Philippines chỉ trích Mỹ về vấn đề biển Đông

Tờ Philstar ngày 25-3 dẫn lời Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte chỉ trích chính quyền Mỹ thời ông Barack Obama đã không hành động lúc Trung Quốc bắt đầu xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông. Theo Tổng thống Duterte, chính sự “ì ạch” của Mỹ đã dẫn đến hậu quả là tình trạng căng thẳng liên quan tới tranh chấp chủ quyền trong khu vực như hiện nay.

Phát biểu trước các thành viên của Liên đoàn Luật sư Philippines (IBP) tại thành phố Pasay, Tổng thống Duterte cho rằng, chỉ có Mỹ mới có khả năng ngăn chặn các hành động của Trung Quốc tại các vùng biển tranh chấp nhưng dường như Washington lại “kệ” cho Bắc Kinh hành động theo cách của họ, trước sự ngạc nhiên của các nước láng giềng.

Ông Duterte đặt câu hỏi: “Tại sao (Mỹ) không quở trách (Trung Quốc)? Tại sao anh không cử 5 tàu sân bay tới? Và anh lại đợi cho tới khi sự việc chín muồi để đối mặt với một vấn đề quốc tế, lần này, liên quan đến rất nhiều nước”. Tuyên bố Philippines đã được cảnh báo rằng, những gì đang được tiến hành ở Bãi cạn Scarborough (mà Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham, Philippines gọi là Panatag) là “một loại cấu trúc” đã được thiết lập trong khu vực này từ 5 năm về trước.

Ông Duterte nhấn mạnh: “Anh chắc chắn đã loại bỏ được vấn đề này từ khi còn trứng nước nếu anh đưa ra một hành động mang tính quyết định”.

Liên quan tới vấn đề này, hôm 22-3, quyền Ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết Bộ Ngoại giao nước này đã yêu cầu Trung Quốc giải thích về các kế hoạch xây dựng một trạm giám sát môi trường trên bãi Scarborough ở biển Đông tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.

Ngoại trưởng Manalo nói, Tổng thống Duterte đã bày tỏ quan điểm rõ ràng rằng Philippines muốn giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, song sẽ hành động để bảo vệ các lợi ích quốc gia nếu cần thiết. Chia sẻ quan điểm này, người phát ngôn của Tổng thống Philippines, ông Ernesto Abella khẳng định Manila sẽ thực thi hành động cần thiết để phòng thủ và bảo vệ chủ quyền đất nước cũng như những quyền tại các hải giới tranh chấp.

Quan chức này nhấn mạnh, Tổng thống Duterte đã nhiều lần quả quyết, Philippines không từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của mình cũng như các quyền của nước này đối với khu vực tranh chấp.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Philippines Vitaliano Aguirre cho biết Manila có kế hoạch phản đối mạnh mẽ việc Bắc Kinh chuẩn bị lắp đặt trạm radar để giám sát môi trường ở biển Đông. Những tuyên bố của ông Duterte về liên quan tới vấn đề biển Đông được các chuyên gia đánh giá là không nhất quán.

Mới đây, hôm 23-3, ông Duterte còn tuyên bố, Philippines không thể một mình khai thác tài nguyên thiên thiên tại khu vực biển Đông nên ông sẽ cân nhắc việc chia sẻ nguồn tài nguyên này với Bắc Kinh. Bên cạnh đó, ông Duterte cũng nhắc lại những tuyên bố trước đây rằng ông sẽ không gây chiến với Trung Quốc vì các đòi hỏi chủ quyền gây tranh cãi.

Về phía Mỹ, hồi giữa tháng này, hai nghị sĩ Quốc hội nước này là Thượng nghị sĩ Marco Rubio của đảng Cộng hòa và Ben Cardin của đảng Dân chủ đã trình Đạo luật Trừng phạt biển Đông và biển Hoa Đông, theo đó sẽ trừng phạt các cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia vào các hoạt động phi pháp của nước này tại hai vùng biển trên.

Thượng nghị sĩ Rubio nhấn mạnh: “Hành động phi pháp pháp của Trung Quốc ở biển Đông đe dọa an ninh và thương mại khu vực. Những hành vi vi phạm quy tắc quốc tế liên tục và trắng trợn này không thể không bị kiềm chế và các biện pháp trừng phạt được đưa ra trong dự luật này sẽ là một lời cảnh báo với Bắc Kinh là Mỹ thật sự nghiêm túc và có ý định buộc những người vi phạm phải chịu trách nhiệm về hành động của họ”.

Về phần mình, Thượng nghị sỹ Cardin nêu rõ: “Trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy một Trung Quốc ngày càng gây hấn trên biển, trấn áp và đe dọa các nước láng giềng ở cả biển Hoa Đông lẫn biển Đông, đồng thời sử dụng mối đe dọa về sức mạnh quân sự để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn thực hiện chiến dịch xây dựng và quân sự hóa các đảo, đe dọa đến sự ổn định trong khu vực”.

Đối với các hành động này, ông Cardin kêu gọi Mỹ phải thể hiện rõ ràng thái độ liên quan tới lợi ích quốc gia lâu dài của Washington trong dòng chảy tự do thương mại, tự do hàng hải và giải quyết bất đồng một cách ngoại giao, hòa bình, nhất quán với luật pháp quốc tế. Mỹ sẽ bảo vệ lợi ích của mình và của đồng minh, đối tác, đồng thời duy trì trật tự dựa trên quy tắc cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Trong khi đó, trong bài viết “Mỹ cần đối phó như thế nào trước sự hiếp đáp hàng hải của Trung Quốc ở biển Đông”, tờ The National Interest đã đưa ra một số khuyến nghị về các công cụ đơn phương mà Mỹ có thể áp đặt đối với Trung Quốc, qua đó buộc Bắc Kinh phải trả giá cho các hành động của nước này ở biển Đông và biển Hoa Đông.

Theo đó, chính quyền và Quốc hội Mỹ cũng cần tiếp tục thực hiện sáng kiến an ninh hàng hải Đông Nam Á và các chương trình hỗ trợ quân sự tương tự, đồng thời sắp xếp lại các thứ tự ưu tiên để ứng phó tốt hơn với tình hình thực tế.

Thêm vào đó, Bộ Quốc phòng Mỹ cần loại Trung Quốc ra khỏi cuộc tập trận đa phương được tổ chức 2 năm một lần, mang tên RIMPAC (Vành đai Thái Bình Dương), kể từ năm 2018 tới.

Bên cạnh đó, việc mời Đài Loan (Trung Quốc) tham gia RIMPAC cần được cân nhắc. Ngoài ra, The Nation Interest cũng khuyến nghị chính quyền Mỹ xem xét thực hiện các biện pháp gây sức ép không tương xứng, một chiến thuật mà Trung Quốc thường sử dụng để đạt được những lợi ích chiến lược lớn hơn như các biện pháp trả đũa của Bắc Kinh đối với Seoul liên quan việc Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc.

Khổng Hà (tổng hợp)

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/philippines-chi-trich-my-ve-van-de-bien-dong-434107/