Phát triển tài sản trí tuệ, doanh nghiệp mới có lợi thế cạnh tranh

Không chỉ có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, phát triển tài sản trí tuệ còn là động lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo.

Ngày 3/11, Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) TP.HCM phối hợp với Viện khoa học Sở hữu trí tuệ và Trung tâm Quốc gia về đào tạo và Thông tin sở hữu công nghiệp Nhật Bản đã tổ chức buổi hội thảo “Hiệu quả thương mại hóa tài sản trí tuệ”.

Đây là dịp để các bên đánh giá lại hiện trạng sở hữu trí tuệ của nước ta thời gian qua. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm của các doanh nghiệp có nhiều thành công khi ứng dụng sở hữu trí tuệ vào trong thực tiễn sản xuất.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Việt Thanh, Thứ trưởng Bộ KH&CN đánh giá, sở hữu trí tuệ hiện có vai trò hết sức quan trọng, là động lực cho phát triển kinh tế xã hội của mỗi đất nước.

Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, Chính phủ cũng đã nêu rõ “ phát triển khoa học công nghệ thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững”. Đồng thời, cần phải “tập trung phát triển và khai thác tài sản trí tuệ”.

Ban tổ chức trao giấy chứng nhận cho các quản trị viên tài sản trí tuệ

Theo ông Thanh, thực tiễn trong quá trình sản xuất đã khẳng định, việc phát triển tài sản trí tuệ không chỉ mang lại lợi thế cạnh tranh, uy tín và lợi ích kinh tế nhiều mặt cho doanh nghiệp, mà trên bình diện vĩ mô còn là động lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đầu tư, góp phần tạo ra năng lực nội sinh và phát triển kinh tế bền vững.

Tài sản trí tuệ là một hàng hóa đặc biệt và chủ yếu trong thị trường KH&CN. Để phát triển tài sản trí tuệ thì không thể thiếu hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ, và các hoạt động này không thể tách rời hoạt động quản trị tài sản trí tuệ.

Không những thế, quản trị tài sản trí tuệ còn phải trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh và gắn liền với hoạt động đổi mới, sáng tạo, đầu tư, sản xuất, thương mại... của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Trần Việt Thanh, trong những năm qua, Bộ KH&CN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển thị trường KH&CN. Trong đó, chú trọng tới việc hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành các hoạt động thương mại hóa tài sản trí tuệ nhằm đạt được những hiệu quả cao nhất. Đồng thời, thúc đẩy công tác đào tạo quản trị tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp, tổ chức KHCN và coi đó là nhiệm vụ mang tính cấp bách, lâu dài.

Cũng tại buổi lễ, BTC chương trình đã trao giấy chứng nhận cho các quản trị viên tài sản trí tuệ do Viện khoa học Sở hữu trí tuệ và Sở KH&CN TP.HCM đào tạo năm 2016.

Thiện An

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/phat-trien-tai-san-tri-tue-de-co-loi-the-canh-tranh-c7a464248.html