Phát triển du lịch làng nghề: Nói dễ hơn làm

GD&TĐ - Trong những năm gần đây, mặc dù đã có bước phát triển đáng ghi nhận, du lịch làng nghề ngày càng đóng góp tích cực hơn so với tỷ trọng các loại hình du lịch khác, tuy nhiên du lịch làng nghề Việt Nam còn phát triển manh mún, tự phát, là bức tranh lắp ghép rời rạc, chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có cũng như bề dày lịch sử hàng trăm năm.

Lắm tiềm năng, nhiều hạn chế

Phát triển làng nghề gắn với du lịch là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới. Việt Nam cũng nhận thức được điều này, nên cách đây hơn 10 năm, định hướng phát triển du lịch làng nghề được đặt ra như một hướng đi của làng nghề. Từ khi chưa sáp nhập vào Hà Nội, Hà Tây là tỉnh có nhiều làng nghề nhất, du lịch gắn kết với làng nghề trở thành hoạt động thường xuyên; tại những kỳ hội chợ, nhiều làng nghề đã có cơ hội ký hợp đồng xuất khẩu (XK) tại chỗ mang lại giá trị cao.

Các tỉnh Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng... đã chọn hình thức xây dựng các trang web giới thiệu làng nghề, tạo cơ hội quảng bá thương hiệu và sản phẩm để kích cầu loại hình du lịch làng nghề. Tại Bến Tre, từ những năm 2000 đến nay, mô hình du lịch sinh thái sông nước kết hợp tham quan làng nghề truyền thống đã phát triển mạnh trong suốt tiến trình phát triển du lịch ở xứ dừa Bến Tre…

Nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên thực tế cũng cho thấy du lịch làng nghề nước ta còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Theo ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hạn chế nổi lên hàng đầu hiện nay là vấn đề thiếu tính chiến lược lâu dài. Nguồn nhân lực chuyên nghiệp cho du lịch tại các làng nghề còn thiếu và yếu hầu như không được chú ý từ các cấp, bản thân làng nghề chưa có kỹ năng khai thác giá trị du lịch làng nghề, các sản phẩm làng nghề tuy nhiều, phong phú nhưng sức cạnh tranh kém, ít sản phẩm có thương hiệu mang tầm quốc gia và quốc tế.

Ông Dần cho rằng, du lịch làng nghề phần lớn vẫn mang tính tự phát như là những “làn điệu” với nhưng cung bậc khác nhau, thiếu một “nhạc trưởng”, tổng chỉ huy cho chương trình. Chính vì tự phát nên hiệu quả chưa cao, du khách thường chỉ đến một lần mà không muốn đến lần thứ hai.

Cần có chiến lược cụ thể và đồng bộ

Nhiều địa phương chưa có chủ trương cơ chế chính sách phù hợp để phát triển du lịch làng nghề, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ hỗ trợ không bảo đảm cho du lịch. Ở nhiều làng nghề nổi tiếng như Phú Xuyên, Đa Sỹ, Phú Vinh, Sơn Đồng, Hoài Đức... cơ sở hạ tầng xuống cấp trầm trọng, đường vào làng vẫn chưa hoàn thiện.

Đặc biệt môi trường nhiều làng nghề bị ô nhiễm trầm trọng, hệ thống thoát nước xả và xử lý chất thải rất kém, tự phát manh mún, đổ quanh ngay nơi sinh hoạt của cộng đồng. Rất ít nơi có hệ thống bể lọc và áp dụng khoa học kỹ thuật theo đúng quy trình. Nhiều nơi cho chảy ra sông suối. Một số làng nghề chế biến thực phẩm bị ô nhiễm không khí, mùi hôi thối, nồng nặc, ruồi nhặng bám ngay từ cổng làng.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, các sản phẩm còn quá đơn điệu, chưa tính đầy đủ tới nhu cầu của thị trường, đặc biệt là thị hiếu của khách du lịch. Do vậy, nên dù có tới hơn 5.000 làng nghề, trong đó nhiều sản phẩm nghề có lịch sử phát triển hàng trăm năm thế nhưng sản phẩm du lịch làng nghề của Việt Nam vẫn chưa tự mình làm nên thương hiệu.

Theo các chuyên gia, phát triển du lịch làng nghề là cả một sự chuyển hướng quan trọng cần xác định cụ thể hơn tính chất làng nghề địa lý, văn hóa, phong tục bởi trong du lịch cũng có nhiều loại hình, kết nối, lồng ghép với các loại hình này như thế nào. Cần bổ sung rà soát lại nhiều văn bản liên quan đến các hoạt động du lịch làng nghề. Không ít văn bản hiện nay thiên về việc tăng cường quản lý Nhà nước mà quên mất đến sự phát triển của đất nước nói chung, của làng nghề và du lịch làng nghề nói riêng.

Đặc biệt, để du lịch làng nghề phát triển, cần sự vào cuộc của nhiều bên và có quy hoạch, xây dựng chiến lược phát triển trong điều kiện hội nhập. Ngoài ra, các làng nghề cần có những phòng trưng bày hoặc những bảo tàng nhỏ của làng xã, giới thiệu về sản phẩm và quá trình hình thành, phát triển của cộng đồng, xuất xứ của sản phẩm và sự thay đổi mẫu mã qua các giai đoạn, những câu chuyện xung quanh những sản phẩm... để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, Nhà nước và các cấp bộ, ngành cũng không thể đứng ngoài cuộc như đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Bởi hệ thống giao thông liên xã, huyện, tỉnh là những công việc ngoài tầm với của cộng đồng các làng nghề, nhưng lại có tính quyết định cho việc phát triển du lịch làng nghề. Ngoài ra, để bảo vệ môi trường cần có chính sách hạn chế những nghề gây ô nhiễm tại các làng nghề...

Hiện cả nước có 5.096 làng nghề và làng có nghề trong đó có 1.748 làng nghề đã được công nhận, trên 400 làng nghề truyền thống với hơn 53 nhóm nghề trong đó rất nhiều làng nghề có lịch sử phát triển hàng trăm, hàng nghìn năm như tơ lụa Vạn Phúc, đồng Ngũ Xã, gốm Chu Đậu, gỗ mỹ nghệ Sơn Đồng, thêu Quất Động, đúc Huế... Riêng Thủ đô Hà Nội có 1.350 làng nghề đã được công nhận, hàng trăm làng nghề, phố nghề truyền thống. Tuy nhiên, hoạt động du lịch làng nghề ở nước ta hiện vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế cần khắc phục.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/phat-trien-du-lich-lang-nghe-noi-de-hon-lam-2470537-b.html