Phát triển hợp tác chuyển giao công nghệ giữa trường ĐH và ngành công nghiệp

Ngày 2/11, tại Hà Nội đã khai mạc Diễn đàn khu vực về quan hệ hợp tác giữa trường Đại học – ngành công nghiệp nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ. Đây là sự kiện do Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và Cơ quan sáng chế Nhật Bản (JPO) tổ chức, với sự tham dự của 11 quốc gia Châu Á và các chuyên gia đến từ nhiều nước trên thế giới.

Với mục tiêu xác định rõ những thách thức trong việc thiết lập và quản lý hệ thống chuyển giao công nghệ , đồng thời tìm ra những mô hình khác nhau cho sự hợp tác nghiên cứu giữa trường đại học và ngành công nghiệp , các chuyên gia giàu kinh nghiệm từ WIPO , JPO và 11 quốc gia trong khu vực sẽ cùng nghiên cứu, thảo luận và đưa ra những giai pháp tối ưu nhất cho vấn đề này. Đây cũng là cơ hội hữu ích cho các nhà hoạch định chính sách , quản lý sở hữu trí tuệ , các trường đại học , các ngành công nghiệp Việt Nam và khu vực trao đổi quan điểm về các biện pháp cần thiết để bắt đầu và duy trì chuyển giao công nghệ , đặc biệt là công nghệ xanh.

Theo ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ: Tại Việt Nam, quan hệ đối tác giữa các trường đại học và ngành công nghiệp đã được thành lập trong một thời gian dài và tồn tại dưới các hình thức khác nhau như: Chia sẻ thông tin KH&CN, hợp tác trong nghiên cứu, tổ chức các sự kiện KH&CN. Tuy vậy, do một số yếu tố khách quan như : khung pháp lý còn yếu, thiếu các sản phẩm có tính sáng tạo và năng lực hạn chế của các bên liên quan nên việc chuyển giao công nghệ từ các trường đại học cho ngành công nghiệp theo các hình thức thương mại hóa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, trong những năm qua Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt văn bản chính sách như: Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ và đặc biệt là Luật Sở hữu trí tuệ nhằm thúc đẩy thương mại hóa chuyển giao công nghệ giữa các trường đại học và ngành công nghiệp. Trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ có kế hoạch thành lập một Trung tâm Hỗ trợ Phát triển tài sản sở hữu trí tuệ đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc với những nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Hỗ trợ, tư vấn, khai thác thông tin, bằng sáng chế, thương mại hóa công nghệ... cho các doanh nghiệp, các c ơ quan KH&CN và trường đại học.

Theo Phó tổng Giám đốc WIPO, ông Geoffrey Onyeama: Trên thế giới, trường đại học là nơi khởi nguồn chính của hầu hết các ý tưởng , chiếm một vai trò rất lớn và đầy tiềm năng trong đổi mới nâng cao công nghệ . Đó như một máy phát điện chính của ngành KH&CN, chuyên nghiên cứu , cung cấp nguồn nhân lực, các cơ hội nghiên cứu và phân tích , nuôi dưỡng sự sáng tạo KH&CN.

Ngày càng nhiều quốc gia công nhận đóng góp của các trường đại học đối với ngành KH&CN. Một số quốc gia như Bra xin , Trung Quốc, Đan Mạch, Kenya, Nhật Bản, Đức, Na Uy, Thái Lan, Vương quốc Anh, Mỹ đã thiết lập những bộ khung pháp lý đối với lĩnh vực sở hữu trí tuệ cho phép các trường đại học giữ lại quyền pháp lý từ các kết quả nghiên cứu được tài trợ công

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/khcn/2011/11/159090.cand