Phía trước là cổ phiếu vừa và nhỏ

Cuộc trình diễn của các cổ phiếu vốn hóa lớn có tác động quyết định đưa VN-Index vượt ngưỡng 800 điểm dường như đã hoàn thành trọng trách của chúng và giờ đây sự đi xa hơn của chỉ số lại đang trông chờ vào nhóm cổ phiếu có mức vốn hóa trung bình và nhỏ (midcap và smallcap).

Sự tăng giá của các cổ phiếu vốn hóa lớn đã giúp VN-Index vượt ngưỡng 800 điểm. Ảnh: THÀNH HOA

Xét về sức mạnh bề nổi, có thể midcap và smallcap không ảnh hưởng ngay đến chỉ số, nhưng cả hai nhóm trên lại chiếm tỷ trọng lớn nếu cân đong đo đếm số lượng doanh nghiệp niêm yết. Bên cạnh đó đại bộ phận nhà đầu tư cá nhân và không ít tổ chức đang sở hữu các cổ phiếu thị giá tầm trung và nhỏ. Họ đều đang không có lãi, thậm chí danh mục đầu tư có thể thua lỗ cho dù VN-Index đã tăng trưởng lên đỉnh cao 10 năm. Thực trạng này rõ ràng không khuyến khích một bộ phận lớn nhà đầu tư ở trong thị trường. Họ hoặc sẽ kiên trì nắm giữ các smallcap và midcap thêm một thời gian, hoặc sẽ bán ra chịu hòa vốn hoặc cắt lỗ nhằm bảo toàn vốn trong ngắn hạn. Khó có khả năng họ cắt lỗ cổ phiếu vốn hóa nhỏ và giải ngân vào các blue-chips thượng hạng vì các blue-chips như SAB, GAS, VIC, MSN... đang ở vùng đỉnh giá của quãng thời gian 24-12 tháng. Các blue-chips sẽ phải điều chỉnh để tích lũy trước khi xác định liệu chúng có thể leo dốc cao hơn.

Nhiều cổ phiếu thị giá nhỏ và trung bình đang trở nên rẻ hơn tương đối so với P/E chung của toàn thị trường. Một bộ phận của nhóm này có thể đạt doanh thu và lợi nhuận khá tốt trong năm nay, nhất là các công ty chứng khoán, xây dựng, vật liệu xây dựng, mía đường, cao su, bột giặt, hóa chất. Cổ phiếu chứng khoán từ nhóm dẫn dắt thị trường 2-3 tháng trước, nay đã lùi về quá sâu phía sau. Sự thụt lùi này một mặt không khích lệ các tay lướt sóng vào cuộc vì cổ phiếu chứng khoán chứa đựng trong nó tính đầu cơ, mặt khác nó chỉ ra hoạt động môi giới đang thiếu động lực. Không có động lực nào cổ vũ các nhân viên môi giới mạnh mẽ hơn cổ phiếu của công ty nơi họ làm việc tăng trưởng vì họ đều sở hữu chúng ít nhiều.

Thời gian qua các blue-chips thượng hạng tăng điểm chủ yếu do sức mua vào của khối ngoại. Bàn tay khối ngoại đang chi phối và khuynh đảo thị trường. Nếu muốn có lợi nhuận, các nhà đầu tư cá nhân gần như phải theo chân giao dịch của khối ngoại. Sự ăn theo có tính lệ thuộc như vậy đã mặc nhiên chứng tỏ sự yếu thế của nhà đầu tư trong nước. Thêm vào đó các đợt cổ phần hóa hay bán vốn nhà nước ở các doanh nghiệp quy mô cũng trông chờ vào vốn nước ngoài.

Việc thoái tiếp 3,33% vốn nhà nước ở Vinamilk có dựa vào nhà đầu tư nội không? Xin thưa là không. Nhà đầu tư nội nào muốn có cổ phiếu Vinamilk thì lên sàn mua, việc gì phải chờ đấu giá với thủ tục đặt cọc và lại không có cổ phiếu về tài khoản ngay để giao dịch khi cần. Trong cuộc đua trở thành cổ đông lớn của Sabeco hay Habeco, khối ngoại cũng hơn hẳn khối nội về tiềm lực tài chính, chưa kể tiền họ giải ngân mua là tiền tươi thóc thật (nếu có vay mượn đi chăng nữa, họ vay mượn bên ngoài chứ không vay ngân hàng Việt Nam như một số đại gia trong nước. Điển hình nhất là cổ phần hóa Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, đơn vị đang vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Theo kế hoạch, Bình Sơn chỉ IPO một tỷ lệ cổ phần nhỏ, quan trọng hơn là chọn cổ đông lớn để bán 36% cổ phần. Với giá trị doanh nghiệp đã được Nhà nước phê duyệt 3,5 tỉ đô la Mỹ, tổ chức trong nước nào có đủ khả năng tài chính để mua?

Vấn đề là ở chỗ nếu chứng khoán ngày một phụ thuộc vào vốn ngoại, chức năng huy động vốn của thị trường và san sẻ bớt gánh nặng cung ứng vốn cho nền kinh tế của ngân hàng sẽ không tháo gỡ được. Một thị trường tài chính muốn phát triển bền vững phải lấy nguồn lực trong nước làm gốc.

Thành Nam

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/164598/phia-truoc-la-co-phieu-vua-va-nho.html