Phát triển kinh tế tư nhân: Từ cởi trói đến kiến tạo phát triển

Xóa mọi định kiến, rào cản để kinh tế tư nhân phát triển -Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh như vậy tại phiên bế mạc Hội nghị T.Ư 5 Khóa XII vừa qua.

Chuyên gia kinh tế -TS Hoàng Xuân Nghĩa (Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội)

Về vấn này, chuyên gia kinh tế -TS Hoàng Xuân Nghĩa (Viện Nghiên cứu Kinh tế Xã hội Hà Nội) bày tỏ: Cần tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển ở tất cả các ngành và lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Đồng thời cần định hướng, khuyến khích kinh tế tư nhân đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng phát triển bền vững.

Yêu cầu tất yếu

Từ sau Đại hội XII đến nay, các cơ quan T.Ư đã quan tâm đáng kể đối với vấn đề DN, khởi nghiệp, kinh tế thị trường và kinh tế tư nhân, vì sao lại có sự thay đổi quan điểm từ kinh tế nhà nước (KTNN) sang kinh tế tư nhân (KTTN) như vậy?

- Trước giờ, chính sách của Việt Nam là khu vực DNNN đóng vai trò chủ đạo, bây giờ thì KTTN được xác định có vai trò quan trọng, đó là sự chuyển hướng về nhận thức và hành động, khẳng định đóng góp của KTTN. Đấy còn là sự chuyển biến dần dần tiến tới nền kinh tế thị trường, một hướng đi đúng, tạo động lực quan trọng để nâng cao tính cạnh tranh, tính độc lập, tự chủ.

KTTN đóng vai trò mạnh mẽ, nhưng thách thức hiện hữu là số DN nhỏ, siêu nhỏ đang hình thành và phát triển, song hoạt động rất mong manh trong bối cảnh hội nhập chưa chuyên nghiệp, chủ yếu mang tính chất gia đình, trình độ công nghệ thấp, lạc hậu. Như vậy nếu không khắc phục được sẽ là yếu điểm nghiêm trọng trong hội nhập quốc tế, do đó phải phát triển khu vực KTTN để tăng nội lực cho nền kinh tế. Ví dụ nước Mỹ khoảng hơn 300 triệu dân, có 20 triệu DN, có nghĩa bình quân 14 người dân Mỹ có 1 DN. Nhật Bản 6,5 triệu DN với gần 100 triệu dân, tức 15 người có 1 DN. Còn tại Việt Nam, số liệu thống kê hiện khoảng 600.000- 700.000 DN với 90 triệu dân có nghĩa 160 người dân mới có 1 DN.

Giai đoạn vừa qua có định hướng xem tất cả mọi thành phần kinh tế là của đất nước, cần được đối xử như nhau. Nay, nếu định hướng KTTN là động lực chủ yếu, vậy có thể hiểu KTTN sẽ được “ưu ái” hơn các thành phần kinh tế còn lại không? Nói như vậy có nghĩa sẽ không cần đến DNNN nữa?

- Không hoàn toàn như vậy, không có nghĩa là ưu đãi tư nhân hơn mà quan trọng là được đối xử như nhau, minh bạch bình đẳng. Trước kia có sự bất bình đẳng giữa khu vực KTTN và KTNN. Trong tư duy, KTTN vẫn chỉ là thứ yếu và chưa được coi trọng. Khi áp dụng những chính sách hỗ trợ, chưa thực sự đi sâu vào đối tượng tham gia vào khu vực KTTN, chưa có sự phân tách rõ, do đó việc hỗ trợ không phát huy được hiệu quả như Chính phủ đã đề ra.

Ngay cả khu vực KTTN, không phải mọi bộ phận trong KTTN đều bị phân biệt đối xử. Những đại gia có thể có những mối quan hệ đặc biệt nào đó vẫn nhận được sự ưu ái, những DN nhỏ, vừa, yếu thế trong khu vực KTTN thì bị phân biệt đối xử. Do đó tôi cho rằng, xác định mọi thành phần kinh tế được đối xử bình đẳng như nhau cả khu vực Nhà nước, nước ngoài và tư nhân.

Nói là ưu ái nhưng hỗ trợ DN tư nhân cũng không phải là Nhà nước làm thay mà là hỗ trợ về chính sách, nền tảng để DN tư nhân phát triển. Các cải cách, thiết chế pháp lý phải đảm bảo DN có thể yên tâm hoạt động trong môi trường kinh doanh an toàn, quyền và lợi ích được đảm bảo.

KTTN phải là động lực chủ yếu, đảm bảo phát triển bền vững, tự chủ của Việt Nam. Còn vai trò của Nhà nước là tạo ra môi trường, sân chơi, luật chơi, làm trọng tài. Vậy, ông đánh giá như thế nào về một Chính phủ mới kiến tạo, hành động hiện nay? Cách làm này có đi sát với mục tiêu phát triển KTTN thành động lực chủ yếu?

- Chính phủ nhiệm kì mới đã có những chuyển biến tích cực, số lượng DN mới đến nay tăng trên 17%, số DN hoạt động trở lại cũng tăng lên. Hai năm gần đây thì gần như là tất cả những công trình lớn đều được Chính phủ ưu tiên cho các tập đoàn tư nhân lớn.

Tiếng nói của doanh nhân về khởi nghiệp; sáng tạo gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; DN liêm chính; phát triển bền vững và môi trường, xây dựng thương hiệu, nông nghiệp công nghệ cao và các vấn đề quan trọng khác. Chính phủ đề ra cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, chính phủ kiến tạo, hành động… Những chính sách đó đã làm DN ấm lòng song quan trọng là thực thi thế nào. Chúng ta phải thừa nhận rằng cải cách thể chế vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DN. Thủ tục hành chính trong nhiều lĩnh vực như thuế, hải quan mặc dù đã có tiến bộ nhưng vẫn còn lạc hậu so với chuẩn mực chung của thế giới.

Vậy để thúc đẩy phát triển KTTN, Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong thời gian tới cần làm những gì và có thêm những bước đột phá như thế nào?

- Để hỗ trợ phát triển khu vực KTTN đã có nhiều chủ trương, chính sách được ban hành. Tuy nhiên, Chính phủ cần ban hành chính sách hướng đến phát triển DN tư nhân như: Khuyến khích áp dụng công nghệ và nuôi dưỡng đổi mới sáng tạo. Phát triển kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực để nâng cao tính sẵn sàng về công nghệ cho khu vực tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp; Thiết lập nền quản trị quốc gia tốt, thực hiện Chính phủ liêm chính, kiến tạo và phục vụ phát triển, xây dựng hệ thống dịch vụ công hiệu quả. Bộ máy hành chính xây dựng có trách nhiệm giải trình đối với công chúng, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của vấn đề lợi ích nhóm đối với chính sách.

Đẩy mạnh quá trình thoái vốn, sắp xếp lại, cổ phần hóa DN quốc doanh nhằm nâng cao tính hiệu quả cho khu vực DN này; Tạo sự bình đẳng cho các loại hình DN khi kinh doanh trên thị trường Việt Nam; Thúc đẩy việc đầu tư phát triển công nghệ mới; Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề; Hỗ trợ các DN tư nhân lớn trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu…

DN cũng phải phát huy

Thưa ông, giới doanh nhân tư nhân cho rằng, cần làm rõ Việt Nam sẽ tập trung lĩnh vực mũi nhọn nào, phát triển và hành động cụ thể ra sao? Ông nhận xét gì về tình hình thực tế kinh tế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, và trong thời gian tới cần tính toán chọn những lĩnh vực mũi nhọn nào?

- Hơn 80% DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Chỉ có hơn 10% DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp và khoảng 1% DN đầu tư, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong khi đó Việt Nam có lợi thế về nông nghiệp, nhưng đến nay bình quân giá trị sản phẩm nông nghiệp trên 1 ha rất thấp. Việt Nam có lợi thế phát triển du lịch, nhưng du lịch của ta còn quá ít, cũng thấp xa so với nhiều nước có điều kiện kém hơn ta nhiều. Để đất nước có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững cần lựa chọn đúng các ưu tiên trong chiến lược phát triển là loại công việc quan trọng hàng đầu.

Nước ta có những lợi thế đáng kể để phát triển thành một trung tâm du lịch lớn của khu vực và thế giới; một nền nông nghiệp công nghệ cao; phát triển công nghệ thông tin (sản xuất phần mềm và dịch vụ); Một số ngành công nghiệp phụ trợ. Việc lựa chọn cơ cấu ngành trong chiến lược kinh tế là hết sức quan trọng lựa chọn đúng các ưu tiên trong chiến lược phát triển ngành và tích cực thực hiện nó là loại việc quan trọng hàng đầu trong tái cơ cấu nền kinh tế nước nhà.

Nhà nước phải xây dựng một chiến lược quốc gia, tuy vậy chỉ đưa ra một định hướng, tầm nhìn để DN dựa vào đó phát triển, còn cụ thể thế nào vẫn phải là thị trường, DN thấy gì có lợi, cái gì làm được thì họ sẽ làm.

Ông đánh giá như thế nào về thực trạng DN tư nhân hiện nay? Về phía các DN cần làm gì?

- Như tôi đã nói, DN tư nhân của ta vẫn còn yếu, các DN phải đặt chiến lược kinh doanh của mình trong một chiến lược kinh doanh dài hạn. Đây cũng là cơ hội lớn để các doanh nhân nêu tiếng nói của mình đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước, từng bước nâng cao vị thế của giới doanh nhân trong cộng đồng xã hội và trên bình diện quốc tế.

Doanh nhân Việt Nam cần nhanh chóng học hỏi, nâng cao trình độ, tuân thủ mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, kinh doanh bền vững gắn trách nhiệm với cộng đồng và xã hội, tuân thủ liêm chính để sẵn sàng hội nhập và vẻ vang sánh vai với giới doanh nhân ở các nước phát triển khắp năm châu trong thời gian tới.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phat-trien-kinh-te-tu-nhan-tu-coi-troi-den-kien-tao-phat-trien-287873.html