Phía sau tiếng cười mà nghệ sĩ Phạm Bằng mang đến cho khán giả

Nghệ sĩ Phạm Bằng mang tiếng cười sảng khoái mà thâm sâu tới cho khán giả nhưng phía sau ánh đèn sân khấu, ông lại có những chuyện đời đầy xót xa.

Khác với một Phạm Bằng đa dạng, góc cạnh và rộn ràng trên sân khấu, luôn mang tới tiếng cười sảng khoái cho khán giả, ngoài đời, ông như chắt chiu tiếng cười với chính mình bởi có lẽ đã cho đi quá nhiều. "Ngoài đời ai gặp cũng hỏi tại sao Phạm Bằng trầm chứ không rộn ràng, tưng bừng như trên sân khấu. Khi đã quá thấm chữ 'nghề' và 'đời', con người ta sẽ như thế.

Đằng sau tiếng cười dành cho khán giả là một Phạm Bằng với đầy nỗi niềm

Niềm vui thì sẻ chia, nỗi buồn thì giữ lại và bệnh tật thì giấu cho riêng mình chịu đựng – đó là những gì mà đồng nghiệp nhận xét về ông.

Khởi nghiệp từ sân khấu kịch nhưng nghệ sĩ Phạm Bằng được đông đảo khán giả biết đến và yêu mến sau khi gắn bó với truyền hình. Đóng rất đạt những vai chính diện nhưng ông lại ghi dấu ấn trong lòng người ở những vai diễn hài cười đến chảy nước mắt khi vào vai sếp Bằng hói, về nhà sợ vợ, ở cơ quan sợ các cô thư ký "mặt hoa da phấn" vì thói "ăn vụng".

Tiếng là vui vẻ, hài hước vậy, nhưng trong đời sống thực, ít ai biết, thường trực bên Phạm Bằng là một nỗi cô đơn xâm chiếm mỗi lần trở về nhà sau những vai diễn hài mua vui cho thiên hạ. Bố ông mất sớm, để lại người vợ góa trẻ 24 tuổi và 3 người con. Mẹ ông ở vậy nuôi chị em ông khôn lớn, một tay cụ chèo lái con thuyền gia đình. Chính điều đó khiến cụ thành một người "gia trưởng", độc đoán và khắc nghiệt.

Phạm Bằng ít khi cảm nhận được tình yêu thương của mẹ mình ngay từ hồi còn là một đứa trẻ. Cụ từng muốn con trai mình sẽ làm nghề thầy giáo như người cha quá cố, nên khi Phạm Bằng rẽ sang hướng khác, cụ đã luôn mỉa mai cái nghiệp diễn Phạm Bằng theo đuổi với những câu nói chua chát: "Nó là con hát mua vui cho thiên hạ", "Nó là loại xướng ca vô loài", "Thằng hề"…

Mẹ Phạm Bằng chưa bao giờ xem ông biểu diễn

Phạm Bằng chưa bao giờ thấy mẹ vui, không bao giờ bà khen ngợi và cũng không mong bà đến rạp để xem mình biểu diễn.

Mặc dù là diễn viên hài, nhưng trong đời sống thường nhật, Phạm Bằng ít khi 'phát tiết ra ngoài' cái sự hài hước của mình như một số diễn viên hài khác, một phần cũng là do dấu ấn của mẹ ông để lại. Sự nghiêm ngặt của bà khiến Phạm Bằng sợ, nhưng vô hình nó đã ăn vào tâm thức của ông. Ông không đối xử với con cái theo cách của mẹ nhưng ông cũng không xuề xòa với con cái giống như cách của ông Bằng hói trên màn ảnh. Giờ đây cuộc sống càng buồn vì không có người vợ dịu hiền bên cạnh. Ông ặng lẽ như chính con người đầy suy tư.

Năm nay nghệ sĩ Phạm Bằng đã 85 tuổi – cái tuổi xưa nay hiếm. Tuy thế, ông vẫn rất tráng kiện, da dẻ hồng sáng và chất giọng của một diễn viên kịch lão luyện vẫn sang sảng, trầm ấm hấp dẫn người nghe.

Trước khi sức khỏe suy yếu vì căn bệnh viêm túi mật, viêm gan, nghệ sĩ Phạm Bằng vẫn đi diễn bằng xe máy. Mải miết trên những cung đường đến trường quay hay nhà hát, Nghệ sĩ Phạm Bằng chưa từng bỏ một buổi quay nào vì lí do sức khỏe.

Ông trải lòng: “Ở độ tuổi này rồi, với tôi đi diễn, được gặp gỡ đồng nghiệp, anh em bạn bè và khán giả là một niềm vui lớn, không thể nào diễn tả được”.

Phạm Bằng thường đóng vai sợ vợ trong các tiểu phẩm

85 là độ tuổi mà với nhiều người đã có thể nghỉ ngơi để tĩnh dưỡng, an nhàn hưởng cuộc sống bình yên bên con cháu. Tuy nhiên, với nghệ sĩ Phạm Bằng điều đó là không thể.

Ông kể, khi về già, ông có nhiều sự hụt hẫng, nhất là từ thời điểm nghỉ hưu ở Đoàn kịch nói Trung ương nên phải lấy việc diễn để khỏa lấp những nỗi buồn. “Nhiều người bảo tôi sao còn tham tiền mà đi đóng phim, quay hài suốt thế. Thực ra có phải vậy đâu, tôi vừa đam mê nghề nghiệp, vừa sợ nếu không làm gì thì mình sẽ buồn lắm”, nghệ sĩ Phạm Bằng nói.

Còn một lý do nữa, đó là nghệ sĩ Phạm Bằng đi diễn để khỏa lấp những trống trải trong đời tư. Người bạn đời ra đi cách đây gần 15 năm và cũng ngần đó năm nghệ sĩ Phạm Bằng sống trong cô quạnh. Nói về chuyện này, nghệ sĩ vẫn tỏ ra tiếc nuối, “giá như cái người đưa lại tình cảm thiêng liêng nhất với mình chỉ đi cách nhau khoảng một năm thôi thì đẹp".

Nghệ sĩ Phạm Bằng và bà xã thời trẻ

Thiệt thòi trong đời tư đã đành, trong vai diễn ông cũng bị người đời dò xét. Cho rằng, vợ đã mất mà lên phim, trong tiểu phẩm hài lại cứ đi ôm gái trẻ, NSƯT Phạm Bằng nhiều lần bị “quở trách”. Vì vậy, người nghệ sĩ chua chát nói: “Phía sau tiếng cười là bao lần nuốt cay đắng vào trong”.

Ở tuổi 85, ông coi nghiệp diễn là niềm vui, để khỏa lấp nỗi buồn và sự cô đơn

Trong một bài phỏng vấn cách đây nhiều năm, Phạm Bằng chia sẻ, ông mở thêm quán bánh trôi vì miếng cơm manh áo. Cách đây nhiều năm, lương nghệ sĩ không đủ sống nên ông cùng gia đình bán thêm đủ thứ, từ bia đến nước giải khát, sau mới đến món này.

"Sáng dậy từ 5-6h, tùy mùa. Đi xay bột rồi về nặn bánh, nấu đậu, làm nhuyễn... Số lượng nhiều nên làm lâu lắm. Chỉ có một tiếng ăn cơm, nghỉ trưa, còn từ lúc dậy đến 3h chiều mới tạm xong phần chế biến. Tôi chỉ đạo cho 6 người làm, trong đó có cả con gái" - người nghệ sĩ từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn. Tuy nhiên, từ khi bị bệnh, ông đã nghỉ bán quán.

Nghệ sĩ Phạm Bằng 85 tuổi vẫn minh mẫn, đi diễn thường xuyên

Người nghệ sĩ hài gạo cội của miền Bắc tổng kết, cuộc đời người nghệ sĩ hài là vậy, chẳng khác gì Kép Tư Bền. Ai sống chẳng có niềm vui nỗi buồn, nhưng phàm đã là nghệ sĩ hài, lên sân khấu là phải làm cho khán giả cười. Cũng chính vì lẽ đó, khán giả khó có thể biết tới những nỗi niềm đầy xót xa của người nghệ sĩ.

Trần Thanh (t/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/nghe-si-pham-bang-va-goc-khuat-phia-sau-tieng-cuoi-gion-gia-cho-khan-gia-d107078.html