Phim Cao hơn bầu trời: Giới thiệu tập đầu đã thấy “sạn”

Ngày 27 - 12, tại Hà Nội, đoàn làm phim "Cao hơn bầu trời” (đạo diễn Xuân Cường - Hãng phim Giải phóng) thực hiện đã ra mắt tại Hà Nội. Bộ phim truyền hình 50 tập nhằm tôn vinh thắng lợi của quân và dân Thủ đô trong trận chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 -1972. Tuy nhiên, phim đã không được phát hành đúng dịp lễ kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ trên không như dự kiến.

Nội dung phim mô tả lại những sự kiện lịch sử quan trọng của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ của Quân – dân miền Bắc, trải dài từ năm 1965 – 1975. Bối cảnh phim trải dài từ năm 1972 – 1975. Về ý nghĩa tên phim, nhà văn Minh Ngọc cho hay, bầu trời vốn dĩ đã tít trên cao, nhưng cao hơn bầu trời là Tổ quốc Việt Nam, là con người và ý chí Việt Nam. Đặc biệt, xuyên suốt 50 tập phim, tình yêu sẽ là mạch nguồn sâu thẳm và xuyên suốt.

Dẫu vậy, trong buổi công chiếu tập đầu tiên trước lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Quân chủng Phòng không Không quân và cựu phi công, đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Bảy (A), và giới báo chí tại Hà Nội vào sáng ngày 26 -12, bộ phim đã nhận được những ý kiến chê nhiều hơn là khen. Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách (Phó Chính ủy quân chủng Phòng không Không quân) cho rằng: Kỹ xảo của phim khi thực hiện những cảnh quay về máy bay tập kích trên bầu trời gần giống với…. trò chơi điện tử. Do vậy những người thực hiện cần phải chỉnh sửa sao cho cảnh thật nhất, gần nhất với lịch sử để thuyết phục khán giả. Bên cạnh đó, vô số tiểu tiết trong phim còn luộm thuộm, cẩu thả như biển số ô tô trong phim là của thời nay; cảnh bộ đội phát rừng thiếu thực tế vì trong chiến tranh người ta phải đào hầm, ngụy trang, không ai lại phát rừng bởi kẻ địch rất dễ phát hiện, việc không sử dụng mật khẩu cũng là sự vô lý…

Theo cựu phi công, Đại tá Nguyễn Văn Bảy, hơn 40 tập phim của Cao hơn bầu trời vẫn còn ở phía trước, vì đây là một đề tài phim lịch sử nên những nhà làm phim cần tôn trọng lịch sử. Để có những cảnh quay cũng như diễn xuất sinh động, phải đi gặp gỡ những cựu phi công, những nhân chứng trong cuộc chiến để nghe họ kể lại về thời khắc ấy, từ đó những thước phim sẽ "thật” hơn.

Phương Đông

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=59497&menu=1420&style=1