Phía trước của mỹ thuật Việt

Trải qua hành trình 30 năm (1986 – 2016), thời kỳ Đổi mới được xem là “mốc son” quan trọng cho sự phát triển của ngành mỹ thuật Việt Nam. Ở đó, một thế hệ tác giả thời kỳ đổi mới đã hình thành và tạo nên diện mạo mỹ thuật ngày hôm nay, đa dạng về xu hướng và phong cách, mang đậm dấu ấn cá nhân. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia mỹ thuật ở đó vẫn còn là những câu chuyện vui, buồn.

Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới vẫn còn đó những câu chuyện vui – buồn.

Theo họa sĩ Lê Anh Vân “Từ thời điểm trước Đổi mới luôn tồn tại trong các nghệ sĩ thèm muốn một ngôn ngữ biểu hiện khác đi. Tuy nhiên, những năm đầu Đổi mới, bản thân những họa sĩ vẫn rất khó khăn trong việc tìm kiếm cách diễn đạt những ý tưởng nghệ thuật của mình. Sự thay đổi là cả một quá trình mày mò chứ không thể nhanh chóng và đột ngột được”.

Còn họa sĩ Đặng Xuân Hòa cho rằng mỹ thuật Việt Nam may mắn khi có thời kỳ Đổi mới. Ở đó, mỹ thuật đã được cởi mở, tự do sáng tác, nghệ sĩ được làm những điều họ muốn họ cần và nước ngoài đã chú ý đến mỹ thuật Việt Nam.

Sau này thị trường nghệ thuật phát triển mạnh giúp cho người họa sĩ được khuyến khích rất nhiều, những sáng tác mới mẻ và cuộc sống được cải thiện, bên cạnh đó những họa sĩ không có bản lĩnh đánh mất mình rất nhanh và lợi nhuận thị trường khiến cho nghệ thuật cũng bị thật giả lẫn lộn. Nghệ thuật đương đại tiếp bước vào Việt Nam và phát triển sôi động đã làm cho bộ mặt nghệ thuật thêm đa dạng phong phú.

Thế nhưng, hiện giờ con đường đổi mới cũng dần bộc lộ nhiều những vấn đề không mong muốn, như gần đây chúng ta chứng kiến những vụ lùm xùm là những tiếng kêu thức tỉnh chúng ta không bao giờ được trễ nải trong việc chấn hưng và xây dựng nền nghệ thuật.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công mỹ thuật thời kỳ Đổi mới vẫn còn đó vô số những rối ren. Đơn cử, như nhà điêu khắc Đào Châu Hải nhìn nhận ở góc độ chuyên ngành điêu khắc. 10 năm trở lại đây Điêu khắc có vẻ đã có nhiều tín hiệu vui hơn, nhưng thế hệ trẻ vẫn rất cần có một sự kết nối nghề nghiệp, họ cần hơn nữa một môi trường, quan hệ đồng nghiệp và điều kiện làm việc tốt hơn, họ cần nghiên cứu khoa học, lịch sử và lý luận hơn nữa khi ngồi trên ghế nhà trường.

Hiện nay những nhà điêu khắc trẻ có điều kiện tốt hơn rất nhiều trong việc hội nhóm, giao lưu trong nước, quốc tế và sáng tác, và tôi hy vọng có nhiều sự kết nối hơn, cả việc dẫn dắt của thế hệ trước với thế hệ sau. Như lời họa sĩ Phan Cẩm Thượng: “Anh có thể trở thành bất cứ ai, trở thành bất cứ gì nếu anh muốn, nhưng trước tiên và quan trọng, hãy trở thành nghệ sĩ của chính dân tộc mình”.

Thậm chí theo nhà điêu khắc Đào Châu Hải, trong sự phát triển chung của nghệ thuật hiện nay, cùng một lúc chúng ta tiếp nhận quá nhiều thông tin, quá nhiều cái mới nhưng nội hàm của chúng ta vẫn chưa thay đổi nhiều, vì thế sẽ xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Các tổ chức nhà nước nên mang tính gợi ý, thúc đẩy văn hóa phát triển một cách tự nhiên, thuận với sự phát triển của xã hội. Mà muốn làm được điều ấy bản thân nhà quản lý phải có nhận thức, sự thấu hiệu và quan trọng là trình độ để phân loại, thẩm định được giá trị nào là quan trọng, từ đó đưa ra được chủ trương, đường lối để văn hóa phát triển lành mạnh.

Hoàng Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa-the-thao/phia-truoc-cua-my-thuat-viet/123749