Philippines và Trung Quốc có thể 'đi đêm' về biển Đông

Philippines và Trung Quốc có thể thỏa thuận song phương những điều khác với phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế. Đó là ý kiến của GS Hamamoto Shotaro, chuyên gia về luật pháp đang công tác tại ĐH Kyoto, Nhật Bản, trong cuộc trao đổi hẹp với báo chí ngày 28/11 trước khi tham dự một hội thảo về biển châu Á và luật quốc tế diễn ra hôm nay tại Hà Nội.

GS Nhật Bản Hamamoto Shotaro trao đổi với phóng viên ngày 28/11 tại Hà Nội. Ảnh: Trúc Quỳnh

GS Hamamoto cho rằng, phán quyết của Tòa trọng tài đã rõ ràng. Sẽ có nhiều cách nếu Philippines muốn tận dụng phán quyết của Tòa trọng tài. Sau khi có phán quyết, không quốc gia nào có thể công khai lên tiếng ủng hộ Trung Quốc về pháp lý, nếu không kể yếu tố chính trị. Nếu Philippines tiếp tục nêu ra các vấn đề pháp lý để chất vấn Trung Quốc, Bắc Kinh sẽ thấy họ bị cô lập hoàn toàn. Việc bị cô lập hoàn toàn sẽ rất bất lợi cho Trung Quốc khi họ là nước lớn trong Liên Hợp Quốc. Philippines hoàn toàn có thể làm điều đó, và nhiều nước khác sẽ ủng hộ họ.

Theo GS Hamamoto, sẽ có vấn đề nếu Philippines và Trung Quốc đồng ý thỏa thuận song phương với nhau với nội dung khác với phán quyết của Tòa trọng tài. Philippines có thể thừa nhận một số quyền của Trung Quốc trên biển Đông nếu họ đồng ý như vậy. Nhưng những thỏa thuận như vậy sẽ không ảnh hưởng nhiều đến các nước khác, trong đó có Việt Nam, ông nhận định.

Theo GS Hamamoto, Bắc Kinh và Manila có thể thỏa thuận với nhau để giải quyết mâu thuẫn trong quyền đánh bắt hải sản của ngư dân Philippines ở khu vực bãi cạn Scarborough. Theo phán quyết của Tòa trọng tài, Philippines có quyền đánh bắt ở khu vực ngư trường truyền thống của họ. Từ đó, Chính phủ Trung Quốc có thể công nhận một số quyền nhất định cho ngư dân Philipines. Còn Philippines có thể chấp nhận một số hạn chế trong quyền đánh bắt của họ.

Nhận định về vai trò của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương dưới thời chính quyền mới, GS Yamamoto cho rằng, với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp định này sau khi ông chính thức nhậm chức. Nhưng ông Trump cũng nói ông sẽ nỗ lực đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương, thay vì đa phương, cho thấy tân tổng thống Mỹ có thể vẫn muốn duy trì hiện diện và sự ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương.

Còn về chính sách an ninh của Mỹ, ông Trump chưa bao giờ nói sẽ chấm dứt hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương, mà chỉ nói rằng, các chính phủ như Hàn Quốc và Nhật Bản nên chi trả nhiều hơn cho sự hiện diện của Mỹ. “Tôi không nghĩ Mỹ sẽ rút quân đội khỏi khu vực này. Đó là điều không thực tế”, GS Yamamoto nhận định.

Hội thảo về biển châu Á và luật quốc tế do Học viện Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Nhật Bản và Đại sứ quán Anh đồng tổ chức ngày 29/11 tại Hà Nội nhằm đánh giá tác động của phán quyết của Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục 7 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển tác động đến các nước trong và ngoài châu Á cũng như hòa bình, ổn định trên biển Đông và Hoa Đông. Hội thảo cũng sẽ đánh giá việc áp dụng luật quốc tế của các nước châu Á và những bài học rút ra, từ đó tìm ra biện pháp để các nước có thể hợp tác với nhau nhằm thúc đẩy việc tôn trọng pháp quyền.

Trúc Quỳnh

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/the-gioi/philippines-va-trung-quoc-co-the-di-dem-ve-bien-dong-1078415.tpo