Philippines muốn gì từ Trung Quốc?

Chuyến thăm tới Trung Quốc của đặc phái viên Philippines Ramos nhằm xúc tiến mối quan hệ với Bắc Kinh đã bị hủy.

Các trợ lý của ông đã cho biết thông tin này ngày 27/9, cho thấy diễn biến mới nhất trong chính sách đối ngoại ngày càng khó lường của tân Tổng thống Philippines.

Fidel Ramos, cựu Tổng thống Philippines từ 1992-1998, vẫn tới thăm Bắc Kinh nhưng điều này sẽ diễn ra khi thời cơ đến. Phụ tá của ông Ramos, người không có thẩm quyền nói chuyện với giới truyền thông, cho biết ông vẫn lên kế hoạch đi đến Bắc Kinh nhưng "vào thời điểm thích hợp".

Cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos nói chuyện với phóng viên khi đến Hongkong 8/8. (Nguồn: Reuters)

Tin tức về việc hủy bỏ chuyến đi lần đầu tiên được đăng trên trang web của Đại sứ quán Philippines tại Bắc Kinh, thông báo cho công dân của họ rằng một cuộc gặp với Ramos bây giờ đã bị hủy.

Tổng thống Rodrigo Duterte đã chọn chính khách 88 tuổi Ramos để bắt đầu quá trình đối thoại phức tạp với Trung Quốc sau một động thái mang tính bước ngoặt là phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại Hague, đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với phần lớn diện tích Biển Đông.

Không có thông báo chính thức về chuyến đi từ cả hai phía Philippines hay Trung Quốc và rằng cũng chưa rõ ràng về người mà ông Ramos sẽ gặp. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không ngay lập tức đáp ứng yêu cầu bình luận.

Dù Trung Quốc từ chối công nhận phán quyết của Tòa PCA, nhưng cả hai bên đã cam kết sẽ theo đuổi mối quan hệ ấm áp hơn. Ông Duterte trong một bài phát biểu ngày 27/9 đã nhắc lại những hy vọng về việc “nắm tay” người bạn mới là Trung Quốc và Nga, cho biết rằng trong năm tới ông sẽ đưa Philippines "gia nhập vào nhiều liên minh mới".

Theo Reuters, dưới sự lãnh đạo của ông Duterte, chính sách đối ngoại truyền thống hợp tác chặt chẽ với phương Tây của Manila có thể sẽ có một cuộc cải tổ mạnh mẽ.

Lauro Baja, một cựu thứ trưởng ngoại giao đã nghỉ hưu và là đại sứ Philippines tại Liên Hợp Quốc, cho biết ông Duterte nên gửi đi một thông điệp rõ ràng về chính sách đối ngoại của mình chứ không phải thông qua các phương tiện truyền thông.

"Quan điểm từ bên ngoài là kẻ thù tồi nhất của Philippines, chính điều này khiến các chính sách đối ngoại trở nên khó hiểu," ông nói. "Vì vậy, cả Washington và Bắc Kinh đều sẽ thắc mắc rằng Philippines muốn gì?"

(Theo Reuters)

An Bình

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/philippines-muon-gi-tu-trung-quoc-212408.html