Phim nhân học Việt nơi miền đất hứa

Theo đánh giá của nhiều người, phim nhân học có thể thay đổi định kiến xã hội, thay đổi chính sách với những người yếu thế như phụ nữ, những người dị tính...

Cảnh trong phim 'Câu chuyện của nghệ nhân gốm' do Cao Trung Vinh đạo diễn

Lả và Tương đã mang rất nhiều khăn của dân tộc Thái lên Hà Nội vào ngày ra mắt bộ phim Trên rừng dưới thung hồi năm 2015. Hai phụ nữ vùng Tây Bắc này đang sống chung với HIV, đấu tranh với căn bệnh và cuộc đời. Họ còn mang theo cả măng để tặng đạo diễn Trần Phương Thảo. Bộ phim của Thảo có nhiều hình ảnh về cuộc sống của người Thái ở Tây Bắc. Trong đó, gồm cả câu chuyện những người đã rơi vào ma túy rồi mang bệnh cho người thân như thế nào.

Phản ảnh muôn mặt cuộc sống

Thông qua phim nhân học, những khổ đau mọi mặt của đời sống xã hội sẽ tái hiện, từ đó cần truyền tải những thông điệp để xã hội được tốt đẹp hơn

Nhà làm phim Oh Min-wook

Trên rừng dưới thung là một trong 14 bộ phim nhân học được chiếu tại Tuần phim nhân học VN - Hàn Quốc từ 14 - 18.11 tại Hà Nội. Tuần lễ này, theo PGS-TS Nguyễn Thị Hiền, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN, Trưởng ban tổ chức tuần phim, là nơi hội tụ của những “nghiên cứu nhân học được làm bằng phim, hình ảnh”, cho thấy các vấn đề văn hóa xã hội bằng hình, đi sâu hơn vào việc giải thích các vấn đề con người.

Chính vì thế, các bộ phim trong tuần phim này khá đa dạng về các vấn đề con người. Có phim nói về hòa giải sau chiến tranh, có vấn đề tái hòa nhập cộng đồng sau khi trở về từ một nền văn hóa khác, chăm sóc cha mẹ già đau ốm trong đô thị, giáo viên ở vùng sâu vùng xa, chiến đấu với HIV, các cá nhân giữ nghề truyền thống chịu sức ép kinh tế...

Khi sóng vỗ bờ của Nguyễn Xuân Hoàng Minh mang đến câu chuyện gia đình và cú sốc văn hóa khi người cha, là cột trụ gia đình, sau 20 năm kiếm sống ở nước ngoài trở về đã thấy mình vô cùng lạc lõng, dẫn tới xung đột.

Trong khi đó, người mẹ đơn thân nhiễm HIV trong phim Con đi trường học (đạo diễn Hà Lệ Diễm) lại kể chuyện bà đã cố gắng sống và nuôi con ăn học ra sao. Người phụ nữ đơn thân dân tộc Dao này phơi nhiễm HIV do người chồng bị nghiện rượu. Chuyện dài ở bệnh viện của Trịnh Quang Tùng là mối quan hệ người già với người giúp việc và bệnh viện. Qua đó, đạo diễn đặt ra câu hỏi về việc chăm sóc cha mẹ lúc đau ốm mà con cái lại bận việc, liệu giá trị gia đình có rạn nứt hay không.

Có hai tác phẩm của VN và Hàn Quốc cùng chọn đề tài di sản văn hóa các làng nghề. Nếu như Câu chuyện của nghệ nhân gốm của Cao Trung Vinh kể về làng gốm Phù Lãng thì phim Nghệ nhân dệt Hàn Quốc lại kể về nghề dệt vải gai Andongpo. Trong khi đó, Koo Dae-hee đưa câu chuyện về giới qua phim Cô con gái thứ và Bữa trưa của những người phụ nữ làm nhiều nghề vất vả khác nhau như phục vụ khu đua ngựa, lái taxi...

Hướng tới xã hội tốt đẹp hơn

Theo PGS-TS Bùi Quang Thắng, Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN, phim nhân học là thể loại phim tài liệu, tức là không hư cấu về những nền văn hóa khác nhau trên hành tinh này hoặc về những tiểu văn hóa của các nhóm người trong xã hội hiện đại. VN đang được coi là miền “đất hứa” cho phim nhân học. Các tộc người với tập quán đa dạng là nguồn đề tài dồi dào. Vấn đề xã hội cũng sinh động.

Trong tọa đàm với chủ đề “Làm phim nhân học ở VN và Hàn Quốc” thuộc Tuần phim nhân học VN - Hàn Quốc diễn ra tại Hà Nội chiều 17.11, rất nhiều ý kiến của các nhà làm phim, nhà nghiên cứu... đã nêu bật vai trò của phim nhân học trong cuộc sống hiện đại. “Làm phim là cơ hội được bước chân vào thế giới của người khác, để được hiểu họ... Qua đó tôi yêu thích họ hơn”, nhà làm phim dân tộc Tày Hà Lệ Diễm chia sẻ. Còn nhà làm phim Oh Min-wook cho biết: “Thông qua phim nhân học, những khổ đau mọi mặt của đời sống xã hội sẽ tái hiện, từ đó cần truyền tải những thông điệp để xã hội được tốt đẹp hơn”. Trong khi đó, đạo diễn Kwon Eun-jee nhận định: “Trong tương lai, phim nhân học, phim tư liệu sẽ gây được hứng thú đối với học sinh, các bạn ấy sẽ xem phim thay vì phải đọc quá nhiều sách. Phim nhân học vẫn là cách để truyền đạt những thông tin mang tính nhân văn, tình cảm”. Thông điệp này được nhà nghiên cứu Bùi Quốc Linh, Viện Hán Nôm, đồng tình. “Dù không phải là người làm phim nhân học nhưng tôi lại được thừa hưởng rất nhiều các thành quả từ các đạo diễn khi sử dụng phim như là một nguồn tài liệu vào công trình nghiên cứu của mình”, Bùi Quốc Linh nói.

“Ở Mỹ đã có một số nhà nghiên cứu sử dụng phim để vận động chính sách quốc gia cho các tộc người. Nhờ đó, các dân tộc thiểu số được tôn trọng, tín ngưỡng được tôn trọng hơn, mức sống được nâng lên”, PGS-TS Nguyễn Thị Hiền nói về tác động của phim nhân học. Theo bà Hiền, trong tuần phim nhân học lần này, bản thân bộ phim được chiếu khai mạc Trên rừng dưới thung cũng là phim đặt hàng để tuyên truyền, vận động về vấn đề phụ nữ nhiễm HIV; hay Người con của mẫu, phim do bà Hiền làm về một bà đồng, cũng có thể sử dụng để giới thiệu văn hóa đạo Mẫu. Thực tế này cho thấy phim nhân học Việt đang đi đúng hướng, phát huy triển vọng của mình ở nơi được cho là “miền đất hứa”.

Tại VN, hiện có nhiều đơn vị tham gia làm phim nhân học. Ngay trong tuần phim lần này, VN có các đơn vị như Trung tâm đào tạo điện ảnh trẻ TPD, Hãng phim tài liệu khoa học T.Ư, Doclab thuộc Viện Goethe, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN, Khoa Nhân học Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội...

Các tác giả phim Việt có nhiều người hiện đang là nhà nghiên cứu văn hóa, nhân học tại Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN. Theo PGS-TS Nguyễn Thị Hiền, trước đây Bảo tàng Dân tộc học cũng từng tổ chức liên hoan phim nhân học. Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN đang là một đầu mối lớn của phim nhân học trong nước, có liên kết với các mạng lưới phim nhân học ở nước ngoài. Hiện kho tư liệu của Viện có hàng trăm phim nhân học mua từ Viện Phim nhân học lớn của Mỹ. Bên cạnh đó, có nhiều phim khác do các nhà nghiên cứu trong Viện thực hiện. “Chúng tôi vẫn cho các đồng nghiệp tại trường đại học mượn các phim này để sử dụng trong bài giảng của họ”, bà Hiền nói.

Trinh Nguyễn - Vinh Cao

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/van-hoa/phim-nhan-hoc-viet-noi-mien-dat-hua-766147.html