm cho biết.

Nghệ thuật kén khán giả nhưng vẫn trông chờ… bán vé

Điều đặc biệt là mỗi vở diễn của Phó An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên đều chỉ có đúng một chữ: Bóng; Lửa và chương trình biểu diễn sắp tới đây là Gió. Lý giải về điều này, Phó An My cho hay, mỗi lần đặt tên đều dựa trên một miền cảm xúc. Mỗi đêm diễn chị đều có một cảm xúc riêng với những cách diễn giải và tưởng tượng. Ngôn từ của âm nhạc chính là những âm thanh, giai điệu để dẫn dắt con người. Bóng là sự tưởng tượng vì chầu văn là loại hình tín ngưỡng dân gian. Trong khi đó, tuồng là nghệ thuật sân khấu mạnh nên lấy tên là Lửa bởi sự mạnh mẽ, quyết đoán trong tính chất về tính cách của con người. Và tới đây, Gió là hình tượng người phụ nữ nhẹ nhàng, đằm thắm nhưng lại đầy khát khao trong vở chèo Quan Âm Thị Kính.

Có một thực tế là âm nhạc cổ điển vốn đã kén khách, âm nhạc dân gian lại càng kén khán giả hơn, do đó việc kết hợp giữa hai loại hình nghệ thuật kén khán giả thực sự là một quyết định mạo hiểm. Đã vậy, những vở diễn của Phó An My thường không xin tài trợ mà chỉ trông chờ vào việc bán vé. Tận dụng mọi mối quan hệ để bán vé nhưng vẫn có lúc bị lỗ. Tuy nhiên, với Phó An My, điều ấy không quan trọng vì quan trọng nhất là có khán giả đến xem. Bên cạnh đó, sáng tạo nghệ thuật không thể dành cho số đông, nhất là những thứ chị làm lại càng kén khán giả. Phó An My lạc quan: “Tôi may mắn là có hậu phương tốt, không cháy vé cũng không sao. Còn với một nghệ sĩ thì tiền không thực sự quan trọng, như thế nào cũng được. Cũng bởi mình không coi công việc đang làm là để kiếm tiền”.

“Gió” - Cuộc đối thoại âm nhạc cuối cùng

Trong tháng 10 này, đêm đối thoại giữa piano và chèo mang tên Gió sẽ chính thức ra mắt khán giả Hà Nội. Đây là đêm diễn cuối cùng trong dòng đối thoại của nghệ sĩ An My và nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên theo kế hoạch 10 năm mà nữ nghệ sĩ đặt ra. Chặng đường 10 năm với những màn đối thoại độc đáo và kết thúc là đối thoại chèo. Gió là chương trình lớn thứ ba Phó An My kết hợp âm nhạc dân gian và khí cụ phương Tây, nhấn mạnh tính chất lãng mạn, bay bổng trong tác phẩm đề cập tới Thị Kính và Thị Màu. Điều đặc biệt trong vở diễn lần này là không còn sự độc lập tách bạch giữa các màn đối thoại như trong Bóng hay Lửa.

“Trong Bóng và Lửa, người nghe không chỉ được thưởng thức sự kết hợp Đông - Tây đầy ảo diệu, hài hòa mà vẫn được thưởng thức thanh âm nguyên bản của các nhạc cụ dân tộc và piano. Nhưng với Gió, sẽ có cuộc song hành giữa âm nhạc và các đoạn hát, múa. Đây có thể coi là một bước tiến mới trong sự tương tác để diễn giải cảm xúc, hòa quyện vào nhau, không tách rời giữa hai loại hình âm nhạc. Tôi nghĩ làm bất cứ việc gì cũng cần có chặng đường để mình trưởng thành hơn. Gió là bước tiến mới ấy”, Phó An My bộc bạch.

Giải thích về việc lấy cốt truyện Quan Âm Thị Kính để làm nội dung màn đối thoại âm nhạc, nữ nghệ sĩ piano Phó An My cho biết, cô luôn chọn những vở đặc trưng nhất, nổi bật và kịch tính nhất để làm vì như thế sẽ dễ đến gần khán giả hơn.

Và sau sự tương tác trong Gió, điều cuối cùng mà nghệ sĩ Phó An My muốn hướng tới là sự trở lại của toàn bộ âm nhạc. Cô hé lộ, có thể sau này mình sẽ tìm một hướng đi khác chứ không phải đối thoại nữa và đó sẽ là một hành trình âm nhạc riêng.

>>> Xem thêm video Cồ hầu gái phá vỡ lối mòn phim kinh dị Việt Nam:

To view this video please enable JavaScript, and consider upgrading to a web browser that supports HTML5 video

Hoàng Anh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/pho-an-my-tao-de-che-rieng-voi-doi-thoai-piano--cheo-d170903.html