Phim ngắn "Trốn tìm": Ngụ ngôn về sự phi lý hiện hữu

Với nội lực sáng tạo dồi dào, Họa sĩ Lê Thiết Cương còn tham gia nhiều lĩnh vực khác, như gốm, làm sách, viết báo... Gần đây nhất, anh trình làng bộ phim ngắn Trốn tìm - một thể nghiệm mới của anh trong nghệ thuật. Lê Thiết Cương đã chia sẻ nhân duyên thúc đẩy anh thực hiện dự án điện ảnh này qua bài phỏng vấn của Tia Sáng.

Lựa chọn đầu tiên của anh khi bước chân vào lĩnh vực điện ảnh là thể loại phim ngắn, liệu điều này có liên quan gì đến phong cách tối giản trong hội họa mà anh lựa chọn lâu nay không?

Chắn chắn là phim ngắn và hội họa tối giản, mỹ thuật tối giản, thẩm mỹ tối giản của tôi có liên quan mật thiết với nhau. Xét về mặt đặc trưng thể loại, không phải cứ phim dài sẽ hay hơn, khó hơn làm phim ngắn và ngược lại. Trong thời lượng trung bình 15 phút một bộ phim ngắn như vậy, người ta buộc phải tìm mọi thủ pháp để chắt lọc, cô đọng nội dung ấy lại.

Với cá nhân tôi, khi đã xây dựng được một phong cách nghệ thuật, quan niệm thẩm mỹ tối giản trong mỹ thuật rồi, thì việc chuyển sang làm phim ngắn sẽ lợi thế hơn so với một người đang đi theo quan niệm thẩm mỹ tối đa, hướng tới kích thước và dung lượng tác phẩm dài rộng.

Phim ngắn là một hình thức tương tự như nghệ thuật đồ họa trong mỹ thuật. Đồ họa cũng là một hình thức thẩm mỹ tối giản. Ví dụ như thiết kế logo, đồ họa chữ hay thiết kế thương hiệu chẳng hạn, đều giống nhau ở việc yêu cầu một nội dung rất gọn, sắc, mạnh, đập vào sự tri giác của người xem. Tương tự phim ngắn cũng vậy. Với thời lượng ngắn như thế, mọi yếu tố như cốt truyện, hình ảnh, diễn xuất đều phải được cô đọng, làm sao để chuyển tải câu chuyện một cách nhanh nhất và ấn tượng nhất.

Chất hội họa có ảnh hưởng gì trong phim Trốn tìm?

Chính vì tôi làm hội họa tối giản, nên phong cách này ghi dấu rất nhiều trong bộ phim. Trong phim, tôi không thay đổi nhiều cỡ ảnh, phim không hề có tính đột ngột. Tôi tránh tối đa việc thực hiện những động tác máy phức tạp, cầu kỳ, như chúc máy từ trên xuống hoặc để máy dưới đất hất ngược lên, mà gần như từ đầu đến cuối chỉ có một điểm nhìn. Máy quay luôn để trên chân máy, cách mặt đất một khoảng bằng trung bình mắt của một người đang đứng nhìn vào để theo dõi câu chuyện.

Thứ hai, trong suốt chiều dài bộ phim, tôi hầu như chỉ thực hiện những khuôn hình tĩnh. Chỉ có hai cảnh đầu phim và cuối phim là tôi đẩy máy từ phía nhân vật, những phân cảnh còn lại thì máy không lia. Bố cục của khuôn hình phim, cũng giống như tranh của tôi, là sự kết hợp của những miếng, mảng lớn, thường là những miếng lớn bên phải, miếng nhỏ bên trái, hoặc miếng lớn phía trên, miếng nhỏ phía dưới. Bố cục lưỡng phân này thể hiện ngay trong Trốn tìm. Trốn tìm là một kết cấu đối nghịch, một cặp đối nghịch gồm một người trốn – một người tìm, hoặc ngược lại.

Qua bộ phim, anh muốn chuyển tải thông điệp gì đến người xem?

Bộ phim dụng tứ từ hai trò chơi dân gian của trẻ em: trò trốn tìm và trò bịt mắt bắt dê. Tuy nhiên, bộ phim của tôi không phải là sự minh họa cho trò chơi dân gian, mà từ cái “tứ” là trò chơi trốn tìm, tôi muốn viết lên một câu chuyện khác về cuộc đời.

Bộ phim có bốn trường đoạn, hai trường đoạn đầu có tính chất dẫn dắt, giới thiệu với người xem về một cặp nam nữ đang chơi trò trốn tìm. Đầu tiên, nam bịt mắt đi tìm nữ, sau đó, nữ bịt mắt tìm nam. Hai trường đoạn đầu được quay màu.

Sang đến trường đoạn ba, không còn quay màu nữa mà trở thành phim đen trắng. Ở trường đoạn này, khác với trò bịt mắt bắt dê ngoài đời thực, cả hai nhân vật cùng lấy khăn, bịt mắt mình lại, cùng tìm nhau và trốn nhau. Cái tứ này là một giả sử về điều không có thật. Dùng phim đen trắng, là tôi muốn mượn ngôn ngữ của cái phi lý để lý giải về những điều có lý và có thật trên đời: rằng ai cũng vậy, hình như có lúc người ta phải đi tìm mình, chứ không phải là tìm ai đấy, tìm điều gì bên ngoài mình. Và, mỗi người chúng ta, cũng có lúc phải trốn tránh chính bản thân mình.

Kết thúc trường đoạn ba, tôi để hai nhân vật cởi bỏ tấm khăn đỏ, trở lại thành hai con người bình thường, mắt mở to, sáng rõ. Thế nhưng, trong khoảng sân hẹp đó, họ tiếp tục chơi trò trốn tìm, mà vẫn không tìm thấy nhau.

Ở trường đoạn bốn, cả hai cùng tìm nhau, có lúc họ chỉ cách nhau một sợi tóc, mắt nhìn vào nhau, hai tay chạm nhau trong vài giây, rồi lại buông ra, mỗi người một ngả. Hai người lại tiếp tục đi tìm lẫn nhau và trốn nhau. Nhưng Trốn tìm không chỉ bó hẹp trong câu chuyện tình yêu, ở đây, tôi hướng đến một ý nghĩa phổ quát hơn - cuộc “trốn tìm” trong đời mỗi người. Chẳng phải trong đời sống chúng ta cũng như vậy sao? Dường như có lúc, mình đã chạm được vào điều mình muốn tìm, chạm vào người mình muốn có, nhưng lại bỏ qua, không thấy rằng đó là cái đích của mình rồi. Và cũng có lúc, mình cố gắng đi tìm điều ấy, người ấy, mà họ lại đi đâu mất hay cố gắng trốn mình. Ngay cả khi không có ai đi tìm mình, chúng ta vẫn đi trốn. Đó là sự thật, nhưng sự thật này chỉ hay khi được giải thích bằng sự phi lý.

Cảnh kết trở lại phim màu, trời bỗng đổ mưa, hai nhân vật tạm nghỉ, đứng trú mưa dưới hiên cạnh nhau. Cơn mưa kết phim là một kết thúc mở. Tôi không định làm một happy ending đơn giản của bộ phim để cho hai người tìm thấy nhau, nhưng tôi cũng không bi quan đến mức cho rằng cái gì ở đời này cũng là không bao giờ tìm thấy cả, bởi thực tế, có rất nhiều người đã tìm thấy nhau, tìm thấy con đường của mình, tìm thấy hạnh phúc, tìm thấy điều mình muốn. Do vậy, tôi muốn cho nhân vật của mình dừng lại, tạm nghỉ trong trò chơi trốn tìm của cuộc đời. Biết đâu những ngày sau họ lại chơi nữa, ở những chặng đời nào đó tiếp theo.

Khi làm phim, anh có hướng đến một đối tượng khán giả cụ thể nào không? Một bộ phim giàu tính triết lý và trừu tượng như Trốn tìm phải chăng sẽ kén khán giả?

Theo quan điểm của tôi, có rất nhiều loại nghệ thuật, cũng như có rất nhiều loại khán giả, độc giả, nhưng không có loại hình nghệ thuật nào có thể bao quát được tất cả những người thưởng thức. Chẳng hạn, những bộ phim dài tập trên truyền hình thường dành cho số đông, còn thể loại phim ngắn thể nghiệm nên dành cho các sân khấu nhỏ. Dù là loại hình nghệ thuật nào đi nữa, cũng đều có ý nghĩa và đặc trưng riêng của nó.

Trốn tìm quả thực sẽ hơi kén khán giả. Bởi tính của tôi cực đoan, khi làm nghệ thuật, tôi cũng thích cực đoan. Thay vào hai trường đoạn đầu là màu, thì hai trường đoạn sau, tôi chuyển hết sang đen trắng. Phim không có nhạc, không có thoại, tiếng động của phim chỉ là âm thanh, ví dụ như tiếng guốc gõ trên sân, hay tiếng quét lá của chú tiểu…Những điều này có thể gây ra sự khó hiểu đối với người xem.

Anh có thể chia sẻ những dự án nghệ thuật tiếp theo của mình?

Trốn tìm là chuyện số ba trong số năm kịch bản mà tôi đã viết, nhưng được chọn làm bộ phim đầu tiên, bởi qua phim ngắn đầu tiên này, tôi muốn thực hiện một tác phẩm nghệ thuật kép. Cùng với một cốt truyện như thế, nhưng sẽ được chuyển thể thành phim và kịch ngắn. Hẳn nhiên, do sự khác biệt về đặc trưng thể loại, nên dù cùng một cốt truyện, thì tác phẩm điện ảnh và tác phẩm kịch sẽ có những điểm độc đáo, hấp dẫn riêng. Sau Trốn tìm là phim ngắn thứ nhất, tôi sẽ tiếp tục dựng tiếp phim ngắn thứ hai, ba, bốn, năm.

Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!

Thúy Hạnh thực hiện

Nguồn Tia Sáng: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?CategoryID=41&News=9889&tabid=115