Phát triển kinh tế rừng từ giống keo cho năng suất chất lượng cao

Một số giống keo tai tượng xuất xứ Pongaki và Cardwell; Keo lai BV33, BV75, TB1, TB11... được các chuyên gia của Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chuyển giao cho bà con trồng rừng đã đem lại năng suất, chất lượng tốt, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Dự án “Mô hình thâm canh rừng kinh tế bằng một số giống keo tai tượng (xuất xứ Pongaki và Cardwell); Keo lai BV33, BV75, TB1, TB11” do PGS-TS. Triệu Văn Hùng làm Chủ nhiệm, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam chủ trì, được thực hiện trong 03 năm (2014 – 2016) với mục tiêu đẩy nhanh chuyển giao các giống mới vào thâm canh, nâng cao năng suất và sản lượng gỗ khai thác, nâng cao hiệu quả kinh tế lâm nghiệp.

Điểm mới của dự án khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp này là được cơ quan chủ trì – Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thành lập Ban chỉ đạo để giúp chủ nhiệm dự án quản lý và thực hiện các nhiệm vụ chỉ đạo điều hành dự án theo đúng nội dung và tiến độ được phê duyệt.

Một số giống Keo tai tượng (xuất xứ Pongaki và Cardwell); Keo lai BV33, BV75, TB1, TB11 ... cho năng suất chất lượng cao

Theo đó, dự án huy động nguồn nhân lực, trí tuệ của đơn vị chủ trì, các đơn vị phối hợp, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh vùng dự án, các cấp chính quyền và người dân địa phương để thực hiện các nội dung của dự án.

Các mô hình trình diễn của Dự án được thực hiện tại 18 địa phương thuộc 03 vùng: gồm Miền núi phía Bắc: Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Tuyên Quang; Miền Trung: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên; Tây Nguyên: Gia Lai, Kon Tum. Quy mô trồng 1.860 ha với khoảng 1.860 hộ gia đình tham gia vào mô hình trình diễn.

Qua hơn 1 năm triển khai dự án, phần lớn các hộ dân tham gia xây dựng mô hình trình diễn ở các địa phương đều đánh giá cao về khả năng sinh trưởng và phát triển của các giống keo mới. Đặc biệt là khă năng thích nghi với điều kiện thời tiết và kháng sâu bệnh tốt.

Các dòng Keo lai năng suất có thể đạt từ 15 – 35 m3/ha/năm tùy theo vùng có lập địa. Dòng keo tai tượng xuất xứ Pongaki và xuất xứ Cardwell cho năng suất đạt từ 20-25m3/ha/năm trên các lập địa tốt ở vùng Đông Nam Bộ, trong khi đó năng suất của rừng trồng keo bình thường chỉ đạt 12-15m3/ha/năm (Bộ NN&PTNT, 2013).

Dự án đặt mục tiêu đưa năng suất các giống keo trồng đạt bình quân 20m3/ha/năm, ước tính sau 1 chu kỳ khai thác (7 năm) với 1.860 ha sản lượng đạt được tương đương 260.400 m3, năng suất tăng tối thiểu 20% so với giống đại trà.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế của các giống keo mới được đưa vào mô hình trình diễn, PGS-TS. Triệu Văn Hùng, Chủ nhiệm dự án nhận định, mô hình thâm canh rừng kinh tế bằng một số giống keo tai tượng và keo lai được nhân rộng trên địa bàn các tỉnh, là cơ sở để khai thác tốt điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội của các tỉnh.

Dự án “Mô hình thâm canh rừng kinh tế bằng một số giống keo tai tượng do PGS-TS. Triệu Văn Hùng làm Chủ nhiệm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người trồng rừng.

Thông qua dự án, trồng rừng thâm canh cây gỗ lớn trở thành một ngành lâm nghiệp có triển vọng, tạo ra hàng hóa lâm sản của các tỉnh, có tính cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Dự án cũng tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, góp phần ổn định xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn vùng cao theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, công tác đào tạo của dự án về định hướng chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành gỗ lớn phục vụ chế biến đồ mộc bước đầu nâng cao nhận thức cho người dân đối với việc thực hiện Đề án phát triển ngành lâm nghiệp với mục tiêu tăng giá trị gia tăng sản phẩm từ rừng.

Theo ông Trần Văn Minh - cán bộ lâm nghiệp, cùng tham gia trồng hơn 1 ha keo tai tượng xuất xứ Pongaki tại xã Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, Nghệ An cho biết, các cán bộ kỹ thuật của dự án thường xuyên bám sát hiện trường để hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nên việc bón phân và trồng cây đảm bảo các kỹ thuật yêu cầu; cây trồng vào tháng 8 đến nay đã cao được từ 1 – 1,2 m, trong khi các hộ khác, không nằm trong dự án, trồng keo bằng các giống bán tại địa phương chỉ cao được khoảng 0,8 m.

"Hiện nay tại địa phương 1 tấn gỗ keo bán được khoảng 800 – 900 nghìn đồng và 1 ha keo trồng sau 7 năm (1 chu kỳ) bán được khoảng trên dưới 60 triệu đồng. Bà con nhân dân trong xã rất mong sang năm lại được tiếp tục dự án hỗ trợ để trồng rừng bằng giống keo này, địa phương cũng rất mong khi dự án kết thúc vào năm 2016 nhà nước tiếp tục có hỗ trợ để phát triển rừng đạt tiêu chuẩn gỗ lớn”, ông Minh cho biết thêm.

Còn theo ông Bùi Đức Thanh(Mãn Đức, Tân Lạc, Hòa Bình) - hộ gia đình tham gia trồng 2 ha Keo tai tượng xuất xứ Pongaki và Cardwell cho biết, năm nay mưa ít, việc trồng rừng muộn (đến tháng 9 mới triển khai) tuy nhiên chỉ sau 3 tháng trồng, cây mọc rất tốt, chiều cao cây đạt 75cm trong khi các giống cùng loại chỉ đạt 60cm. Đặc biệt, tốc độ phát triển nhanh và không phát hiện sâu bệnh gây hại.

“Nếu trồng thử nghiệm thành công, gia đình tôi và các hộ dân khác mong sớm được chuyển giao giống và kỹ thuật để mở rông diện tích trồng đại trà”, ông Thanh nói.

Theo các chuyên gia, với đặc thù là loài cây có chu kỳ kinh doanh ngắn (trung bình từ khi trồng đến khai thác khoảng 6 đến 7 năm), gỗ có thể phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau như làm nguyên liệu cho công nghiệp giấy, ván dăm, ván dán cao cấp, gỗ xẻ dùng trong xây dựng và xuất khẩu,... các giống keo lai, keo tai tượng cho năng suất và giá trị kinh tế vượt trội so với rừng trồng các loài cây thông thường.

Ngoài việc cho năng suất gỗ cao, các dòng Keo lai, Keo tai tượng còn có một số ưu điểm nổi bật là khả năng chống chịu với sâu bệnh hại tốt hơn, chất lượng gỗ cao hơn và ít cành nhánh hơn. Việc đưa loài cây này vào thâm canh quy mô lớn còn có ý nghĩa cải tạo hệ sinh thái rừng, cải thiện tiểu khí hậu, đất đai nơi trồng, che chắn hạn chế dòng chảy, trả lại một lượng cành khô lá rụng cho đất.

Bài, ảnh: Hoàng Phiêu

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/phat-trien-kinh-te-rung-tu-giong-keo-cho-nang-suat-chat-luong-cao-d48834.html