Phó An My: Nuôi con một mình có khi lại hay

Tên tuổi Phó An My gắn bó với những màn trình diễn piano kết hợp nghệ thuật dân tộc, từ hát cọi, hò Huế đến tuồng, chầu văn và tới đây là cheo trong vở diễn mang tên Gió. Không chỉ độc đáo trong nghệ thuật, Phó An My còn cá tính trong việc dạy con. Thay vì trông chờ vào ngành giáo dục, chị đề nghị cải cách từ phụ huynh.

Phó An My: Tôi và Đặng Tuệ Nguyên là một. Ảnh: Hải Yến.

Khi đối thoại với chầu văn, My đã khuyên bạn đồng hành Đặng Tuệ Nguyên đừng nệ vào âm nhạc mà sáng tác dựa trên các huyền tích, còn với dự án “Gió”, các bạn có quy định gì?

Với chèo, Nguyên biến hóa trên các làn điệu thành khí nhạc phong cách lãng mạn. Năm chương của Gió nếu tách ra vẫn là tác phẩm độc lập. Khi NSND Thanh Hoài hát, tiếng piano vẫn song hành diễn giải cảm xúc. Tin rằng rất thú vị, tinh thần lãng mạn dễ làm cho mọi người rung động.

Gió” sẽ là dự án cuối cùng đối thoại với nghệ thuật dân gian. My sẽ dừng cuộc chơi với truyền thống ở đây?

Tôi chỉ không dùng hình thức đối thoại nữa nhưng sẽ vẫn sử dụng chất liệu dân gian với mong muốn quốc tế hóa âm nhạc Việt Nam. Tức là những chương trình sau này sẽ đúng nghĩa hòa nhạc hơn là vở diễn.

Mỗi lần “đối thoại” xong, My phải nghỉ, không làm gì trong một năm. Vậy trước đêm diễn, My phải chuẩn bị những gì?

Căng thẳng từ đầu năm rồi, đã ngồi lên lưng hổ rồi… Cứ ngồi tập đàn lại quên, rời ra lại nghĩ. Nghệ sĩ biểu diễn nước ngoài đến giờ chỉ việc đến diễn thôi. Còn mình muốn tổ chức phải tự lo, rất nhiều việc lặt vặt. Đấy là đã có anh em bạn bè xúm vào giúp rồi. Để cho ra được tác phẩm không đơn giản, diễn hai đêm là quá ít, quá phí. Nhưng để diễn được hai đêm đã là quá nỗ lực, tạm gọi là quá thành công ở Việt Nam rồi. Nhìn xung quanh các nghệ sĩ cổ điển có lẽ chỉ mình tôi có thể làm đêm riêng và bán vé, dù mình không sống bằng tiền bán vé.

Sao My chưa đưa tác phẩm ra nước ngoài?

Có người muốn mua bản quyền Bóng nhưng tôi thấy chưa đủ để mà vừa mới làm đã bán. Tôi muốn mình hoàn thành cả một chặng đường rồi đẩy đi, hợp lý hơn. Mười năm cứ nghĩ là dài nhưng qua rất nhanh. Chuẩn bị cho đêm diễn từ cuối năm trước mà đến giờ vẫn cảm thấy thiếu thời gian. Nào là làm việc, tập đàn, làm mẹ…

Dạy đàn cũng là việc đem lại thu nhập cho nhiều nghệ sĩ piano sao My không làm?

Ngày xưa dạy học rồi. Nhưng người ta cho con đến học như kiểu gửi trẻ. Họ mua cái đàn đặt ở nhà, xong cho con đi học đánh được thì đánh. Từ nay đến Tết cô cố gắng cho cháu đánh được một dòng để biểu diễn…Thôi, nản. Đua nhau cho con học hết mọi thứ nhưng chả quan tâm nó học đến đâu, có nên học không. Đầu tư không đúng hướng. Tốt nghiệp phổ thông cứ thấy trường nào có tên tuổi thi vào thôi. Bởi vì con cái không biết mình muốn gì. Văn có bài mẫu. Gì cũng khuôn mẫu. Bố mẹ làm nghề này thì cha truyền con nối. Sao phải khổ thế. Con tôi - tự do thoải mái!

Riêng trong âm nhạc cha truyền con nối là chuẩn còn gì?

Không. Thời bao cấp ai cũng nghèo, không ai mua nổi đàn. Gọi là con nhà nòi vì bố mẹ làm ngành đấy được nhà nước cấp cho cái đàn, cứ thế mà học. Còn ngoại đạo lấy đâu ra! Đầy những đứa ngoại đạo năng khiếu hơn con nhà nòi nhiều. Cho nên con mình thật sự thích thì mới cho theo, không thì sao phải khổ.

Thuở bé, My có tự giác học đàn?

Con nhà nòi chạy đâu cho thoát. Bố mẹ đều ở đài (Tiếng nói Việt Nam), các cô chú cũng chơi đàn. Nhà 3-4 cái đàn, như trường nhạc, đau hết cả đầu. Hết giờ học ở trường, về nhà đứa nào cũng phải học đàn, vẽ. Mất hết cả tuổi thơ. Chơi được 5 phút y như rằng mẹ gọi học đàn. Đến mức sang Đức (du học) vẫn nằm mơ nghe thấy tiếng mẹ gọi, bừng tỉnh luôn: May quá mình đang ở bên này. Ám ảnh. Lúc ấy ức chế, quá tải. Mình bé như thế phải ngồi 5-6 tiếng tập đàn.

My có thể chia sẻ vài kinh nghiệm dạy con?

Con tôi chưa thích vào lớp 1, tôi cho học chậm một năm. Lúc đi học sẵn sàng, vui vẻ, nó thích thì rất nhàn. Nó không thích ngay từ đầu thì 12 năm của nó sẽ là bi kịch. Giữa năm lớp 2, về tâm sự môn Toán giờ khó quá có lẽ mẹ tìm gia sư cho con chẳng hạn. Tức là nó phải tự đặt ra yêu cầu thì mình sẽ thực hiện, không thì thôi, không áp đặt. Vì con không phải là đồ chơi của mình. Để mình ra khoe con tao học giỏi lắm.

Mọi người đều nói đến cải cách giáo dục, mà quên mất thực ra quan trọng nhất là từ trong gia đình trước đã. Tư tưởng của phụ huynh ra sao, ứng xử thế nào. Ví dụ để con mình tôn trọng thầy cô, phụ huynh phải biết tôn trọng trước. 20/11 trẻ con cầm một phong bì kèm một bó hoa đến đưa cho cô, thấy phản cảm. Như xúc phạm người ta. Phải xem xét lại từ bậc phụ huynh chứ không phải ngành giáo dục. Cứ đua đòi cho con học thêm đến mức độ giờ trẻ tự kỷ đông khủng khiếp luôn.

Tự kỷ nghe đâu còn do thực phẩm?

Đi học nó phải đối phó với các thứ xung quanh đã áp lực. Xong rồi bị áp lực nữa là điểm cao bố mẹ mới thỏa mãn thì không điên mới là lạ.

My có thấy may khi con sinh ra ngoan sẵn?

Không có chuyện đấy. Vấn đề là mình phải có sự chuẩn bị. Đơn cử, đến lúc nó biết ngồi, ăn dặm rồi, mình hoàn toàn có thể để nó tự ngồi ăn được. Nhưng nó sẽ rây rớt hết từ đầu đến chân, hay bôi be bét ra. Người lớn nếu lười đi dọn nhà, thôi xúc cho nó ăn cho nhanh. Thế là tạo điều kiện hỏng rồi. Hay đang đi ngoài đường nó ngã mà mình úi giùi ui thương quá, nó sẽ càng khóc to hơn. Hay nó đòi mình cái gì mà mình cho luôn cho xong việc, cũng không được. Tóm lại đã không là không.

Nuôi con một mình có khi lại hay vì không ai can thiệp cách dạy con?

Đúng rồi. Nhưng ví dụ hè lên ông bà chẳng hạn, lúc về sẽ bị tiêm nhiễm vì được chiều. Nhưng mất một hai ngày lại về vị trí.

Vở chèo Quan Âm Thị Kính sẽ được Phó An My kể lại bằng tiếng đàn piano trong tác phẩm Gió diễn ra 29/10 tại rạp Công Nhân, 42 Tràng Tiền Hà Nội và 3/12 tại GEM Center TPHCM. Phần khí nhạc cho piano do Đặng Tuệ Nguyên viết. Tham gia trình diễn có NSND Thanh Hoài.

Nguyễn Mạnh Hà

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/pho-an-my-nuoi-con-mot-minh-co-khi-lai-hay-1063844.tpo