Phí cả thương hiệu

Báo Sài Gòn Giải Phóng ngày 13-10 phản ánh, tại lớp 9/2 Trường THCS KĐ (TP.HCM) có hiện tượng học sinh sợ đến lớp.

Có em kể với cha mẹ rằng, em và các bạn cùng lớp thường xuyên bị “khủng bố” tinh thần vào tiết toán của cô giáo chủ nhiệm. Cô ấy có thể mắng như sau: “Ở nhà, mấy người là con cưng. Còn vô đây không cưng nổi đâu nhé. Mấy người không nghe lời, có ngày tôi làm cho… tiệt giống”. Như thế… chưa là gì, bởi một em còn tiết lộ: “Cô của em chưa phải là người dữ nhất trường, cô giáo được bình bầu kinh khủng nhất là cô giáo của lớp 9/3. Khi đang ngồi học, thỉnh thoảng chúng em vẫn nghe ở lớp bên cạnh vang lên tiếng cô mắng học trò, thậm chí là những cái tát khi học sinh lỡ không thuộc bài, đóng tiền trễ”… Tương tự, nhiều học sinh ở các trường THPT NHT và NCT cũng sợ giáo viên đến mức hết muốn tới trường. Có phụ huynh phải gửi đơn kêu cứu. Thật chẳng vui vẻ gì khi cứ phải nói những chuyện tiêu cực của ngành giáo dục, những chuyện động chạm tới đạo đức nhà giáo, nhất là khi nghề giáo ở ta đang còn phải chịu quá nhiều sức ép: thu nhập thấp, đạo đức học trò xuống cấp, trường lớp quá tải, đòi hỏi của phụ huynh thì ngày một tăng. Vậy mà lúc nào nhà giáo cũng bị đòi hỏi phải dạy tốt, sống mẫu mực, điềm đạm, thậm chí phải… thanh bần. Tuy nhiên, từ xưa đến nay, trong xã hội có lẽ chỉ nghề giáo là ngành được hưởng một “thương hiệu tự thân”. Sức ép phải mẫu mực, điềm đạm, trong sạch kia thực chất cũng là thương hiệu mà tất cả giáo viên đều mặc nhiên được xã hội trao cho. Trong khi ngành giáo dục còn nhiều bất cập, chưa thể cải cách, chúng ta đành chỉ có thể trông đợi mỗi thầy cô cố gắng giữ gìn cho nghề của mình, nếu không thì thật là… phí cả cái thương hiệu.

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20101015114645474p0c1015/phi-ca-thuong-hieu.htm