Philippines - Nhật Bản: Khẳng định quan hệ đồng minh

Trong bối cảnh quan hệ giữa Philippines với đồng minh thân cận hàng đầu là Mỹ đang bị lung lay mạnh bởi những tuyên bố “gây sốc” mới đây của Tổng thống Rodrigo Duterte thì vị nguyên thủ này đã thực hiện chuyến thăm Nhật Bản. Cuộc gặp gỡ cấp cao giữa ông R.Duterte với các nhà lãnh đạo Nhật Bản, một đồng minh thân thiết của Washington, thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận quốc tế với mong muốn hiểu rõ hơn chính sách đối ngoại mà Tổng thống R.Duterte theo đuổi.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) đón tiếp Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Sự kiện nhà lãnh đạo Philippines chọn Nhật Bản là một trong những quốc gia nước ngoài đầu tiên để thực hiện chuyến thăm kể từ khi nhậm chức cách đây 4 tháng đã khẳng định sự ưu tiên của Manila đối với mối quan hệ này. Đây cũng không phải là yếu tố bất ngờ vì hiện nay, Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu, đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài quan trọng hàng đầu của Philippines, sau đó mới là Mỹ. Hai nước mới đây đã ký kết một thỏa thuận quốc phòng cho phép Tokyo cung cấp thiết bị và công nghệ quân sự cho Manila. Philippines là quốc gia thứ ba trên thế giới và đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á ký một thỏa thuận như vậy với Nhật Bản. Trong thời gian tới, Tokyo cũng dự định hỗ trợ Philippines tăng cường khả năng tuần tra trên biển, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển lĩnh vực nông nghiệp tại đảo Mindanao. Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) vừa đề xuất một “Kế hoạch trong mơ” trị giá 57 tỷ USD để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông ở Manila. Đối với Nhật Bản, mối quan hệ thân thiện với Philippines sẽ giúp nước này duy trì được đồng minh quan trọng ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương giữa lúc tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông và biển Hoa Đông vẫn rất căng thẳng. Xét về khía cạnh địa chính trị, Philippines nằm ở vị trí cửa ngõ vào Đông Nam Á và giữ một vai trò quan trọng trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc Tổng thống R.Duterte có những động thái và tuyên bố mâu thuẫn thể hiện sự “xa lánh” trong quan hệ với Washington khiến cả Mỹ và Nhật Bản quan ngại. Trên thực tế, điều này không chỉ ảnh hưởng tới chính sách của Nhật Bản trong khu vực mà còn tác động tiêu cực tới chiến lược quay trở lại Châu Á - Thái Bình Dương mà Mỹ đang nỗ lực triển khai. Nhiều ý kiến cho rằng, ông R.Duterte theo đuổi chính sách cân bằng Đông - Tây nhằm thu hút lợi ích từ nhiều phía. Nhưng chiến lược này có nguy cơ gây thiệt hại cho chính những đồng minh lâu năm của Philippines là Mỹ và Nhật Bản.

Theo các nhà bình luận, với vị thế là đối tác thương mại, đầu tư và là nhà tài trợ lớn nhất của Philippines, Nhật Bản có đủ năng lực đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Philippines và Mỹ. Nói một cách khác, những lợi ích có được trong quan hệ với Nhật Bản có thể khiến Manila phải xem xét lại những điều chỉnh trong chính sách ngoại giao như đang diễn ra. Thời gian qua, Nhật Bản đã thúc đẩy cách tiếp cận nhiều sắc thái đối với Philippines để giữ chân nước này trong khối đồng minh của Mỹ tại khu vực. Vì thế, sau một loạt những phát ngôn “gây hoang mang”, trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe, Tổng thống R.Duterte vẫn khẳng định, Philippines mong muốn giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đồng thời tỏ rõ lập trường “sẽ đứng về phía Nhật Bản”. Ông R.Duterte cũng không ngần ngại khi trấn an các nhà lãnh đạo xứ sở Mặt trời mọc rằng, chuyến thăm Trung Quốc mới đây chỉ nhằm mục đích tăng cường quan hệ kinh tế.

Từ khi lên nắm quyền vào tháng 6 vừa qua, không ít lần Tổng thống Philippines R.Duterte đưa ra những lời phát biểu đầy mâu thuẫn khiến dư luận quốc tế không khỏi hoài nghi về đường lối đối ngoại mà Manila theo đuổi. Tuy nhiên, nhiều người tin rằng sự ràng buộc về lợi ích với Nhật Bản là yếu tố khiến Philippines không có những thay đổi quá lớn về chính sách trong thời gian tới.

Quỳnh Dương

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/The-gioi/853236/philippines---nhat-ban-khang-dinh-quan-he-dong-minh