Philippines từ chối Mỹ - cơ hội để Washington giảm gánh nặng 'đồng minh'?

Việc Tổng thống Duterte tuyên bố chia tay Mỹ được xem là cơ hội Washington từ bỏ mối quan hệ đồng minh vốn không giúp gì cho công cuộc đảm bảo an ninh quốc gia hay nói cách khác, đây là lúc để Philippines tự chịu trách nhiệm cho tương lai của chính mình.

Sau khi Douglas MacArthur, một vị tướng của Hoa Kỳ và Thống tướng quân đội Philippines quay trở lại hòn đảo Leyte vào ngày 20/10/1944, Manila đã bắt đầu cân nhắc việc trở thành đồng minh của Mỹ.

Tới năm 1947, hai nước đã ký kết thỏa thuận cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự ở Philippines. Ngay cả sau khi làn sóng biểu tình phản đối Mỹ bùng phát vào thập niên 80 dẫn tới việc quân đội Mỹ buộc phải rút khỏi căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân Subic năm 1992, hai nước vẫn duy trì quan hệ thân thiết.

Đặc biệt vào năm 2014, Washington và Manila đã ký kết Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) nhằm cho phép lực lượng Mỹ tiếp cận các căn cứ quân sự hiện thời tại Philippines.

Hiện tại, Hiệp ước quốc phòng song phương (MDT) được hai nước ký kết vào năm 1951 vẫn có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, hồi tháng 10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã bất ngờ tuyên bố "chia tay" Mỹ để kết thân với Trung Quốc.

Vậy Manila sẽ tiếp tục là đồng minh của Mỹ hay chuyển hướng để kết thân với Trung Quốc?

Quan hệ đồng minh quân sự thân thiết giữa Mỹ và Philippines đứng trước nguy cơ tan vỡ sau khi Tổng thống Duterte tuyên bố "chia tay" Mỹ.

Chia sẻ trên tạp chí National Interest, ông Charles V. Penã, cựu giám đốc Phòng nghiên cứu chính sách quốc phòng thuộc Viện Cato và là người có hơn 25 năm kinh nghiệm làm việc tại Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh nội địa Mỹ cho rằng chính cố Tổng thống Mỹ George Washington từng nhấn mạnh nên "tránh xa quan hệ đồng minh lâu dài". Và ngày cả trong buổi lễ nhậm chức, vị Tổng thống thứ ba của Mỹ Thomas Jefferson cũng đã thề "không liên minh với bất cứ quốc gia nào". Trong khi đó, cả Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Ngoại trưởng John Kerry đều đưa ra nhận định quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines bền vững như "pháo đài thép".

Bắt đầu từ Hiệp ước quốc phòng song phương 1951, đây được xem chỉ là một hiệp ước phục vụ một bên bởi Mỹ không cần Philippines bảo vệ mình. Quân đội Mỹ hiện là lực lượng có sức mạnh hùng hậu nhất và sở hữu nhiều vũ khí tối tân nhất trên thế giới đó là chưa kể tới khả năng phòng thủ hạt nhân. Hơn thế, Mỹ luôn đảm bảo duy trì mối quan hệ địa chiến lược tốt đẹp với các quốc gia láng giềng ở phía bắc, phía nam và hai đại dương ở phía đông và tây.

Nói cách khác, Manila hiện phụ thuộc lớn vào quân đội Mỹ để ngăn chặn các mối đe dọa bên ngoài trong bối cảnh quân đội Philippines đang tập trung vào đảm bảo an ninh nội địa. Hiện tại, chi tiêu quốc phòng của Philippines mới chỉ chiếm khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Song, Philippines có đủ tiềm lực kinh tế để chi nhiều tiền hơn cho lĩnh vực quốc phòng nếu như Manila cảm thấy bị các nước đe dọa. Điều mà Philippines muốn Mỹ làm hiện thời là bảo vệ Manila trước sự bành trướng của Trung Quốc tại bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.

Theo ông Penã, đứng trên phương diện an ninh quốc gia, việc Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough không gây ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh nước Mỹ bởi khu vực này cách lãnh thổ Mỹ tới 6.000 dặm. Đây là lý do Mỹ sẽ không vì Philippines mà gây chiến với Trung Quốc ở Scarborough, nơi Manila và Bắc Kinh đang tranh chấp quyền đánh bắt.

Mối quan tâm hàng đầu của Mỹ là duy trì sự tự do hàng hải trên Biển Đông, tuyến đường biển mang lại giá trị thương mại hơn 5 ngàn tỷ USD/năm. Điều đáng nói là Bắc Kinh không có ý định ngăn chặn toàn bộ hoạt động thương mại tự do trên Biển Đông bởi Mỹ vẫn là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc sau Liên minh châu Âu, do đó, Trung Quốc sẽ không có hành động làm ảnh hưởng tới mối quan hệ đối tác kinh tế này.

Về phần mình, Manila thừa hiểu rằng sức mạnh quân đội của Philippines không thể sánh với Trung Quốc. Do đó, để giải quyết xung đột ở bãi cạn Scarborough, Tổng thống Duterte đã tìm cách đưa ra giải pháp làm hài lòng cả đôi bên. Song cũng không thể loại trừ khả năng Philippines vẫn sẽ xây dựng quan hệ với Mỹ và một số quốc gia khác miễn là mang lại lợi ích song phương.

Việc Tổng thống Duterte muốn xích lại gần Trung Quốc trong tiến trình giải quyết tranh chấp quyền đánh cá ở bãi cạn Scarborough không có nghĩa là Philippines sẽ giảm bớt hay từ bỏ mối quan hệ thương mại trị giá 20 tỷ USD giữa Washington và Manila. Ngoài ra, Philippines cũng sẽ không muốn Mỹ và các quốc gia khác giảm bớt hay từ bỏ hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài trị giá 5 tỷ USD vào nước này. Đây là lý do ông Duterte khẳng định: "Manila không cắt đứt quan hệ với Mỹ và cái tôi muốn nói tới là một chính sách đối ngoại độc lập".

Do đó, theo ông Penã, nếu Tổng thống Duterte muốn tự giải quyết căng thẳng với Trung Quốc thì Washington cứ việc để nhà lãnh đạo Philippines làm như vậy. Bởi quyết định của ông Duterte là nhằm phục vụ cho lợi ích của Manila chứ không hề tạo ra mối đe dọa trực tiếp cho Mỹ. Nên sẽ là sai lầm nếu như Philippines phải lựa chọn giữa việc hoặc chỉ kết thân với Mỹ hoặc Trung Quốc. Và Washington cũng không từ bỏ quan điểm cho rằng quan hệ với Mỹ thì Philippines không được xây dựng quan hệ với Bắc Kinh trong khi chính Mỹ lại có mối quan hệ với cả Trung Quốc và Philippines.

Cũng theo ông Penã, dù trong tương lai, Mỹ có thể phải đóng cửa các căn cứ thường trực ở Philippines nhưng ngay cả việc phải từ bỏ căn cứ không quân Clark và căn cứ hải quân vịnh Subic trong suốt 20 năm cũng không khiến Mỹ giảm sức mạnh. Đây còn là cơ hội để Washington từ bỏ mối quan hệ đồng minh vốn không giúp gì cho công cuộc đảm bảo an ninh quốc gia hay nói cách khác, đây là lúc để Philippines tự chịu trách nhiệm cho tương lai của chính mình.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/philippines-tu-choi-my-co-hoi-de-washington-giam-ganh-nang-dong-minh-post213716.info