Phạt xe không chính chủ 2017: 'Nhà tôi có 5 người, đâu đủ dư dả kinh tế…mua 5 chiếc xe'

Cục CSGT vừa khuyến cáo người dân nên làm thủ tục “sang tên đổi chủ” trước ngày 31/12 nếu không sẽ bị xử phạt kể từ ngày 1/1/2017. Tuy nhiên, thông tin này đã gây ra nhiều xôn xao tranh cãi trong dư luận.

Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an cho hay bắt đầu từ ngày 1/1/2017 người dân không sang tên, chính chủ thì sẽ áp dụng điều 30 nghị định 46, cảnh sát giao thông phạt từ 100.000 đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đến 400.000 đồng với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự không làm thủ tục đăng ký sang tên.

Phạt xe không chính chủ từ ngày 1/1/2017 (Ảnh minh họa)

Xe máy vốn là phương tiện giao thông phổ cập ở Việt Nam, bởi vậy trước thông tin này nhiều người cảm thấy hoang mang và lo lắng. “Tôi thắc mắc, trong trường hợp vợ chồng tôi đi mượn xe của nhau thì sao, rồi con cái mượn xe của bố mẹ. Anh em họ hàng mượn đỡ xe của nhau đi một lát cũng bị phạt sao?Tôi nghĩ nếu đã đưa ra quyết định phạt xe không chính chủ thì cũng nên nói rõ là phạt trong trường hợp như thế nào”, anh Quang (45 tuổi, ngụ Phú Nhuận, TP.HCM) cho hay.

Ngoài ra, không ít người cảm thấy “bế tắc” vì “điều kiện kinh tế” không cho phép sắm nhiều xe trong nhà: “Gia đình tôi có 5 người, đâu đủ dư dả kinh tế để mua 5 chiếc xe. Nhà có 2 chiếc, mỗi người có một công việc riêng muốn đi đâu cũng cần phải sắp xếp thời gian hợp lí để đi. Tôi là chủ gia đình nên cả 2 chiếc đều do tôi đứng tên. Trường hợp, vợ hay con tôi lấy xe của tôi chạy ra đường cũng bị phạt sao?”

Cùng chung nỗi khổ “xe không chính chủ”, có người thắc mắc trường hợp “mượn xe” bị phạt cụ thể như thế nào?; “Giả sử, mượn xe của họ hàng hay hàng xóm khi xe cá nhân đó bị hỏng mà cần đi công việc gấp thì phải làm thế nào. Xin nhắc thêm tôi là người nghèo nên không có tiền đi taxi và xe ôm thì không tiện cho công việc. Quy định này tôi thấy không thiết thực và đa số người dân phản đối”.

Thậm chí, có người lắc đầu ngao ngán không biết xử trí ra sao trong trường hợp đi đâu cũng phải …vác xe theo. Theo như anh Vinh, 37 tuổi (Tiền Giang) chia sẻ hiện anh đang công tác tại TP.HCM, theo như quy định thì mỗi lần về thăm quê anh đành phải “vác xe về theo”. Trong khi ở quê có dư xe nhưng vì xe không mang tên của anh.

Có ý kiến cho rằng, ách tắc giao thông đang là vấn đề đáng báo động, trường hợp bắt buộc cá nhân phải đi xe chính chủ thì không thể nào hạn chế sự gia tăng của các phương tiện tham gia giao thông.

Tuy nhiên, một số khác cho rằng việc sang tên đổi chủ là hoàn toàn đúng: "Cả thế giới đều vậy, sao một bộ phận người dân lại phản đối nhỉ?'

Hiện vấn đề này đang gây tranh cãi trong dư luận, còn ý kiến của bạn thì sao?

Người dân khi đi làm thủ tục sang tên đổi chủ cần mang theo hồ sơ gồm; Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của công an cấp xã nơi người đó thường trú; chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe; chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người đứng tên trong giấy chứng nhận đăng ký xe và chứng từ chuyển quyền sở hữu xe của người bán cuối cùng; giấy chứng nhận đăng ký xe.

Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe.

Nếu người đang sử dụng xe không có chứng từ chuyển quyền sở hữu xe, hồ sơ đăng ký sang tên gồm: Giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe có cam kết của người đang sử dụng xe, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của công an cấp xã nơi người đó thường trú; chứng từ nộp lệ phí trước bạ xe; giấy chứng nhận đăng ký xe.

Trường hợp bị mất giấy chứng nhận đăng ký xe phải trình bày rõ lý do trong giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe.

(Dẫn theo Vietnamnet)

K.N

Nguồn PNNews: http://phununews.vn/doi-song/phat-xe-khong-chinh-chu-2017-nha-toi-co-5-nguoi-dau-du-du-da-kinh-temua-5-chiec-xe-94920/