'Phía Nhật Bản nghiêm túc, gay gắt đặt vấn đề về nguồn vốn metro'

Thông tin trên được Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị Lê Nguyễn Minh Quang chia sẻ trong cuộc họp báo định kỳ ngày 24/5, với nội dung về các dự án metro.

Trưởng ban Lê Nguyễn Minh Quang đang rất lo lắng về tốc độ dải ngân của tuyến metro số 1.

Tiền về chỉ trả nợ là hết

Theo đó, trả lời câu hỏi của báo chí, ông Quang cho biết vốn cho tuyến số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) gồm 2 phần là vốn vay ODA của Nhật Bản và vốn đối ứng của TP.HCM.

“Của TP luôn sẵn sàng, riêng nguồn ODA từ cuối năm 2015, đầu 2016 do thực hiện theo kế hoạch ngân sách trung và dài hạn nên có việc chậm trễ, lượng vốn cũng không còn phân bổ theo tiến độ của dự án như trước kia. Đây là thách thức lớn” – ông Quang cho hay.

Ông đồng ý rằng việc phân bổ vốn cần “có kế hoạch và xác đáng”, và bản thân hàng năm Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đều yêu cầu các tỉnh phải báo cáo về kế hoạch vốn của năm sau.

“Tuy nhiên có nhiều lý do khác nhau nên đến giờ này chúng ta đã chứng kiến việc phân bổ vốn trễ so với nhu cầu” – ông nói.

Vị Trưởng ban quản lý tiếp tục thông tin: “Về vốn của 2017, phải đến ngày 28/4 Văn phòng Chính phủ mới chấp thuận với kế hoạch phân bổ vốn của Bộ KH&ĐT, sau đó Bộ mới chính thức phân cho TP.HCM! Như vậy là đã hết 1 quý.

Trong khi đó nhu cầu của tuyến metro số 1 là khoảng 5.400 tỉ (cho năm 2017) nhưng vừa rồi phân chỉ khoảng 2.100 tỉ. Như vậy, ngoài khoản nợ 600 tỉ mà ngân sách TP đã ứng trước trong năm 2016 cộng với 1.400 tỉ nợ từ đầu năm thì tiền về chỉ dùng để trả nợ là hết”.

Theo ông Quang, Ban quản lý đã chủ động báo cáo vấn đề này với UBND TP, để TP làm việc với các vụ của Bộ KH&ĐT nhằm sắp xếp vốn cho các giai đoạn tiếp theo.

“Hiện TP đã giao Sở KH&ĐT, Ban quản lý và những đơn vị có nhu cầu vốn ODA lớn nhất cùng tập trung làm việc và đề xuất giải pháp với các bộ về nguồn vốn.

Nói đến khó khăn của dự án, ngoài việc an toàn, chất lượng, tiến độ thì chúng tôi đang gặp khó khăn rất lớn về nguồn vốn. Phía Nhật đã đặt vấn đề rất nghiêm túc và gay gắt. Họ đã chuẩn bị vốn cho dự án, hiệp định vay cũng đã có, nhưng giải ngân là thủ tục nội bộ mà chúng ta phải giải quyết. TP đang chỉ đạo rất sát sao, đưa ra giải pháp nhưng hiện việc giải ngân theo tiến độ dự án vẫn chưa được đồng thuận theo tiến độ của các bên liên quan” – ông Quang chia sẻ.

Chưa xác định nơi trả tiền cho dự án metro nối dài

Cũng trong buổi làm việc này, Ban quản lý dự án đã thông tin về việc kéo dài tuyến metro số 1 từ ga Suối Tiên (Thủ Đức) xuống Bình Dương và Đồng Nai.

Theo đó Ban quản lý cho biết Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cam kết sẽ tài trợ vốn cho tuyến đường này với giá trị khoảng 100 triệu USD (tương đương 2.100 tỉ đồng).

Theo đó, từ ga Suối Tiên tuyến metro sẽ kéo dài thêm khoảng 2km đến một nút giao tại Bình Dương, từ nút giao này sẽ tiếp tục chia thành 2 nhánh về Bình Dương và Đồng Nai.

Trước mắt Đồng Nai và Bình Dương đã có văn bản gửi TP HCM đề nghị hỗ trợ thực hiện đoạn đường này. Dự kiến 2 tỉnh sẽ chịu chi phí giải phóng mặt bằng còn kinh phí xây dựng sẽ do TP.HCM xem xét chi trả.

Dù đại diện Ban quản lý cho biết hiện vẫn chưa xác định địa phương nào sẽ chi trả số tiền trên, nhưng ông cho rằng nếu tuyến đường được kéo dài sẽ mang lại lợi ích cho TP như tăng hành khách cho tuyến số 1, giảm áp lực giao thông tại khu vực cửa ngõ TP và “nhiều cái lợi khác”.

“Trong đợt công tác vừa qua của lãnh đạo TP tại Hàn Quốc, Cơ quan hợp tác Hàn Quốc, ngân hàng và các tập đoàn lớn đều bày tỏ quan tâm và đã có thư chính thức đề nghị về việc tham gia nghiên cứu các dự án metro như tuyến số 4, số 5 (giai đoạn 2). Ngày 22/5 Thị trưởng TP Busan và Chủ tịch UBND đã kí văn bản ghi nhớ về việc Busan sẽ tìm tài trợ để xây tuyến monorail số 2 tại TP.HCM” – Giám đốc Ban quản lý dự án metro Bến Thành Suối Tiên

Nguyễn Cường

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/phia-nhat-ban-nghiem-tuc-gay-gat-dat-van-de-ve-nguon-von-metro-post228295.info