Phim ấn tượng bước ra từ truyện của tác giả thắng giải Nobel

Văn chương và điện ảnh luôn song hành. Có không ít bộ phim bắt nguồn từ các tác giả văn học từng đoạt giải thưởng Nobel danh giá.

Enemy (2013) - Nguyên tác của José Saramango: Không thực sự nổi tiếng tại quê hương Bồ Đào Nha, nhưng José Saramango đến nay là nhà văn duy nhất của quốc gia châu Âu được giải thưởng Nobel vinh danh. Chiến thắng năm 1998 khiến cả Bồ Đào Nha bất ngờ, nhất là khi nhiều tác phẩm của Saramango bị kiểm duyệt ngặt nghèo tại quê nhà, khiến nhà văn quyết định chuyển tới Tây Ban Nha sinh sống.

Năm 2013, đạo diễn Denis Villeneuve chuyển thể cuốn tiểu thuyết của Saramango là The Double lên màn ảnh rộng. Bộ phim Enemy theo chân người đàn ông bất ngờ phát hiện ra một diễn viên truyền hình có hình dạng y hệt mình trên TV và chuyến hành trình kỳ lạ sau đó của anh. Có sự góp mặt của Jake Gyllenhaal trong vai chính, Enemy được giới phê bình đánh giá rất cao và cho thấy tài năng làm phim của Villeneuve.

Năm 2013, đạo diễn Denis Villeneuve chuyển thể cuốn tiểu thuyết của Saramango là The Double lên màn ảnh rộng. Bộ phim Enemy theo chân người đàn ông bất ngờ phát hiện ra một diễn viên truyền hình có hình dạng y hệt mình trên TV và chuyến hành trình kỳ lạ sau đó của anh. Có sự góp mặt của Jake Gyllenhaal trong vai chính, Enemy được giới phê bình đánh giá rất cao và cho thấy tài năng làm phim của Villeneuve.

Away from Her (2006) - Nguyên tác của Alice Munro: Năm 2013, nữ nhà văn chuyên thể loại truyện ngắn người Canada gây sốc khi vượt qua Haruki Murakami để giành giải Nobel văn học. Trong quá khứ, Alice Munro từng được giới làm phim để ý tới. Tác phẩm The Bear Came Over the Mountain của bà lần đầu xuất bản năm 1999, là nguồn tư liệu quý giá để đạo diễn Sarah Polley thực hiện nên Away from Her.

Chuyện phim xoay quanh một đôi vợ chồng già đã nghỉ hưu. Người vợ Fiona bắt đầu có dấu hiệu mắc chứng Alzheimer, còn người chồng Grant thì luôn bị dằn vặt bởi chuyện ngoại tình của bản thân. Khi tới trung tâm y tế, Fiona ngày một lãng quên Grant, và thậm chí còn dành tình cảm cho một người bệnh nhân mà bà mới quen. Away from Her mang nội dung cảm động và nhân văn, qua đó nhận hai đề cử Oscar, trong đó có Kịch bản chuyển thể xuất sắc.

Fateless (2005) - Nguyên tác của Imre Kertész: Tác phẩm văn học của nhà văn người Hungary thuộc thể loại bán tiểu sử, kể lại một phần trải nghiệm của ông tại các trại tập trung người Do Thái do Phát xít Đức lập nên. Thông qua lời kể của nhân vật chính György Köves, độc giả được thấy sự khắc nghiệt và dã man tàn bạo của Thế chiến thứ II.

Bản thân Kertész là người thực hiện kịch bản chuyển thể cho Fateless trên màn ảnh rộng, nên bộ phim điện ảnh theo rất sát nguyên tác văn học. Đây là một trong những bộ phim đắt đỏ nhất trong lịch sử điện ảnh Hungary, và được giới truyền thông châu Âu đánh giá là tác phẩm “phải xem” đối với những ai thích nghiên cứu về thời Thế chiến thứ II.

The Piano Teacher (2001) - Nguyên tác của Elfriede Jelinek: Giải Nobel Văn học dành cho nữ văn sĩ người Áo từng gây ra tranh cãi bởi nhiều nhà lý luận phê bình văn học cho rằng các tác phẩm của cô không mang giá trị nghệ thuật cao. Bất chấp điều đó, cuốn The Piano Teacher năm 1983 của Jelinek vẫn gây ra cơn sốt, khi xoay quanh mối quan hệ tình ái nhiều uẩn khúc giữa một nữ giáo viên piano 36 tuổi và một cậu học sinh của cô.

Năm 2001, đạo diễn nổi tiếng Michael Haneke quyết định chuyển thể The Piano Teacher lên màn bạc. Cũng giống như nguyên tác, bộ phim gây ra nhiều tranh cãi bởi những trường đoạn tình dục táo bạo và ám ảnh. Nhưng Liên hoan phim Cannes đã quyết định vinh danh bộ phim với giải thưởng Grand Prix, qua đó giúp cái tên Michael Haneke trở nên quen thuộc hơn đối với khán giả thế giới.

The Tin Drum (1978) - Nguyên tác của Günter Grass: Qua đời năm 2015, Günter Grass là một trong những nhà văn gây ra nhiều tranh cãi nhất trong lịch sử, bởi ông từng tham gia lực lượng quân đội phát xít Đức, cũng như các tác phẩm của Grass luôn đen tối đến cùng cực. Cái trống thiếc là một trong số đó, khi tác phẩm theo chân cậu bé 3 tuổi Oskar không chịu lớn. Hành trình của Oskar trước, trong và sau Thế chiến thứ II vừa chua chát, vừa đáng sợ.

Năm 1979, đạo diễn Volker Schlöndorff chuyển thể Cái trống thiếc lên màn bạc và thắng giải Cành cọ vàng tại Cannes, cũng như Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc tại Oscar. Tuy nhiên, bộ phim điện ảnh mới chỉ kể lại nửa đầu của tác phẩm văn học kinh điển. Do có một số phân đoạn tình dục liên quan tới trẻ em mà phim The Tin Drum bị kiểm duyệt nặng nề tại khá nhiều quốc gia.

Doctor Zhivago (1965) - Nguyên tác của Boris Pasternak: Tác phẩm văn học kinh điển Bác sĩ Zhivago là một trong những lý do quan trọng giúp Boris Pasternak giành giải Nobel Văn học vào năm 1958. Lấy bối cảnh là cuộc Cách mạng nước Nga, tác phẩm kể lại chuyện đời vị bác sĩ Yuri Zhivago, cũng như mối tình tay ba của ông.

Tại nước Nga, Bác sĩ Zhivago không được đón nhận tại thời điểm ra mắt bởi tác phẩm mang nhiều nội dung chính trị bị cho là nhạy cảm. Song, nó càng trở nên nổi tiếng sau khi được đạo diễn David Lean chuyển thể thành phim điện ảnh dài 3 tiếng và thắng 5 giải Oscar. Dẫu vậy, nhiều nhà phê bình tại Mỹ lại trù dập bộ phim tại thời điểm ra mắt, khiến Lean từng thề rằng ông sẽ không bao giờ làm phim nữa. Nhà làm phim sau đó rút lại lời nói, và thực hiện thêm Ryan’s Daughter cùng A Passage to India.

The Grapes of Wrath (1940) - Nguyên tác của John Steinbeck: Giải thưởng Nobel văn học dành cho John Steinbeck năm 1962 từng gây ra tranh cãi lớn trong công chúng nước Mỹ. Bản thân ông cũng từng thừa nhận mình không xứng đáng với giải thưởng đó. Nhưng The Grapes of Wrath của ông lại là tác phẩm ý nghĩa không thể chối cãi.

Steinbeck viết cuốn The Grapes of Wrath vào năm 1939, và nó được John Ford chuyển thể thành phim chỉ sau đó đúng một năm. Cho đến giờ, cả tác phẩm văn học lẫn điện ảnh đều được đưa vào chương trình giảng dạy của nhiều trường trung học và đại học nước Mỹ, bởi nội dung không bao giờ cũ của nó: sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo, cũng như tinh thần vươn lên bất diệt của xứ sở cờ hoa.

Tuấn Lương
Ảnh: Outnow

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/phim-an-tuong-buoc-ra-tu-truyen-cua-tac-gia-thang-giai-nobel-post689341.html