Phiến quân IS bị đánh tan tác tại Iraq-Syria phân tán về đâu?

Trong bản đồ bành trướng trên toàn cầu của IS, Đông Nam Á là khu vực trọng tâm thâm nhập.

Ngày 10/7, chính phủ Iraq tuyên bố giành thắng lợi hoàn toàn ở Mosul – cứ điểm lớn nhất của IS trên chiến trường Iraq-Syria. Thành phố được giải phóng sau 266 ngày giao tranh và gần 3 năm dưới sự chiếm đóng của IS. Lực lượng an ninh Iraq tiếp tục đánh đuổi các tay súng IS tại một số thị trấn của nước này.

Raqqa thất thủ sẽ là một đòn nặng đối với IS

Tại Syria, chiến dịch giải phóng Raqqa - “thủ đô” của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - khởi động hồi tháng 11/2016 nhằm bao vây thành phố và các cuộc tấn công quyết liệt diễn ra từ tháng 6/2017. Các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn đang tiến sâu vào các vị trí trung tâm của Raqqa, nơi ước tính 2.500 phiến quân IS đang tử thủ.

Chủ công của cuộc tấn công Raqqa là các tay súng người Kurd thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn. SDF được đánh giá là những nhóm chiến bình thiện chiến nhất tại Syria.

Quân đội Mỹ phần lớn là lực lượng đặc nhiệm khoảng 500 người làm cố vấn và hỗ trợ các tay súng địa phương. Số quân Mỹ không tham chiến trực tiếp nhưng có thể huy động các cuộc không kích và hoạt động gần chiến trận hơn so với lực lượng Mỹ hỗ trợ quân đội Iraq tại Mosul.

IS đang đào tạo thế hệ chiến binh trẻ em.

Các lực lượng SDF đang dối diện với các lực lượng thân chính phủ Syria chiếm đóng khu vực phía bắc Syria. Đã có một số cuộc đụng độ giữa hai lực lượng này, mỗi bên do Nga và một bên do Mỹ hỗ trợ. Quan hệ giữa Nga và Mỹ xấu đi một cách trông thấy trong những tháng gần đây. Hôm thứ hai vừa rồi (17/7), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã gọi điện cho Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, yêu cầu các lực lượng do Mỹ yểm trợ ngừng tấn công các lực lượng chính phủ Syria trên chiến trường chống IS.

Các chiến binh IS sẽ đi về đâu?

Liên quan châu Âu, trang tin Dar al-Ifta ngày 5/7 cảnh báo về các hậu quả khi các tay súng IS sẽ trở lại “lục địa già”. Nguồn tin này cho biết hiện có khoảng 20% chiến binh IS là công dân các nước châu Âu và sau những thất bại gần đây của IS tại Iraq, Syria, các chiến binh này được cho là đang tìm cách trở về quê hương.
Hiện các quốc gia châu Âu, như Pháp, Đức, Anh, Bỉ và Hà Lan đều được đặt trong tình trạng báo động cao trước sự trở lại của những công dân từng là chiến binh IS, trong khi các thành viên IS rất biết cách xâm nhập biên giới của bất kỳ nước nào với những tấm hộ chiếu giả.

Tại Đông Nam Á, ở thành phố Marawi thuộc Mindanao, Philippines đang đương đầu với phiến quân thuộc tổ chức Maute tuyên bố trung thành với IS.

Indonesia gần đây cũng chứng kiến một số cuộc tấn công có liên quan đến IS. Trong bản đồ bành trướng trên toàn cầu của IS, Đông Nam Á là khu vực trọng tâm thâm nhập.

Tình hình cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở thành phố Marawi của Philippines và các cuộc tấn công khủng bố gần đây ở Đông Nam Á cho thấy bóng đen của IS ở khu vực Đông Nam Á đang lan rộng. Mối đe dọa của các cuộc tấn công khủng bố của IS ở Đông Nam Á đang ngày càng trở thành hiện thực và cho thấy nhiều xu thế mới của chủ nghĩa khủng bố.

Kể từ năm 2016, IS đã gây ra ít nhất 5 cuộc tấn công khủng bố lớn ở Đông Nam Á, nhưng đây là lần đầu tiên chúng đối đầu với quân đội chính phủ Philippines trong một thời gian dài sau khi tấn công thành phố Marawi. Mục đích của IS không phải chỉ là gây ra nỗi sợ hãi mà có lẽ còn bao gồm chiếm địa bàn để thành lập “chính quyền”.

Các sự kiện xảy ra gần đây ở Đông Nam Á cho thấy bốnxu hướng: Một là miền Nam Philippines đang trở thành khu vực trung tâm của IS ở Đông Nam Á.

Hai là, các phần tử cực đoan ở trong và ngoài khu vực trung thành với IS tiếp tục sáp nhập với nhau. Khu vực Mindanao của Philippines đã trở thành “ngôi làng toàn cầu” tập trung “lính di cư” gần là đến từ Malaysia và Indonesia, xa là đến từ Maroc. Trong số các phần tử cực đoan bị tiêu diệt, quân đội chính phủ Philippines phát hiện chúng đến từ các nước như Saudi Arabia, Malaysia, Indonesia, Yemen và Chechnya.

Ba là, phương thức tác chiến của các tổ chức khủng bố ở khu vực Đông Nam Á dưới ảnh hưởng của IS có sự thay đổi và cũng đã có khả năng phát động các vụ tấn công có quy mô vào các thành phố. Xu thế các tổ chức khủng bố địa phương sáp nhập và hợp tác với IS dần dần trở nên rõ ràng hơn, ngoài sự phối hợp giữa tổ chức Abu Sayyaf và Maute trong cuộc tấn công Marawi, đúng vào lúc tình hình ở Marawi đang bế tắc, một tổ chức khủng bố trung thành với IS là nhóm Chiến binh Hồi giáo tự do Bangsamoro (BIFF) đã tấn công ngôi làng Malagakit nằm ngay bên ngoài thị trấn Pigcawayan, cách Marawi 190 km và chiếm một trường học.

Bốn là, cuộc tấn công khủng bố ở thành phố Marawi có thể sẽ nảy sinh “hiệu ứng làm mẫu” ở Đông Nam Á. Cùng với sự thâm nhập của IS ở khu vực này, các phần tử cực đoan rất có khả năng lấy điểm nóng Philippines để thúc đẩy các hoạt động khủng bố mở rộng sang toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Trong tương lai, các lực lượng phiến quân có thể bắt chước mô hình tấn công khủng bố của IS để phát động các cuộc tấn công, hoặc câu kết với IS để đạt được mục đích riêng của chúng./.

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/the-gioi/phien-quan-is-bi-danh-tan-tac-tai-iraqsyria-phan-tan-ve-dau-246974.html