Phi công Việt Nam tại Campuchia qua hồi ức Liên Xô

Đây là hồi ức của cựu cán bộ Bộ ngoại giao Liên Xô Igor Ivanov về các phi công Việt Nam.

Hồi ức trong chuyến bay cùng họ trên đất Campuchia từ năm 1979 đăng trên báo “Bình luận quân sự” (Nga). Xin trích dịch lại để giới thiệu cùng bạn đọc. Ảnh và chú thích trong bài là đều của Igor Ivanov.

Mấy dòng ngắn về tác giả: Igor Ivanovich Ivanov làm việc rất nhiều năm trong Bộ ngoại giao Liên Xô (sau là Nga). Rất nhiều lần đi công tác nước ngoài. Hiện là thành viên Liên đoàn phóng viên Matxcova.

Không hiểu sao lũ bò rất sợ các máy bay trực thăng đang bay tới gần . Đặc biệt là nếu sau cần lái là các phi công không còn được tỉnh táo lắm . Ảnh : Reuters

Chuyện này xảy ra cách đây đã lâu, vào năm 1979, tại đất nước Đông Nam Á xa xôi Cămpuchia. Chế độ đáng nguyền rủa Pol Pot và Ieng Sary vừa mới bị lật đổ. Chỉ trong vòng hơn 3 năm, một đất nước phồn vinh đã biến thành một trại tập trung.

Trong số 8 triệu dân chỉ còn 4 triệu người sống sót! Không còn lưu thông tiền tệ vì đó là tàn dư của Hệ tư tưởng tư sản. Chỉ còn hình thức trao đổi hàng hóa theo kiểu cổ điển nhất. Tại các chợ, một hộp thịt hộp có thể đổi được một thùng chuối hoặc quýt nặng không thể khiêng nổi. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, đó là một thảm họa nhân đạo quy mô lớn.

Những người dân địa phương – người Khmer, là một dân tộc không hiếu chiến và cực kỳ thân thiện, hơn nữa, những thử nghiệm khủng khiếp đẫm máu mà chế độ Pol Pot đã thực hiện làm cho họ trở nên e sợ.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi chế độ đó bị lật đổ không phải bằng lực lượng bên trong, mà là từ bên ngoài. Lũ Pol Pot đã trở nên quá trớn và không còn biết trời đất cao đất dày là gì, vì thế đã “gây gổ” với láng giềng Việt Nam.

Chúng hy vọng và tin tưởng rằng “ông anh cả” Trung Quốc sẽ không bao giờ bỏ mặc chúng cho số phận. Nhưng chúng đã tính nhầm.

Hơn 20 năm chiến tranh, mà là cuộc chiến tranh với một đối thủ lõi đời và hùng mạnh như Mỹ đã tôi luyện và làm cho Quân đội Việt Nam trở thành một quân đội rất thiện chiến và rất có tổ chức. Cuối cùng, bè lũ Pol Pot đã đi quá đà, và chỉ trong vòng một tháng Quân đội Việt Nam đã tiêu diệt chế độ đáng nguyền rủa này. Tất cả các trung tâm hành chính chủ chốt đều bị chiếm giữ. Tàn quân Pol Pot bị đánh bật về khu vực rừng rậm sát biên giới với Thái Lan.

Trên đất nước Cămpuchia, chính quyền dân chủ nhân dân được thành lập, các đơn vị Quân đội Việt Nam giúp họ đảm bảo sự ổn định quân sự - chính trị trong giai đoạn đầu xây dựng lại đất nước này.

Quân đội nhân dân Cămpuchia mới được hồi sinh chưa có cả kinh nghiệm chiến đấu lẫn vũ khí trang bị, và vì thế những người anh em Việt Nam của họ đã giúp đỡ tích cực để đảm bảo an ninh.

NHÂN VẬT LỚN CỦA CHÚNG TÔI

Cămpuchia đặt nhiều hy vọng vào sự giúp đỡ của Liên Xô. Công tác cung cấp (cho Cămpuchia) do một phi đội An-12 đóng quân tại Sài Gòn (sau được đổi tên thành thành phố Hồ Chí Minh) đảm nhiệm.

Còn công tác đảm bảo giao thông trong nước (Cămpuchia) do các phi công quân sự Việt Nam sử dụng các máy bay lên thẳng chiến lợi phẩm UH-1 (Chuồn chuồn) của Mỹ thực hiện. “Tài sản thừa kế” mà Quân đội nhân đân (Cămpuchia) nhận được sau khi tiêu diệt chế độ Pol Pot là mấy chiếc tiêm kích MiG-15 trong tình trạng kỹ thuật chỉ thích hợp với chức năng làm hiện vật trong bảo tàng.

Trong bối cảnh như vậy, vào đầu tháng 9 (1979), chiếc tàu Liên Xô đầu tiên chở hàng viện trợ nhân đạo là gạo đã cập một cảng phía Nam Cămpuchia. Ý nghĩa chính trị của sự kiện này khó mà đánh giá hết được bởi vì đây là bước khởi đầu cho một sự giúp đỡ quy mô lớn cho chế độ mới ở Cămpuchia.

Để đánh dấu sự kiện quan trọng này, chính quyền mới tại địa phương nơi có cảng đã tổ chức một cuộc gặp trọng thể. Dĩ nhiên, đại diện Đại sứ quán Liên Xô cũng được mời tới dự.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/ho-so/phi-cong-viet-nam-tai-campuchia-qua-hoi-uc-lien-xo-3339572/