Phim Kong, Bún chả Obama: Du lịch Việt Nam làm được việc to nhưng quên... việc nhỏ

Chúng ta có thể làm được việc to như đón Hollywood đến quay phim ở các tỉnh có danh lam, thắng cảnh, “mời” tổng thống Mỹ ăn bún chả ở thủ đô, nhưng lại không dễ làm việc nhỏ.

Việc nhỏ như... nhà vệ sinh bẩn

Trung bình mỗi năm hai chuyến, vợ chồng tôi xuyên Việt bằng ô tô. Đi đến đâu, buồn ngủ thì tìm khách sạn ba, bốn sao ngủ. Mỗi lần đến khách sạn nào, tôi cũng xin được “khảo sát” trước vì sợ… bẩn, sợ chăn ga gối sặc mùi nước thơm, nước tẩy.

Một lần đi qua Ninh Thuận, thấy khu resort bên biển to và đẹp (nhìn từ ngoài), chúng tôi ghé vào. Sau Tết, không phải mùa cao điểm nên giá cũng khá mềm: 800.000 đồng/ngày đêm. Nhưng khi vào xem phòng thì ôi thôi… Bẩn!

Nhà vệ sinh có vẻ như lâu rồi chưa được dọn rửa vì đã chuyển dần sang nâu thay cho màu trắng nguyên thủy. Và bụi phủ đầy các cánh cửa, cả cánh cửa tủ và bàn ghế. Cô lễ tân bảo: “Ngày nào nhân viên tạp vụ của bọn em cũng dọn rửa ạ, nhưng ở đây bụi lắm, dọn đầu ngày thì cuối ngày đã bẩn thế đấy ạ”.

Ấn tượng về điểm đến của du khách đôi khi chỉ bắt nguồn từ nhà vệ sinh sạch hay bẩn. Ảnh minh họa.

Một lần khác, chúng tôi vào nghỉ tại một khách sạn ven đường ở Cam Ranh. Sáng ra, sau khi ăn sáng và dạo vườn xoài về, nhìn thấy cô dọn phòng xách đồ nghề đi ra, có nghĩa là “đã dọn phòng”. Nhưng, dấu vết để lại có nước vừa tráng qua phòng vệ sinh. Mọi thứ bẩn y nguyên. Quệt ngón tay qua cánh cửa tủ, đen kịt! Bạn quản lý khách sạn bảo: “Ở đây người ta dọn vậy thôi chị”.

Chợt nhớ chi tiết bực mình trong một lần nghỉ lại ở khách sạn cũng lớn, cũng danh tiếng (Sài Gòn – Quảng Bình Tourist): Cả trưa không thể ở trong phòng vì các cô phục vụ ở gần đó chuyện trò như ngô rang và gọi nhau í ới…

Chẳng lẽ lại chỉ biết dùng đến ba chữ quá cũ, quá mòn để nói về du lịch của chúng ta: THIẾU CHUYÊN NGHIỆP!

“Về Quảng Bình, chỉ mong đi ăn ở nhà hàng, quán ăn, người phục vụ chào hỏi, nở nụ cười với mình, với bạn bè ngoại tỉnh về và đừng đặt đĩa, tô đồ ăn nặng nề đến mức tạo nên tiếng “cạch” to như thế kẻo khách nghĩ không biết mình làm gì mà chủ quán giận...” - Cách đây gần một năm, tôi đã rụt rè nói vậy khi tình cờ gặp tân giám đốc Sở du lịch Quảng Bình trong bữa sáng, sau sự kiện khởi công quần thể du lịch lớn ở tỉnh này.

Phim Kong, bún chả Obama – cơ hội cho ai?

Không phải chờ đến Hollywood, thế giới mới biết đến những Hạ Long, Ninh Bình, Quảng Bình. Từ lâu rồi, những địa danh du lịch này đã xuất hiện trên nhiều trang sách, tranh ảnh, chương trình truyền hình giới thiệu du lịch thế giới. Chỉ có điều cho đến giờ, chúng vẫn chỉ là “tiềm năng du lịch còn có thể được khai thác nhiều hơn” tại Việt Nam.

Với Hạ Long, chẳng cần tới bộ phim Kong, mọi thứ vẫn sẵn sàng đẹp như thế. Ảnh minh họa.

Báo giới hăng hái đưa tin vào ngày Kong được công chiếu, Việt Nam có đại sứ du lịch mới, là đạo diễn bộ phim; Tỉnh Quảng Bình hồ hởi vì sẽ có quyền dựng tượng Vua Khỉ ở 3 nơi đoàn làm phim quay ngoại cảnh. Trong khi đó, lãnh đạo ngành du lịch tỉnh Ninh Bình dè dặt vì: Phim sử dụng nhiều kỹ xảo, chưa chắc người xem đã nhận ra Ninh Bình, nên chưa tính sẽ làm gì để tận dụng hiệu ứng phim Kong.

Còn với Hạ Long, chẳng cần tới bộ phim, mọi thứ vẫn sẵn sàng đẹp như thế.

“Hãy nở nụ cười, nói lời cám ơn, xin lỗi, cúi xuống nhặt mẩu rác chợt nhìn thấy... Hãy chú ý ăn mặc, đừng chen lấn, xô đẩy, cố lách, cố vượt lên ở chỗ đông người... Những việc làm tử tế, những điều bình dị, tưởng chừng nhỏ nhặt ấy thực ra rất quan trọng, rất ý nghĩa không chỉ với ngành Du lịch mà còn với nền văn hóa và con người Việt Nam” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.

Đến giờ chót, chúng ta làm được nhiều thứ, những việc mà 1 năm qua, kể từ khi đoàn làm phim đóng máy, chưa thật được để ý. Lẽ ra, có thể làm được nhiều hơn thế nếu chuẩn bị kỹ và sớm hơn!

Chuyển qua Food Tour. Quán Bún Chả Liên Hương ở Hà Nội bỗng tăng vọt lượng khách ghé thăm sau khi cựu Tổng thống Mỹ B.Obama đến dùng bữa tối trong chuyến thăm chính thức Việt Nam. Du khách trong và ngoài nước kéo đến đây để thưởng thức một suất bún Obama và hào hứng chụp hình bên tấm ảnh lớn ông Obama tươi cười bên bà chủ quán.

Nhưng có lẽ việc lượng khách tăng đột biến là “lộc” của bà chủ quán, chứ không phải việc của Hà Nội. Thương hiệu bia của thủ đô cũng không thấy cần thiết phải khuếch trương danh tiếng cùng với bún chả. Ngành du lịch hiện đang hài lòng với việc du khách tự tìm kiếm thông tin về địa chỉ nơi bán Bún Obama mà chưa thấy cần hỗ trợ.

Về phần mình, bà chủ quán đang nỗ lực hết sức. Ảnh về chuyến công du Việt Nam nói chung và bữa tối bún chả nói riêng của cựu Tổng thống Obama được treo khắp nơi trong quán. Thực đơn “suất ăn Obama” được in rõ, đẹp, đầy mời gọi.

Ngành du lịch hiện đang hài lòng với việc du khách tự tìm kiếm thông tin về địa chỉ nơi bán Bún Obama mà chưa thấy cần hỗ trợ. Ảnh minh họa.

Có lẽ bà chủ may mắn đang hy vọng rằng những thứ đó sẽ làm du khách tạm quên đi sàn nhà đầy khăn giấy vương vãi, khu vệ sinh ướt át và tạm bợ. Bà chủ cũng không cần nhắc nhân viên đừng gào lên bên tai thực khách khi báo món cho nhà bếp, hay việc đi xa gửi xe mất tiền để vào quán là việc đương nhiên nếu khách muốn thưởng thức 1 suất ăn Obama.

Việc nhỏ nhưng không... nhỏ

Dù sao thì trái đất vẫn quay. Năm 2016, Việt Nam đã đón 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Hai tháng đầu năm 2017, chúng ta đón nhận hơn 2,2 triệu lượt khách, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Mọi sự đang có vẻ tốt đẹp và tiến tới. Nhưng, con số 29 triệu lượt khách du lịch đến Thái Lan hay 18 triệu du khách đến vùng lãnh thổ Hong Kong (Trung Quốc) trong năm 2016 vẫn đang là “điểm đến” mơ ước của Việt Nam nhưng không phải là không thể nếu biết tận dụng cơ hội.

Du lịch, đã có những cơ hội đến rồi đi, chỉ còn lại sự nuối tiếc. Bởi, chúng ta có thể làm được việc to như đón Hollywood đến quay phim ở các tỉnh có danh lam, thắng cảnh, “mời” tổng thống Mỹ ăn bún chả ở phố nhỏ nhưng lại không dễ làm việc nhỏ.

Nhỏ nhưng quan trọng với du lịch phải bắt đầu từ chuyện nhỏ như nhà vệ sinh sạch và nụ cười thân thiện ở các nhà hàng, quán ăn. Những người làm du lịch chuyên nghiệp gọi đó là: “Phát triển du lịch bền vững”.

Ông Đặng Bảo Hiếu (Sáng lập Công ty Du lịch Tiêu Điểm – Founder Company tại Focur Travel); Điều hành và sáng lập tại (CEO/Founder) tại Ana Marina Nha Trang:

Thực chất hoạt động du lịch, kinh doanh du lịch là một hoạt động có sự tham gia đông đảo của toàn thể cộng đồng. Việc làm mới, thay đổi môi trường du lịch, xây dựng phát triển du lịch một cách bền vững là việc làm của cả xã hội. Tuy nhiên việc đổi mới này phải do chính những người làm du lịch đi tiên phong.

Vậy ai là người làm du lịch? Những người hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển, lưu trú khách sạn, các điểm thăm quan du lịch, dường như ít ý thức hơn về việc họ là những bộ phận trực tiếp làm du lịch: họ làm hàng không, làm khách sạn, làm nhà hàng... đấy chứ.

Thôi thì tranh luận làm gì! Những người làm quản lý du lịch, những người làm trong các công ty du lịch hãy bắt đầu cho sự thay đổi này đi. Rồi cả cộng đồng tham gia hoạt động du lịch sẽ đi theo các bạn.

Minh Hiếu

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/toi/phim-kong-bun-cha-obama-du-lich-viet-nam-lam-duoc-viec-to-nhung-quen-viec-nho-c8a507680.html