Philippines bất ngờ dịu giọng với Mỹ

Đối với Mỹ và Philippines, liệu hợp tác quân sự có thể chỉ còn là “một điều trong quá khứ” - ít nhất là cho đến bây giờ?

Ngày 12-10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bất ngờ tuyên bố sẽ không hủy bỏ các thỏa thuận hiện có và vẫn duy trì tất cả các liên minh quân sự của nước này.

“Chúng ta không cần phải thực sự phá vỡ hoặc hủy bỏ những thỏa thuận hiện có bởi vì họ nói đó chính là cái ô bảo vệ chúng ta”, ông Duterte nói trong bài phát biểu trước Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines ở Manila. “Chúng ta sẽ duy trì tất cả liên minh quân sự, vì họ nói rằng, chúng ta cần nó cho an ninh quốc phòng”. Không rõ liệu từ “họ” mà Tổng thống Duterte đề cập đến là nước nào, nhưng giới quan sát cho rằng, đó dường như chắc chắn là Mỹ.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông Duterte có bài phát biểu được xem là “hạ thấp tầm quan trọng của liên minh quân sự với Mỹ”. Phát biểu trước các binh sĩ Philippines và Mỹ tại lễ kết thúc cuộc tập trận chung PHIBLEX 33, Tổng thống Duterte tuyên bố sẽ không hủy bỏ hiệp ước quốc phòng với Mỹ, nhưng đặt câu hỏi về tầm quan trọng của mối quan hệ này cũng như của các cuộc tập trận chung. Bởi theo ông Duterte, Mỹ sẽ không trợ giúp Philippines nếu xảy ra một cuộc xung đột với các siêu cường trên thế giới như cách Washington đã bỏ rơi Ukraine. Ông Duterte cũng cho rằng, chỉ có Mỹ là bên có lợi trong các cuộc tập trận.

Các binh sĩ Mỹ, Philippines đổ bộ trên đảo Luzon trong khuôn khổ cuộc tập trận PHIBLEX 33. Ảnh: Inquirer

Trái với những phát biểu tiêu cực của Tổng thống Duterte, Washington vẫn tỏ ra khá điềm tĩnh đáp trả. Một vị tướng của Mỹ bác bỏ tuyên bố này, cho rằng, cả hai nước đều có lợi từ các cuộc tập trận đồng thời cam kết “sẽ có mặt khi cần thiết”. Trong khi đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel khẳng định, Washington tôn trọng các cam kết với Manila và hy vọng Philippines cũng sẽ hành xử tương tự.

Giới phân tích cho rằng, có thể trước cách phản ứng khôn ngoan của Washington, ông Duterte cũng nỗ lực làm dịu những tranh cãi đang bùng nổ về tương lai hợp tác Manila-Washington, vốn xuất phát từ những phát biểu đầy hằn học của chính ông. Thực tế, mối quan hệ đồng minh thân cận Mỹ, Philippines đang xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Hôm 11-10, cả hai thậm chí quyết định cắt ngắn cuộc tập trận chung PHIBLEX 33 trước 1 ngày, trong bối cảnh cuộc tập trận diễn ra trong không khí căng thẳng giữa hai bên.

Trước thềm tập trận, Tổng thống Duterte cảnh báo, “đây là cuộc tập trận chung đầu tiên và cũng sẽ là cuối cùng giữa 2 đồng minh trong nhiệm kỳ 6 năm của tôi”. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cho biết đã đề nghị Tổng thống Duterte nghĩ lại việc tập trận chung thường niên với Mỹ và giải thích tầm quan trọng của 28 cuộc tập trận này, trong đó có 3 cuộc tập trận lớn với sự tham gia của hàng ngàn binh sĩ, để sẵn sàng đối phó với thảm họa và các cuộc khủng hoảng khác.

Trong khi đó, Thẩm phán Tòa án tối cao Philippines Antonio Carpio cũng kêu gọi Tổng thống Duterte tiếp tục kế hoạch tuần tra và tập trận chung với Mỹ trên biển Đông sau khi Manila tuyên bố ngừng việc này. Trong bài phát biểu tại lễ kết thúc cuộc tập trận chung PHIBLEX, Thẩm phán Carpio – một khách mời danh dự - kêu gọi Tổng thống Duterte nên thấy vai trò quan trọng của Mỹ ở biển Đông. “Chỉ có duy nhất một cường quốc trên thế giới này có thể ngăn cản được Trung Quốc khỏi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Đó chính là Mỹ”, ông Carpio nhấn mạnh.

Khả Anh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_156061_philippines-ba-t-ngo-di-u-gio-ng-vo-i-my-.aspx