Phát triển thuốc ngừa bệnh sốt nhiệt đới từ nước bọt của muỗi

Theo Zee News, các nhà khoa học thường xuyên tìm kiếm các phương pháp có thể giúp chặn đứng sự lây lan của các bệnh sốt nhiệt đới như sốt xuất huyết và sốt Chikungunya.

Và một phát hiện mới đáng ngạc nhiên là trong nước bọt của loài muỗi Aedes aegypti có protein D7 gắn liền với virus gây sốt xuất huyết. Và chính nhờ protein này mà có thể ngăn chặn việc truyền virus vào tế bào người và chuột.

Hai mặt của vấn đề này là ở chỗ: khi bị muỗi đốt, kháng thể đối với protein D7 xuất hiện ở người lại giúp dễ dàng truyền virus và làm cho bệnh trầm trọng. Đến lượt mình, các protein dạng D7 được coi là giúp cho muỗi hút máu. Các nhà khoa học đã so sánh các con muỗi bị nhiễm virus gây sốt xuất huyết và những con không bị nhiễm virus. Kết quả thấy khi bị lây nhiễm virus thì nồng độ protein D7 cao trong tuyến nước bọt của muỗi.

Tiếp theo các nhà khoa học quyết định đưa protein D7 vào tế bào trước khi lây nhiễm hoặc trong thời gian có tiếp xúc với virus gây bệnh sốt xuất huyết. Hóa ra điều đó làm giảm đáng kể nồng độ RNA của virus tại vị trí đưa virus vào và trong các hạch bạch huyết.

Điều đó có nghĩa là protein D7 thay đổi cả tế bào của người chủ lẫn tác động tới bản thân virus để ngừng sự lây nhiễm hoặc sự sinh sôi của virus.

Như vậy, protein D7 có thể trực tiếp gắn kết với virus thông qua protein vốn là màng bao bọc virus. Protein D7 có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh. Điều đó được chứng minh qua việc ở những người có tiếp xúc với muỗi có rất nhiều kháng thể đối với D7. Đây là điều không hay ho gì vì một mặt, kháng thể ngăn cản muỗi hút máu, nhưng mặt khác lại giúp vào việc truyền virus.

Nhà nghiên cứu Michael Conway giải thích rằng phát hiện trên sẽ giúp tìm ra các phương pháp điều trị mới cũng như giúp hướng tới tạo ra vắc xin ngừa bệnh.

Vũ Trung Hương

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/khoa-hoc-cong-nghe-c-68/cong-nghe-cuoc-song-c-104/phat-trien-thuoc-ngua-benh-sot-nhiet-doi-tu-nuoc-bot-cua-muoi-43771.html