Philippines đang 'tấn công quyến rũ' Trung Quốc

Tình hình Biển Đông ngày 11/10: Philippines đang thi hành chiến lược "tấn công quyến rũ" Trung Quốc để giành được những ưu thế trong khu vực bao gồm việc quay trở lại đánh bắt ở ngư trường truyền thống gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.

Trái với những căng thẳng trên Biển Đông, Tổng thống Rodrigo Duterte là người đang tạo ra những thay đổi lớn trong mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Philippines. Nhận định này được hiện thực hóa qua chuyến thăm của nhà lãnh đạo Manila tới Bắc Kinh vào ngày 19/10 tới.

Tờ Nikkei Asian Review đưa tin ông Duterte còn ca ngợi nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình là "một vị chủ tịch tuyệt vời" và đánh giá cao những đóng góp hỗ trợ của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống ma túy tại Philippines. Trong xu hướng thắt chặt quan hệ nồng ấm với Trung Quốc, Philippines lại đang có những động thái xa dần Mỹ. Cụ thể, Tổng thống Duterte đã đơn phương tuyên bố chấm dứt cuộc tập trận chung thường niên Balikatan giữa quân đội Mỹ và Philippines cũng như kế hoạch tuần tra chung với Hải quân Mỹ trên Biển Đông.

Lực lượng lính thủy đánh bộ Philippines đóng quân trên tàu BRP Sierra Madre gần bãi Cỏ Mây.

Đáng nói những tuyên bố về chính sách đối ngoại mới của Philippines liên quan tới quyền hàng hải và tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc mà Tổng thống Duterte và Bộ trưởng Ngoại giao Perfecto Yasay thông báo trong thời gian qua lại có phần nghiêng hẳn về ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh. Thậm chí, Tổng thống Duterte cho rằng những tuyên bố phi lý và hoạt động cải tạo đơn phương của Bắc Kinh trên phần lớn diện tích Biển Đông cũng như ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines là hành động "mang tính thiện chí". Do đó, chính quyền của Tổng thống Duterte đã kêu gọi tiến hành các cuộc đối thoại song phương với Bắc Kinh để giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền đồng thời chỉ định cựu Tổng thống Fidel Ramos làm đại sứ đặc biệt tới Trung Quốc.

Thậm chí, chính quyền của Tổng thống Duterte cũng không kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lên tiếng ủng hộ phán quyết hồi tháng Bảy của Tòa trọng tài quốc tế phủ nhận chủ quyền phi lý "đường chín đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo ông Malcolm Cook, chuyên gia cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, ông Duterte đang thi hành chiến lược "tấn công quyến rũ" Trung Quốc tương tự như chính sách "tán tỉnh" các nước Đông Nam Á mà Bắc Kinh đã thực hiện trong những thập niên trước đây. Cụ thể, chính sách "ngoại giao nụ cười" của Trung Quốc tập trung vào hạ bệ thế thượng phong của Mỹ ở khu vực Đông Á trong bối cảnh Bắc Kinh coi Washington là rào cản gây bất ổn và kiềm chế quốc gia này vươn lên vị trí số 1 trong khu vực. Chính sách này còn giúp Trung Quốc tránh phải Chiến tranh Lạnh với Mỹ.

Còn hiện tại, chiến lược "tấn công quyến rũ" của Tổng thống Duterte là nhằm giảm dần vị thế lâu đời của Mỹ tại Philippines bởi nhà lãnh đạo Duterte cho rằng chính Washington đang gây ra bất ổn an ninh quốc gia và kiềm chế nền độc lập hoàn toàn của Manila. Đây là lý do ông Duterte yêu cầu quân nhân Mỹ hoạt động ở hòn đảo phía nam Mindanao rút quân nhằm mở đường cho các cuộc đối thoại hòa bình với phiến quân hồi giáo Moro.

Phát biểu tại Washington, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Yasay đã đưa ra lời giải thích cho chính sách ngoại giao độc lập của Tổng thống Duterte rằng: "Chúng tôi không thể mãi chỉ là người em da nâu bé nhỏ của Mỹ. Chúng tôi phải trưởng thành và trở thành người anh lớn của nhân dân và của cả thế hệ tương lai Philippines".

Chuyên gia Cook nhấn mạnh một trong những mục đích chính trong chiến lược "tấn công quyến rũ" của Philippines với Trung Quốc là nhằm giành được ưu thế trong khu vực. Bắc Kinh bắt đầu thi hành chính sách ngoại giao bằng việc làm giảm dần nỗi sợ hãi của các nước trước sự trỗi dậy của Trung Quốc ở vùng biên phía nam đồng thời khuyến khích các nước Đông Nam Á ủng hộ lợi ích chiến lược của Bắc Kinh trong khu vực.

Về phần mình, ông Duterte đang tìm cách làm dịu bớt cơn tức giận của Bắc Kinh với Philippines sau phán quyết hồi tháng Bảy của Tòa trọng tài quốc tế đồng thời mời gọi sự ủng hộ từ phía Trung Quốc. Tổng thống Duterte cũng không ngần ngại nhượng bộ Trung Quốc cả với những mối ưu tiên chính sách trong nước trong bối cảnh chiến dịch chống ma túy và những kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của Manila cần tới khoản đầu tư tài chính từ Bắc Kinh. Một vấn đề quan trọng nữa là Philippines hy vọng Trung Quốc sẽ ngừng hành động ngăn cản ngư dân nước này tiếp cận ngư trường truyền thống gần bãi cạn Scarborough trên Biển Đông.

Song trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thay đổi chiến lược "tấn công quyến rũ" bằng chính sách hành động ngày càng hung hăng khi giải quyết các vấn đề liên quan tới ASEAN và tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông. Đây là lý do nội dung trong các văn bản của ASEAN nhấn mạnh hoạt động cải tạo đất gần đây trên Biển Đông mà Trung Quốc tiến hành đã làm xói mòn niềm tin và sự tín nhiệm. Và chuyến thăm đầu tiên của ông Duterte tới Trung Quốc sẽ là phép thử trước câu hỏi liệu Trung Quốc có sẵn lòng mở rộng sự ủng hộ đối với nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và tôn trọng quyền hàng hải trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines hay không.

Theo ông Cook, lộ trình phát triển quan hệ Trung Quốc – Philippines sẽ là chủ đề nổi bật nhất trong khu vực trong năm tới. Mối quan hệ giữa Manila với Bắc Kinh và Mỹ cũng như phương thức giải quyết các xung đột trên Biển Đông sẽ phản ánh mức độ thành công trong chính sách ngoại giao độc lập của chính quyền Tổng thống Duterte. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến chống ma túy và những lời đả kích chống lại Mỹ vẫn tái diễn, mối quan hệ đồng minh Mỹ - Philippines chắc chắn sẽ mờ nhạt dần. Và nếu quan hệ giữa Trung Quốc – Philippines nồng ấm dần cũng như tránh được va chạm trên Biển Đông, thì cuộc chiến tranh chấp chủ quyền trên vùng biển chiến lược giữa một số quốc gia ASEAN với Trung Quốc cũng sẽ không mất đi sức nóng.

Ngoài ra, nếu Trung Quốc không phản ứng tích cực trước chiến lược "tấn công quyến rũ" của Tổng thống Duterte và tăng cường các hoạt động xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines trên Biển Đông, Manila sẽ bị kẹt giữa hai mối quan hệ sóng gió với hai cường quốc trên thế giới là Washington và Bắc Kinh.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin Nikkei Asian Review, ấn bản tiếng Anh chuyên về kinh tế – chính trị của tập đoàn truyền thông Nikkei của Nhật, ra đời từ năm 2013.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/philippines-dang-tan-cong-quyen-ru-trung-quoc-post211158.info