Phim tài liệu Nhật về Điện Biên Phủ do tướng Giáp dẫn chuyện

SGTT - Điện Biên Phủ – cuộc chiến 56 ngày đêm làm thay đổi thế giới là bộ phim tài liệu dài 50 phút do hãng phim Nhật Nihon Denpa News (NDN) thực hiện, đã được phát trên đài NHK vào tháng 7.2004 trên toàn Nhật Bản, và hai lần qua vệ tinh trên toàn thế giới, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Điều đặc biệt của bộ phim này là Đại tướng Võ Nguyên Giáp chính là người dẫn chuyện, và lời kể của ông được bổ sung bằng các hình ảnh, lời nói của các nhân chứng.

Đạo diễn Matsumoto (phải) đang chỉ đạo quay phim. Ảnh: Trần Huy Công Sau khi xem lại đĩa phim, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, theo lời kể của người thư ký, đã nhận xét rằng “đây là bộ phim hay, trung thực, thể hiện được trọn vẹn diễn biến của chiến dịch Điện Biên Phủ”. Để thực hiện được điều này, ngoài các nhân chứng ở Việt Nam, các nhà làm phim NDN đã sang Pháp để gặp những nhân chứng từ phía bên kia chiến tuyến. Nhưng điều làm Matsumoto, nhà đạo diễn nổi tiếng về phim chiến tranh của Nhật Bản, cảm thấy hồi hộp nhất là phút giây đầu tiên nhìn thấy tướng Giáp tại tư gia. “Một ông già ngoại cửu tuần chầm chậm đi ra phòng khách, từ từ ngồi xuống ghế, và thở rất khó nhọc. Tôi đã thoáng lo sợ, bởi chương trình của chúng tôi dứt khoát phải có cuộc phóng vấn tướng Giáp – Matsumoto nhớ lại – nhưng chỉ khi câu hỏi đầu tiên được đặt ra, vẻ mặt lão Đại tướng đột nhiên thay đổi, mắt ông sáng lên, lanh lợi. Giọng nói ông dõng dạc, và đặc biệt ông nhớ đến từng chi tiết mà không cần xem lại giấy tờ gì cả”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể rằng trước khi lên Điện Biên Phủ, ông đã đến chào Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Lúc ra về, vừa bắt tay tôi, Bác vừa căn dặn: Chắc thắng hãy đánh, không chắc thắng không đánh”, tướng Giáp kể lại. Để ngăn chặn sự mở rộng vùng tự do của phía Việt Nam, Pháp quyết định xây dựng một cứ điểm “bất khả chiến bại” ở vùng Tây Bắc, cách biên giới Lào chừng 15km theo đường chim bay. Cứ điểm Điện Biên Phủ nằm trong một thung lũng bao quanh bởi đồi núi, gồm 45 trận địa bao quanh sở chỉ huy, với tổng số 16 ngàn quân. Nghi ngờ chủ trương “đánh nhanh – thắng nhanh” đang bao trùm trong tất cả chỉ huy và binh sĩ Việt Nam lúc đó, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã cho trinh sát ngày đêm nắm lại tình hình Điện Biên Phủ, nhất là việc di chuyển của quân Pháp, và ông đã kết luận rằng “đối đầu với quân Pháp mạnh như vậy không thể thắng được, mà chỉ hy sinh vô ích”. Ông đưa ra chủ trương mới là “đánh chắc – tiến chắc”. Ngày 13.3.1954, ông hạ lệnh tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Sau một tháng chiến dịch, quân đội và dân công Việt Nam, với hệ thống giao thông hào của mình, đã bao vây quân Pháp ở một cự ly rất gần, tới mức có thể nhìn rõ mặt nhau. Tướng Giáp giải thích: “Chiến thuật đào công sự này là do chuyên gia Trung Quốc giới thiệu, được rút ra qua bài học chiến tranh với Mỹ ở Triều Tiên của quân giải phóng Trung Quốc. Tấn công từ hệ thống công sự này bắt đầu phát huy mạnh mẽ tác dụng, và có uy lực rất lớn”. Chiến dịch 56 ngày đêm kết thúc với sự đầu hàng của tướng De Castri. “Tôi chưa về nhà ngay mà lên ngựa đi báo cáo với Bác Hồ. Bác nói: Mừng chú thắng trận trở về. Nhưng tiếp theo ta còn phải đánh Mỹ nữa”, tướng Giáp nhớ lại. Bộ phim kết thúc bằng câu nói của tướng Giáp: “Lúc ta chuẩn bị đánh Mỹ, Liên Xô và Trung Quốc đều khuyên rằng “làm sao đánh được Mỹ, các anh bỏ ý định đó đi”. Tôi đã trả lời rằng, nếu chúng ta đánh theo cách của Liên Xô và Trung Quốc, chắc chẳng chịu được một tiếng đồng hồ. Nhưng theo cách đánh của Việt Nam thì chiến thắng là điều có thể”. Sau 21 năm, điều đó đã thành hiện thực. Một năm sau khi thực hiện bộ phim này, Matsumoto lại thực hiện tiếp hai tập phim về chiến tranh Việt Nam, phát trên NHK, nhân kỷ niệm 60 năm chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Nguồn SGTT: http://sgtt.com.vn/giai-tri/122022/phim-tai-lieu-nhat-ve-dien-bien-phu-do-tuong-giap-dan-chuyen.html