Philippines xoay trục sang Bắc Kinh mưu cầu lợi ích gì?

Thông tấn xã Philippines ghi nhận chính sách xoay trục sang Trung Quốc của Philippines sẽ liên quan đến các thỏa thuận xuất khẩu trị giá 18 tỉ USD, đầu tư trực tiếp nước ngoài 6 tỉ USD, các khoản vay ODA 10 tỉ USD cho ngành đường sắt và triển vọng thu hút 3 triệu lượt du khách cùng với công nghệ hiện đại dùng cho năng lượng tái tạo.

Hệ thống đường sắt Philippines rất cần vốn đầu tư - Ảnh: DOTC

Nghị sĩ Hạ viện Joey S. Salceda cho rằng chuyến thăm Trung Quốc trong bốn ngày của Tổng thống Rodrigo Duterte theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã được nhiều người hoan nghênh vì điều này cho thấy thay đổi trong chính sách thương mại và đầu tư của Philippines.

Trả lời phỏng vấn trên truyền hình, nhà kinh tế Joey S. Salceda ghi nhận Trung Quốc chính thức trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của Philippines với khoản đầu tư trị giá 17 tỉ USD, chỉ đứng sau khối ASEAN với 18 tỉ USD và Nhật 21 tỉ USD.

Trong khi đó, Mỹ chỉ đứng thứ 4 với tổng vốn đầu tư 16 tỉ USD dù Mỹ và Philippines vốn là đồng minh lâu đời.

Ông Joey S. Salceda chỉ ra rằng nếu xét đến các trao đổi thương mại không chính thức giữa hai bên, Trung Quốc thậm chí sẽ trở thành đối tác lớn nhất của Philippines với vốn đầu tư trị giá 32 tỉ USD cho dù quan hệ thương mại có giá trị khổng lồ này không hề được hưởng chính sách bảo hộ hay tiếp thị.

Ông nhận định thương mại giữa Philippines và Trung Quốc liên quan chủ yếu tới các sản phẩm không khai báo và trốn thuế, từ đó dẫn đến thâm hụt 5 tỉ USD thương mại mỗi năm (11 tỉ USD nhập khẩu và 6 tỉ USD xuất khẩu). Do đó đúng ra cần được điều chỉnh lại giữa con số 17 tỉ USD trao đổi thương mại chính thức và 12 tỉ USD trao đổi thương mại không chính thức.

Nghị sĩ Joey S. Salceda nhận định tăng cường quan hệ song phương với Trung Quốc giống như hiệp định đối tác kinh tế Nhật - Philippines hiện nay có thể dễ dàng thu về thêm 72 tỉ peso thuế nhập khẩu từ hàng hóa lậu thuế.

Ông lưu ý Philippines có thể nhận được lợi ích cao hơn từ các mối quan hệ kinh tế mạnh hơn bởi lẽ tái cơ cấu thương mại đòi hỏi vốn đầu tư Trung Quốc vào Philippines, đặc biệt vì Philippines hiện có các khoản đầu tư lên đến 6 tỉ USD tại Trung Quốc.

Nghị sĩ Salceda cho rằng qua Trung Quốc, Philippines có thể tham gia trực tiếp vào khối BRICS - Ảnh: AP

Ông cho biết: "Philippines cần Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt liên quan đến ngành vận tải và năng lượng để phát triển hệ thống đường sắt cũng như năng lượng tái tạo, bên cạnh đó là công nghệ tiên tiến trong nông nghiệp và sản xuất. Khoản vay về đường sắt có thể được bảo đảm thông qua vốn ODA.

Du lịch cũng là lĩnh vực hai nước có thể xúc tiến hợp tác thông qua các hiệp định song phương. Trung Quốc sở hữu 500 triệu du khách nhưng chỉ 432.000 du khách trong số đó đến Philippines trong năm 2015".

Nghị sĩ Salceda đã nhắc lại kinh nghiệm khi ông còn làm tỉnh trưởng tỉnh Albay. Tỉnh đã mở đường bay quốc tế Hạ Môn - Albay và thu hút 30.000 lượt du khách Trung Quốc đến mỗi tháng, kèm theo đó là sức mua và sức tiêu thụ hàng hóa địa phương.

Với quan hệ thương mại chặt chẽ với Trung Quốc, ông đánh giá Philippines cũng có thể tham gia dự án “Vành đai và con đường”, một sáng kiến trị giá nhiều tỉ USD nhằm mục đích nối liền châu Á với châu Âu, châu Phi và các nước giữa ba châu lục.

Dự án trên ngày trước được gọi là “Một vành đai, một con đường” nhằm mục đích kết hợp phát triển vành đai kinh tế “Con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa trên biển” mà trong đó đứng đầu là Trung Quốc và Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á.

Vành đai kinh tế “Con đường tơ lụa” nối liền Trung Quốc, Trung Á, Nga và châu Âu (khu vực biển Baltic), nối liền từ Trung Quốc sang vịnh Ba Tư và Địa Trung Hải thông qua Trung Á và Tây Á đồng thời nối liền Trung Quốc với Đông Nam Á, Nam Á và Ấn Độ Dương.

Nghị sĩ Salceda chỉ ra thông qua Trung Quốc, các liên kết trên sẽ giúp Philippines tham gia trực tiếp vào khối các nước có nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi). Ông nhận định tầm nhìn hiện nay của Tổng thống Duterte đã đánh thức người dân Philippines khỏi “bất đồng về nhận thức” với Mỹ và trên hết là thừa nhận “điều chỉnh cơ cấu hướng tới quan hệ bình đẳng” với các cường quốc kinh tế, trong đó có Mỹ và Trung Quốc.

Anh Đào

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/the-gioi-c-79/philippines-xoay-truc-sang-bac-kinh-muu-cau-loi-ich-gi-45938.html