Philippines chi 9 triệu USD xây cảng biển ở Trường Sa vào năm 2017

Philippines tuyên bố sẽ xây dựng một cảng biển mới trên Biển Đông trong năm 2017. Khả năng hành động của Manila sẽ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các nước có cùng tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông đặc biệt là Trung Quốc.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) dẫn lời ông Eugenio Bito-onon, cựu thị trưởng Kalayaan (Philippines) cho hay cảng biển mới được thiết kế nhằm giúp đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Philippines chiếm đóng) phục vụ cuộc sống của khoảng 200 dân cư mà phần lớn là ngư dân cùng 500 binh sĩ luân chuyển sống trên đảo.

"Chúng tôi muốn khu cảng này sẽ là nơi hạ neo của các tàu đánh cá, tuần tuần tra và cả du thuyền", ông Bito-onon nói.

Quang cảnh trên đảo Thị Tứ thuộc thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đang bị Philippines chiếm đóng trái phép.

Cũng theo ông Bito-onon, ý tưởng xây dựng cảng mới đã được hình thành từ năm 2012 tuy nhiên khi cựu Tổng thống Benigno Aquino III đệ đơn kiện Trung Quốc bành trướng, xâm phạm chủ quyền Biển Đông, toàn bộ các công trình xây dựng và sửa chữa của Philippines đã dừng lại.

"Vào thời điểm đó, chính phủ Philippines cho rằng dự án này là không khả thi và đắt đỏ. Giờ đây chính phủ lại thông qua kế hoạch, có thể là do họ thấy đã đủ năng lực. Trên hết, Trung Quốc còn có thể biến các đảo chìm dưới mặt nước thành đảo nhân đạo", ông Bito-onon nói thêm.

Trung Quốc đã cho triển khai hoạt động xây đảo nhân tạo vào năm 2013 bằng cách đổ cát lên trên các đảo chìm dưới mặt nước biển và biến chúng thành các tiền đồn quân sự vững chãi nằm ngay trên Biển Đông. "Những bãi đá ngầm giờ biến thành các hòn đảo được trang bị đường băng cùng với các cơ sở quân sự hiện đại", ông Bito-onon chia sẻ.

Giới chức Philippines cho rằng cảng biển mới sẽ cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận tới đảo Thị Tứ cũng như 8 hòn đảo nhỏ, rạn san hô và cồn cát ngầm mà Philippines tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa.

Nghị sĩ Philippines Johnny Pimentel cho hay Manila đã dành riêng 450 triệu peso (9 triệu USD) để xây dựng công trình này. "Khu cảng mới chắc chắn sẽ giúp khuyến khích người dân ra sinh sống ở đảo Thị Tứ", ông Pimentel nói.

Nằm cách thành phố Puerto Princesa của tỉnh Palawan 518 km về phía tây bắc, Thị Tứ là hòn đảo có đông người sống nhất và lớn nhất mà Philippines chiếm đóng trên quần đảo Trường Sa. Thị Tứ cũng là hòn đảo lớn thứ hai trong quần đảo Trường Sa. Philippines đã chiếm đóng trái phép đảo Thị Tứ từ năm 1970.

Chính phủ Philippines đã triển khai đưa người dân ra đảo Thị Tứ sinh sống từ năm 2001. Tuy nhiên, điều kiện sống khắc nghiệt khiến chỉ ít người Philippines còn ở lại trên đảo. Dù có một đường băng trên đảo Thị Tứ nhưng chỉ có những loại máy bay cỡ nhỏ mới thi thoảng hạ cánh xuống khu vực này.

Với công trình xây dựng cảng biển mới, theo ông Bito-onon, khả năng nhiều người dân Philippines và du khách nước ngoài sẽ tới thăm đảo trong tương lai.

Trong khi đó, nghị sĩ Pimentel còn hối thúc chính phủ đặt một trạm nghiên cứu ngay trên đảo Thị Tứ nhằm tìm ra nguồn điện năng tái tạo và hoạt động ổn định cho hòn đảo rộng 37,2 hectare này. Còn hiện tại, nguồn điện sinh hoạt trên đảo đang phụ thuộc vào một máy phát.

Thậm chí, ông Pimentel còn hối thúc chính quyền của Tổng thống Rodrigo Duterte tái khởi động hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt trên Biển Đông. Hoạt động này bị đình chỉ tạm thời trong khoảng thời gian tòa trọng tài quốc tế xem xét đơn kiện Trung Quốc từ Philippines.

"Đây là lợi ích quốc gia do đó chúng ta cần ngay lập tức tìm kiếm các mỏ khí tự nhiên nằm sâu dưới biển trong khi chính phủ thúc đẩy các biện pháp ngoại giao mạnh mẽ với Trung Quốc", ông Pimentel nói.

Trước đó, Bộ Năng lượng Philippines đã cho dừng 3 dự án tìm kiếm mỏ dầu và khí đốt trên Biển Đông hồi năm ngoái.

Căng thẳng ngoại giao giữa Manila và Bắc Kinh bùng phát vào năm 2012 sau khi Trung Quốc giành quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines.

Còn hiện tại, Manila đang đẩy nhanh tiến độ thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh mà theo đại sứ Philippines tại Trung Quốc, ông Jose Santiago Sta. Romana, Philippines "sẽ tìm kiếm cơ hội thắt chặt quan hệ kinh tế và chính trị với Trung Quốc chứ không tìm kiếm quan hệ liên minh quân sự". "Tốt nhất là chúng tôi thiết lập liên minh thương mại và kinh tế", ông Romana nhấn mạnh.

Minh Thu (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/philippines-chi-9-trieu-usd-xay-cang-bien-o-truong-sa-vao-nam-2017-post214597.info