Phim Việt trên thị trường ngoại: Còn lắm gian nan

Sau 'Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, con vịt và cô gái điếm' của Vũ Ngọc Đãng, hãng phát hành quốc tế lớn và uy tín là Fortissimo lại quyết định mua bản quyền bộ phim của Victor Vũ - 'Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh', đây là những tín hiệu vui, chứng tỏ điện ảnh Việt đã khẳng định được thương hiệu riêng trên thị trường quốc tế.

Đầu năm nay, phim điện ảnh “Gái già lắm chiêu” nhận được phản hồi đáng mừng từ khán giả Hàn Quốc lẫn các nhà làm phim thuộc liên hoan phim Diaspora Film Festival.

Nhưng theo các nhà làm phim, sản phẩm điện ảnh Việt vào được các rạp có đầu tư nước ngoài đã khó, chưa kể vào được rồi nhưng vẫn chạnh lòng vì suất chiếu ít, thậm chí thưa thớt...

Hào quang và thực tế

Vài năm trở lại đây, điện ảnh Việt đã tự tìm đến các liên hoan phim quốc tế, bên cạnh đó, ở dòng thương mại đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm thêm doanh thu ở thị trường nước ngoài. Thực tế, những nhà sản xuất phim độc lập thường làm luôn công việc phát hành, bằng cách chủ động liên hệ với các rạp chiếu tại Bắc Mỹ để chào mời bộ phim.

Tuy nhiên, các phim như “Cú và chim se sẻ” (Owl and the sparrow), “Để mai tính” (Fool for Love), “Chuyện tình xa xứ” (Passport to Love), “Cô dâu đại chiến” (Battle of the Brides)… thường đổ về khu vực Bắc Mỹ để tìm kiếm nhà phát hành giúp đàm phán và đưa phim đến rạp chiếu tại những khu vực có đông người Việt sinh sống. Do số rạp nhận chiếu còn thấp (từ 5 – 10 rạp), nên doanh thu các bộ phim này còn ở mức khiêm tốn, trong khoảng từ 40 đến 170 ngàn USD.

Không thể phủ nhận, đưa phim ra thị trường quốc tế rất khó! Chẳng hạn với thị trường Mỹ, ngay cả những phim lớn của châu Á chen chân vào còn không dễ dàng. Còn tại thị trường Pháp, phim thắng Cành cọ vàng ở Cannes 2010 như "Bác Boonme, người nhớ lại tiền kiếp" của đạo diễn người Thái Apichatpong cũng chỉ bán được 150.000 vé. "Để có thể phát hành rộng rãi ngoài hệ thống rạp chiếu thương mại, thường đó phải là phim của các đạo diễn lớn, bằng không phim chỉ có thể phát hành trong phạm vi hẹp", đạo diễn Phan Đăng Di từng bày tỏ như vậy.

Ngay cả "Bi, đừng sợ!" của anh cũng không tìm được hãng phát hành quốc tế dù thắng 2 giải thưởng tại Tuần lễ phê bình ở LHP Cannes 2010. Không tìm được hãng phát hành nên nhà sản xuất phải tự điều đình với các rạp phim nghệ thuật ở Pháp để chiếu thương mại trong phạm vi hẹp và bán phim cho các hãng phát hành nhỏ ở Ba Lan, Đài Loan. Đến lượt các hãng này lại in phim ra DVD tiêu thụ tại cửa hàng băng đĩa và bán cho các hãng hàng không phục vụ khách trên chuyến bay giữa Mỹ và Việt Nam quá cảnh tại Đài Loan (Trung Quốc).

Năm 2015, Đăng Di lại lập thành tích khác khi "Cha và con và..." được đề cử giải thưởng Gấu vàng tại LHP Berlin 2015. Có thể nói đây là một bước tiến quan trọng của Đăng Di trong việc chinh phục thị trường quốc tế khi sản phẩm của anh là một trong 4 phim được hãng phát hành phim nghệ thuật quan trọng Memento Films mua, trong đó có cả "Taxi" - phim giành giải Gấu vàng của Iran. "Cha và con và..." từng có mặt tại khoảng 400 rạp của Pháp. Đây là bộ phim đầu tiên do đạo diễn trong nước thực hiện được phát hành thương mại rộng rãi nhất tại Pháp, thị trường quan trọng nhất của phim nghệ thuật.

Giữa hàng trăm bộ phim được chào bán tại mỗi chợ phim, việc phim Việt lọt vào mắt nhà phát hành quốc tế rõ ràng là chuyện vui. Tuy nhiên, đến giờ vẫn chưa có thương vụ nào đưa phim Việt ra rạp chiếu thương mại rộng rãi tại nước ngoài. Biên kịch Phước Châu nói: “Theo tôi được biết, đến nay, hầu hết phim Việt mới chỉ dừng lại ở việc phát hành theo dạng DVD và một số ít kênh truyền hình tại nước ngoài”. Có đạo diễn cho rằng, đa số phim Việt phát hành tại Mỹ chỉ trong phạm vi hẹp, phục vụ bà con Việt kiều là chính.

Không ngừng cố gắng

Không thể phủ nhận, đưa phim ra thị trường quốc tế rất khó!

Không thể phủ nhận, đưa phim ra thị trường quốc tế rất khó!

Đầu năm nay, điện ảnh Việt từng lập kỳ tích trên "sân khách", cụ thể, phim điện ảnh “Gái già lắm chiêu” nhận được những phản hồi đáng mừng từ khán giả Hàn Quốc lẫn các nhà làm phim thuộc liên hoan phim Diaspora Film Festival. Buổi chiếu phim “Gái già lắm chiêu” trong hạng mục Asian Now là bộ phim được trình chiếu mở màn cho liên hoan phim này. Phim điện ảnh “Gái già lắm chiêu” do bộ đôi đạo diễn Bảo Nhân và Namcito thực hiện đã ra mắt khán giả Việt Nam vào đầu năm 2016. Bộ phim đã thu được doanh thu khá cao (38 tỷ) đồng thời nhận được nhiều lời khen ngợi của giới chuyên môn và báo giới lẫn khán giả yêu phim ảnh.

Tiếp nối thành tích của "Gái già lắm chiêu", các nhà làm phim Việt càng nỗ lực đưa sản phẩm điện ảnh Việt ra thị trường quốc tế bằng nhiều cách. Gần đây nhất, từ ngày 17 đến 21-9, Đoàn Điện ảnh Việt Nam do TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh làm trưởng đoàn tham dự Liên hoan Phim Ba Lan lần thứ 42 được tổ chức tại thành phố Gdynia. Tại LHP, đoàn đã có buổi tiếp xúc với Hiệp hội các nhà sản xuất phim Ba Lan để chuẩn bị cho Lễ ký kết hợp tác giữa các nhà sản xuất phim Việt Nam và Ba Lan sẽ được tổ chức chính thức vào tháng 11-2017 - trong thời gian diễn ra Liên hoan phim Việt Nam tại Đà Nẵng từ 24 đến 28-11.

Trước đó, tối 15-9, tại Rạp chiếu phim Kino Kultura, thủ đô Warsaw, Ba Lan, Cục Điện ảnh phối hợp với Hiệp hội các nhà sản xuất phim Ba Lan, Hội hữu nghị Việt Nam-Ba Lan và Hội hữu nghị Ba Lan- Việt Nam tổ chức buổi gặp gỡ thân mật giữa các nhà điện ảnh Việt Nam, Ba Lan cùng cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan và chiếu bộ phim truyện mới của điện ảnh Việt Nam "Em chưa 18" (Đạo diễn Lê Thanh Sơn; do doanh nghiệp Việt Nam tại Ba Lan đầu tư kinh phí sản xuất).

Dịp này, khán giả tại Ba Lan cũng được xem bộ phim :Phiên chợ vùng cao" và "Mũi Né, vùng biển thức" - hai bộ phim tài liệu nghệ thuật quảng bá du lịch Việt Nam đặc sắc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Cục Điện ảnh) đặt hàng, Trung tâm dân tộc sản xuất phim miền núi và biển đảo sản xuất (đạo diễn Trần Tuấn Hiệp).

Bày tỏ cảm xúc tại buổi gặp gỡ và chiếu phim, phía Ba Lan gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Cục Điện ảnh đã đồng hành để tạo cơ hội mở rộng, thúc đẩy hợp tác sản xuất phim giữa điện ảnh Việt Nam và điện ảnh Ba Lan, đồng thời giới thiệu các bộ phim mới của điện ảnh Việt Nam đến khán giả tại Ba Lan.

Hưng Vũ

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/van-hoa/phim-viet-tren-thi-truong-ngoai-con-lam-gian-nan-3830243-c.html