Philippines ngả về phía Trung Quốc: Bên nào thiệt nhất?

Trong bài viết đăng trên The Strategist ngày 31/10, tác giả Graeme Dobell cho rằng ASEAN, chứ không phải Mỹ, là bên thiệt thòi nhất khi Philippines ngả về phía Trung Quốc.

Tổng thống Rodrigo Duterte đến Bắc Kinh và tuyên bố tách khỏi Mỹ. Trở về Philippines và trong chuyến thăm Nhật Bản, ông Duterte lại nói ông muốn duy trì “các liên minh” trước đây, nhưng theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tổ chức ở thủ đô Vientiane, CHDCND Lào. Ảnh The Philippine Star

Trong “cuộc chơi có tổng bằng không” này, nếu Trung Quốc được, thì đương nhiên Mỹ sẽ phải mất. Thế nhưng, chính ASEAN – chứ không phải Mỹ - mới là bên bị thiệt thòi nhiều nhất.

Trên thực tế, liên minh Mỹ-Philippines đã trải qua nhiều lúc thăng trầm, nhưng vẫn tồn tại. Năm 1991, Mỹ đã phải chia tay với “viên ngọc hải quân” là Vịnh Subic. Vào thời điểm đó, giới phân tích đã gọi đây là một thảm họa chiến lược.

Khẳng định liên minh Mỹ-Philippines vẫn tồn tại mặc dù bị mất căn cứ hải quân Subic có ý nghĩa chiến lược, Mỹ mở rộng tầm nhìn khu vực với phương châm chú trọng đến “diện” chứ không chỉ tập trung vào một điểm là căn cứ hải quân Subic. Một số nước khác, đặc biệt là Singapore, đã cung cấp cho tàu chiến Mỹ chặng dừng chân mới. Nếu Tổng thống Duterte xoay trục sang Trung Quốc, một vài nước ở Đông Nam Á có thể mở rộng vòng tay đối với Mỹ.

Thực ra, Mỹ cũng đã thu được một số lợi ích trước mắt, khi Tổng thống Duterte đã hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông. Một cái lợi nữa mà không ai ở Washington muốn nói ra là Mỹ sẽ không phải chấp nhận rủi ro chiến lược vì Tổng thống Duterte, khác hẳn với thời chính quyền của Tổng thống tiền nhiệm Benigno Aquino.

Hành động cứng rắn của chính quyền Aquino đối với Trung Quốc buộc Mỹ phải suy nghĩ về nguy cơ Philippines sa vào một cuộc xung đột với Trung Quốc. Trên cương vị đồng minh, Mỹ khó có thể “khoanh tay đứng nhìn”. May mắn cho Mỹ là Tổng thống Duterte đã tìm cách phá hủy liên minh với Mỹ và đốt đi đòn bẩy của nó. Mỹ hiện có trong tay rất nhiều lựa chọn, để đối phó với bất cứ điều gì mà Tổng thống Duterte sẽ làm.

Tuy nhiên đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Tổng thống Duterte đã làm xáo trộn toàn bộ kịch bản của ASEAN. Tuyên bố ngả về phía Trung Quốc, Tổng thống Duterte đã từ bỏ một nguyên tắc hoạt động cốt lõi của ASEAN.

Điều lý tưởng đối với ASEAN sẽ là đứng giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều thập niên tới. Điều này sẽ mang lại cho nhiều nước ASEAN không gian ngoại giao và các tùy chọn chiến lược. Mục tiêu của ASEAN là trung dung và thúc đẩy tương tác khu vực thông qua những sáng kiến riêng (Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp Bộ trưởng Quốc phòng AEÁN+…) , trong khi xây dựng một Cộng đồng ASEAN ở vị trí trung tâm và có ảnh hưởng.

Nếu ASEAN không thể tìm cho mình một con đường trung dung, hiệp hội này cũng sẽ không thể giữ cho bản thân và các tổ chức như EAS ở vị trí trung tâm đa phương. Để cho Trung Quốc đùn đẩy cũng có nghĩa là ASEAN từ bỏ vị thế vốn có của khối.

Đặc sứ Singapore Bilahari Kausikan cho rằng ASEAN phải tránh những lựa chọn đáng ghét và tìm kiếm một sự cân bằng có tính xây dựng. Ông nói thêm: "ASEAN cần duy trì quan hệ tốt nhất có thể với tất cả các cường quốc lớn và qua đó bảo vệ được quyền tự chủ”.

Trong bài viết đăng trên báo Straits Times của Singapore ngày 28/10, nhà phân tích Tang Siew Mun cũng cho rằng việc Tổng thống Duterte ngả về phía Trung Quốc có thể mang lại một số lợi ích kinh tế, nhưng cái giá chính trị phải trả có thể rất đắt, không chỉ cho Philippines mà cho cả khối ASEAN.

Thông báo rõ ràng và rất công khai của Philippines là sẽ ngả theo Trung Quốc và có thể liên kết với cả Nga đã đi ngược lại với nguyên tắc chủ đạo của ASEAN là “không đứng về phe nào” trong số các cường quốc lớn trên thế giới. Nguyên tắc độc lập trên mặt ngoại giao đó đã cho phép ASEAN có một tiếng nói đáng tin cậy trong cộng đồng quốc tế.

Nguyên tắc cơ bản đó cũng đã cho phép 10 thành viên ASEAN có được những quan hệ tốt “hai bên cùng có lợi” với các cường quốc mà không bị vướng vào sự cạnh tranh giữa các nước lớn trên thế giới.

Chính vì đã đứng được bên trên các tranh chấp và cạnh tranh giữa các nước lớn mà ASEAN đã có thể duy trì được sự trung lập của mình, không bị lôi cuốn vào những vùng ảnh hưởng của Mỹ, Trung Quốc hay Nhật Bản. Chiến lược sống còn này đã giúp ASEAN đứng vững từ khi mới thành lập năm 1967, nhưng giờ đây đang bị đe dọa.

Một ASEAN bị rạn nứt sẽ gây nên một vết chia cắt kiểu Chiến tranh lạnh không có lợi cho cả Bắc Kinh lẫn Washington và gây ra những tổn hại không thể cứu vãn được cho Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

Theo nhà phân tích Tang Siew Mun, hành động của Tổng thống Duterte có hậu quả vượt ra bên ngoài đất nước của ông, nhất là khi Philippines giữ vai trò chủ tịch ASEAN trong năm tới. Một chủ tịch luân phiên ASEAN thiên vị đối tác này hơn các đối tác khác chỉ gây nên sự mất tin tưởng, tác hại đến vai trò trung tâm của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.

ASEAN chỉ có thể làm tốt vai trò tế nhị là cân bằng quan hệ với các cường quốc, khi giữ được tính chất trung lập và duy trì được tính chất mở cửa và hòa đồng của khu vực. Việc Philippines đứng hẳn về phía Trung Quốc có tác dụng lật đổ vai trò trung tâm của ASEAN.

Năm tới, ASEAN kỷ niệm 50 năm ngày thành lập. Và, người chủ trì sự kiện quan trọng này lại là Tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines, nước sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên ASEAN trong năm 2017. Trong năm sinh nhật thứ 50, ASEAN sẽ được dẫn dắt bởi một vị tổng thống có cách tiếp cận khác với đường lối truyền thống của ASEAN.

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/the-gioi/philippines-nga-ve-phia-trung-quoc-ben-nao-thiet-nhat-776175.html