Phim Truyền hình Việt: Lượng lấn chất!

PN - Phim truyền hình (TH) thời xã hội hóa khiến nhà nhà, người người tham gia sản xuất phim. Tuy nhiên, để có một chiến lược phát triển phim TH lâu dài, căn cơ, thì ít thấy ai đề cập.

Quá nhiều lời chỉ trích Hiện, thời lượng phát sóng phim TH Việt trên các kênh đạt con số 30%. Dự kiến sẽ tiến đến 40%, 50% rồi 60% trong những năm tiếp theo. Từ quy định trên, mỗi năm, các đài TH lớn như VTV, HTV cần đến hàng nghìn tập phim để phát sóng. Hàng loạt công ty tư nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất phim TH ra đời như: Lasta, BHD, Sóng Vàng, M&T Pictures, Vifa, Thiên Ngân, Sena Film... Bên cạnh một số phim được đánh giá khá ổn, vẫn còn rất nhiều phim bị khán giả phê phán về chất lượng như: Có lẽ nào ta yêu nhau, Những người độc thân vui vẻ, Mùa chim én xôn xao, Sóng gió cuộc đời... Xem phim TH Việt, khán giả bỗng "dị ứng" với những gì diễn ra trên phim, bởi chúng hoàn toàn xa lạ với cuộc sống đời thường. Diễn viên Đức Hải và Tuyết Thu trong phim Cha dượng Thảo luận về Luật Điện ảnh sửa đổi, đại biểu Nguyễn Thị Phương Thảo (Đoàn TP.HCM) cũng cho rằng, phim về VN mà thấy toàn nhà cửa sang trọng, giàu có, cách sống xa lạ với đa số người lao động. Đạo diễn Đào Bá Sơn - giảng viên Trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM thẳng thắn: "Nếu nói làm phim TH để phục vụ cho các bà nội trợ, những người dân lao động, những người nông dân ở vùng sâu, vùng xa nên phải hiện thực hóa giấc mơ của họ bằng bối cảnh nhà lầu, xe hơi chỉ là ngụy biện. Đó thật sự là những bộ phim kém chất lượng. Phim ảnh phải góp phần nâng cao khả năng thẩm mỹ, kiến thức cho dân chúng. Nhưng cách làm phim như chúng ta hiện nay, rõ ràng là thấp hơn mặt bằng dân trí của xã hội. Vì vậy, rất khó được khán giả chấp nhận, đặc biệt là giới trí thức". Theo NSND Đoàn Dũng thì không nên vì áp lực 40% hay 60% mà vội vã cố làm cho được, trong khi nhân sự thiếu hụt, lại không được đào tạo bài bản như hiện nay. Cần có chiến lược đầu tư Nhà nước đưa ra kế hoạch tăng giờ phát sóng phim TH Việt để khán giả không bị "xâm lấn văn hóa" bởi phim Hàn Quốc, Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan... Nhưng dường như chúng ta quá vội vã thực thi mà chưa có kế hoạch phát triển dài hạn. Cả nước chỉ Hà Nội và TP.HCM có trường trung cấp đào tạo phát thanh - TH, nhưng sinh viên tốt nghiệp từ đây cũng không thể bổ sung vào đội ngũ làm phim TH, do họ không được đào tạo theo công nghệ làm phim của thế giới. Đa số những người làm phim TH hiện nay đều xuất thân từ điện ảnh, sân khấu (đạo diễn, diễn viên) hoặc tay ngang như hoa hậu, hoa khôi, người mẫu... hoàn toàn không được đào tạo bài bản. Những nhóm viết kịch bản có thể là nhà báo, nhà thơ hoặc sinh viên tốt nghiệp khoa ngữ văn, báo chí chưa được đào tạo về kỹ năng viết kịch bản phim TH, nên đa số kịch bản đều thiếu chặt chẽ, ít tạo kịch tính. Chính vì vậy, thật dễ hiểu vì sao các phim TH cứ na ná nhau, nhàn nhạt và ít để lại dấu ấn. Một nguyên nhân khác là tài chính. Nhà sản xuất luôn muốn giảm thiểu tối đa chi phí làm phim với cách làm tốc độ chỉ một, hai ngày/tập. Diễn viên do nhận cát-sê thấp (vài triệu một tập) nên phải ra sức chạy show từ phim này đến phim khác, có lúc đến trường quay mới cầm kịch bản đọc thoại, thì khó mà nuôi dưỡng đủ cảm xúc để thể hiện trọn vẹn tâm lý nhân vật. Vì vậy, khi xem phim TH, khán giả dễ nhận ra lối diễn rập khuôn của diễn viên. Họ diễn nhiều, khán giả xem nhiều và cũng... quên nhiều! Trong khi đó, "nhà đài" lại độc quyền bán sóng cho các nhà sản xuất phim TH với công thức "lời ăn, lỗ chịu", vì thế nhà đài chẳng chịu bất cứ áp lực gì. "Vừa đá bóng, vừa thổi còi" là tình trạng chung hiện nay, khi Bộ Thông tin và Truyền thông giao cho ban Giám đốc các đài TH xét duyệt phim. Nhìn sang Hàn Quốc, để có một nền điện ảnh, TH tiên tiến như hiện nay, họ đã đầu tư công sức tiền của từ 10-20 năm trước. Cụ thể họ gửi rất nhiều học sinh sang Mỹ đào tạo về đạo diễn, diễn viên, chuyên gia âm thanh, ánh sáng, quay phim, kỹ thuật TH... rồi lập chiến lược thúc đẩy công nghiệp hóa ngành điện ảnh TH rất cụ thể, không phải chỉ đơn giản là xã hội hóa như ta đã làm. Duy Khánh

Nguồn Phụ Nữ TP.HCM: http://www.phunuonline.com.vn/giaitri/2009/Pages/Phim-Truyen-hinh-Viet-Luong-lan-chat.aspx