Phạt vi phạm hành chính, thực phẩm bẩn đã giảm hẳn

Lần đầu tiên vi phạm về ATTP đã bị xử phạt nặng và có hiệu quả trong việc giảm thiểu các vi phạm về an toàn thực phẩm.

Trong báo cáo công tác về vấn đề ATTP hiện nay, Cục An toàn thực phẩm (Cục ATTP, Bộ Y tế) nhấn mạnh tới vấn đề xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Đây là lần đầu tiên lĩnh vực ATTP có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính riêng, thay vì phải áp dụng Nghị định xử phạt vi phạm hành chính chung trong lĩnh vực y tế.

Với nghị định này, mức phạt đã tăng lên rất nhiều, tương xứng với từng hành vi và số lượng hàng hóa vi phạm (mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm và 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm), thậm chí nếu mức phạt chưa đủ sức răn đe đối với hành vi vi phạm còn có thể phạt tới 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm, rút giấy phép, công khai tên cơ sở vi phạm.

Lực lượng kiểm tra liên ngành về ATTP. Ảnh: Internet

Từ năm 2011 - 2015 cả nước đã tiến hành thanh, kiểm tra trên 3 triệu lượt cơ sở thực phẩm, số cơ sở vi phạm chiếm khoảng 20%, số tiền phạt khoảng 100 tỷ đồng, ngoài ra còn công khai tên, địa chỉ các cơ sở vi phạm. Việc làm này thể hiện sự quyết liệt của các cơ quan quản lý về ATTP và có ý nghĩa răn đe rất lớn.

Tới nay, hệ thống quản lý vấn đề ATTP đã bước đầu được tổ chức sâu sát tới đời sống người dân. Cơ quan quản lý về ATTP hình thành từ trung ương tới địa phương như trong ngành Y tế có Cục ATTP, các Chi cục, các Khoa ATTP tuyến huyện; trong nông nghiệp có các Cục chuyên ngành ở trung ương, tuyến tỉnh có các chi cục; trong ngành công thương có các Vụ, Cục chuyên ngành và các Sở chuyên ngành ở tuyến tỉnh.

Tháng 9/2015, Chính phủ cũng đã có Quyết định Số 38/2015/QĐ-TTg về thí điểm triển khai thanh tra chuyên ngành ATTP tại quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn của thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở kết quả triển khai sẽ nhân rộng mô hình ra các tỉnh/thành phố.

Nhờ những nỗ lực trong công tác quản lý và hệ thống cán bộ, nhiều vụ việc về ATTP như gia cầm, thủy hải sản nhập lậu, sữa nhiễm khuẩn nhập lậu... đã được giải quyết nhanh chóng.

Bên cạnh những nỗ lực của ngành y tế trong kiểm soát các vấn đề về an toàn thực phẩm, thị trường trong nước cũng tự xây dựng nhiều vùng nguyên liệu an toàn như vùng rau sạch, chăn nuôi an toàn...

Song một thực tế hiện nay là tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm vẫn có nguy cơ cao, đặc biệt là ở các KCN, bếp ăn tập thể.

Quy trình sản xuất mỡ bẩn. Ảnh: Người lao động

Tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật, vi sinh vật trên nông sản là nguyên liệu chế biến thực phẩm còn chiếm tỷ lệ cao. Theo chương trình giám sát 10 tháng đầu năm 2015, tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép trên rau, củ, quả vẫn chiếm khoảng 3 - 5%, (thế giới chỉ 2%), tỷ lệ rau tồn dư hóa chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng lên đến trên 10%, bên cạnh đó còn xuất hiện chất cấm trong chăn nuôi.

Việc kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật, chất kích thích tăng trưởng, buôn lậu qua biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là việc kinh doanh nhỏ lẻ, sản xuất theo mùa vụ, truyền thống chưa đảm bảo các yếu tố về an toàn, sạch...

Cục ATTP xác định, nhận thức chung về ATTP đã được nâng cao song không thể dẹp bỏ ngay được mà phải vận động dần dần. Bên cạnh việc phê phán những tồn tại, yếu kém cần dành thời lượng thích hợp để biểu dương các điển hình tiên tiến, nếu chỉ tập trung phê phán những tồn tại, yếu kém mà không phản ánh những thành tựu đã đạt được thì không phản ánh đúng bức tranh về ATTP ở Việt Nam, gây hoang mang dư luận xã hội, ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế, đặc biệt là xuất khẩu.

Cục ATTP đề xuất Bộ NN&PTNT tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý sử dụng trong chăn nuôi. Đối với Bộ Công thương, tăng cường công tác kiểm soát thực phẩm nhập lậu qua biên giới và hàng giả, hàng nhái trên thị trường.

Cục ATTP cũng đề nghị đẩy mạnh phối hợp liên ngành nhất là các tổ chức chính trị - xã hội như: Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, ... trong công tác vận động, tuyên truyền bảo đảm ATTP.

Cúc Phương

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/bao-ve-nguoi-tieu-dung/phat-vi-pham-hanh-chinh-thuc-pham-ban-da-giam-han-3323004/