Phía sau sự vô cảm

Giữa phố đông đúc Hà Nội, người đàn ông ngang nhiên móc tiền trong ví đeo bên sườn của một người ngồi sau chiếc xe máy đang cố ôm bì hàng lớn mà không để ý. Móc được tiền rồi, kẻ móc túi thấy ví còn tiền lại bước theo chiếc xe đang chạy chậm để tiếp tục hành vi phạm tội. Đó là hình ảnh diễn ra vào khoảng 11 giờ trưa ngày 23-11 vừa qua trên phố Hàng Khoai (Hà Nội), trong clip mà một xe ô tô đi phía sau quay được và đưa lên mạng xã hội. Điều đáng nói, giữa dòng người chen nhau đi chậm chạp, nhiều người chứng kiến tận mắt hành vi trộm cắp này nhưng đã... dửng dưng không mảy may phản ứng. Sự vô cảm của những người xung quanh không những không ngăn chặn được hành vi trộm tiền lần đầu từ kẻ xấu mà còn tiếp tay để hắn cố móc trộm thêm lần nữa.

Đó có lẽ là số ít hình ảnh về một hiện tượng tương tự vẫn hiện hữu trong đời sống. Nhiều trường hợp tận mắt chứng kiến những việc xấu, sự sai phạm, thậm chí những hành vi có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng người khác nhưng lại nhắm mắt đi qua. Phải chăng những người xung quanh không phân biệt được cái ác, cái xấu? Người không phân biệt được, nếu có chắc không phải số đông. Người ta biết nhưng không dám phản ứng lại, ngăn cản lại. Một tâm lý chung là người ta lo lắng sự trả thù từ kẻ xấu, từ người bị tố hành vi vi phạm, do đó thà bỏ qua để giữ sự an lành hơn là đấu tranh lại cái xấu để rồi gánh sự phiền hà. Đã có những trường hợp bị trả thù sau khi tố cáo vụ việc trộm cắp, hay một số người vì tố cáo sai phạm của tổ chức, cá nhân mà bị trù dập trong công tác...

Nhìn thẳng thực tế, sự vô cảm trong đời sống xuất phát từ sự thiếu trách nhiệm với cộng đồng của mỗi công dân, nhưng phía sau đó còn là sự thiếu nghiêm khắc của pháp luật và của các cơ quan thực thi. Do đó, để mỗi công dân ý thức sâu sắc hơn trong việc bảo vệ cái đúng, cái tốt thì pháp luật phải trừng trị nghiêm khắc những kẻ vi phạm pháp luật. Nếu những vụ trộm chó được sớm phát hiện và trừng trị nghiêm khắc theo luật định thì hiện tượng trộm chó không còn thường xuyên diễn ra và người dân không còn phải “tự xử” kẻ trộm trước khi cơ quan chức năng vào cuộc. Hay hiện tượng cướp giựt trên phố nếu luôn bị xử lý triệt để, thích đáng thì sẽ hạn chế tối đa những hành vi trộm cắp ngang nhiên như hình ảnh quay được trên phố Hàng Khoai.

Cùng với đó, pháp luật cần đủ chặt chẽ để bảo vệ người tố cáo cái xấu, cái ác cũng chính là xóa đi tâm lý bị liên lụy khi đấu tranh với các ác. Khi đó, những người chứng kiến hành vi vi phạm mà “làm ngơ” không chỉ là sự vô cảm mà còn bị xử lý về hành vi không kịp thời tố giác tội phạm.

Văn Bắc

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/phia-sau-su-vo-cam.aspx