Phát triển chăn nuôi đại gia súc ở các tỉnh miền núi phía bắc

Nhờ nuôi bò, gia đình ông Mùa Mí Sèo ở thị trấn Mèo Vạc (Hà Giang) đã thoát nghèo, từng bước làm giàu. Ảnh: AN THÀNH ĐẠT

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xây dựng nông thôn mới, các tỉnh đang thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh sản xuất, đưa chăn nuôi đại gia súc chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp...

Tiềm năng và lợi thế

Tại Hội nghị bàn về phát triển chăn nuôi đại gia súc hàng hóa tổ chức tại Hòa Bình, Cục chăn nuôi cho biết, các tỉnh thuộc khu vực miền núi phía bắc có tổng đàn trâu chiếm 58,8%, đàn dê chiếm 34,8% và đàn ngựa chiếm 88,6% tổng đàn của cả nước. Tổng sản lượng thịt đạt khoảng hơn 500 nghìn tấn/năm. Đây là khu vực có tiềm năng và vai trò lớn trong phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa của cả nước.

Anh Đặng Văn Pu, ở thôn Khuổi Phây, xã Nghiên Loan (Pác Nặm, Bắc Cạn) có bốn con bò được nuôi theo hình thức bán chăn thả, đến mùa vụ thì nuôi nhốt, thu hoạch xong ngô, lúa lại thả tự nhiên trên nương rẫy. Mới mua thêm một con bò đực gầy giá 15 triệu đồng về nuôi vỗ béo, đến gần Tết sẽ bán được khoảng 20 triệu đồng, như thế là chỉ trong vài ba tháng, anh Pu có thể lãi năm triệu đồng. Con bò cái của gia đình anh Pu đều đặn ba năm đẻ hai con, một con bê sinh ra nuôi hai năm bán được khoảng 15 triệu đồng mà không phải mất tiền đầu tư, chỉ bỏ công cắt cỏ trong những tháng nuôi nhốt. Ở Pác Nặm, nhiều gia đình nuôi bò sinh sản, mang lại thu nhập khá.

Anh Trần Hồng Thanh, quê ở Kiến An (Hải Phòng), tốt nghiệp Đại học Hàng hải, lấy vợ là người đang ở Lào Cai. Thấy quê vợ đất đai rộng, giàu nguồn cỏ tự nhiên thuận lợi cho chăn nuôi gia súc ăn cỏ, vậy là anh quyết chí rời quê vùng biển, lên núi lập trang trại nuôi trâu, bò, dê... tại thôn Phú Hà, xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng (Lào Cai). Đây là trang trại nuôi nhốt gia súc theo quy mô bán công nghiệp lớn nhất ở Lào Cai, với hàng trăm đầu trâu, bò, dê, ngựa... Trưởng Phòng kinh tế huyện Bảo Thắng Nguyễn Hữu Lý cho biết, anh Thanh là một trong những tỷ phú trẻ có sức lan tỏa mạnh ở địa phương, từ mô hình khai thác thế mạnh sẵn có để phát triển chăn nuôi đại gia súc, cho thu nhập cao, bền vững. Người dân các tỉnh miền núi phía bắc ngày càng nhận thấy rõ hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi trâu, bò, dê, ngựa, vì thế đã phát triển mạnh hình thức nuôi gia súc theo quy mô trang trại, bán trang trại và hộ gia đình. Tỉnh Lào Cai có 327 nghìn ha đất lâm nghiệp, với khoảng 3.363 ha đất đồng cỏ. Ba chợ trâu là Cán Cấu (huyện Si Ma Cai) và Bắc Hà, Cốc Ly (huyện Bắc Hà) có từ lâu đời, mỗi phiên chợ cuối tuần tiêu thụ từ 100 đến 200 con trâu, bò, ngựa; đã hình thành nên "sàn giao dịch" gia súc nổi tiếng ở địa phương. Tỉnh Yên Bái có diện tích đất lâm nghiệp lớn, với 1.200 ha đồng cỏ; đồng bào dân tộc Mông, Dao có kinh nghiệm, truyền thống chọn giống, chăn nuôi gia súc thích nghi điều kiện thời tiết miền núi, vùng cao. Tỉnh Bắc Cạn có tiềm năng phát triển chăn nuôi đại gia súc, đó là đất rộng người thưa, nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có dồi dào, phù hợp với trình độ của nông dân, không phải đầu tư lớn, giá bán và thị trường tiêu thụ tốt. Chợ gia súc Nghiên Loan tại xã Nghiên Loan, huyện Pác Nặm thuộc dạng lớn nhất so với các tỉnh trong khu vực. Mỗi phiên chợ có khoảng 500 con trâu, bò từ các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang, Bắc Cạn đưa về bán cho các lái buôn chuyển về các tỉnh, thành phố miền xuôi tiêu thụ. Chợ gia súc Nghiên Loan còn góp phần chọn lọc tự nhiên khi các hộ bán đi những con trâu, bò còi, ít thịt và mua về những con có tầm vóc cao lớn về làm giống.

Nhìn chung, các tỉnh khu vực miền núi phía bắc như Lào Cai, Sơn La, Bắc Cạn, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu... có lợi thế và tiềm năng lớn để chăn nuôi gia súc hàng hóa. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Tuyển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Lào Cai, chăn nuôi gia súc ở Lào Cai và các tỉnh thuộc vùng miền núi phía bắc vẫn chưa thật sự phát huy đúng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, vì đồng bào vẫn chủ yếu chăn nuôi các giống địa phương và chăn thả tận dụng nên năng suất thấp; do quản lý lỏng lẻo và tập quán chăn nuôi thả rông dẫn đến tình trạng cận huyết nhiều, thoái hóa giống cao. Sức sinh sản kém, tốc độ tăng đàn chậm do chủ yếu phối giống trực tiếp tự do, trong khi chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ, nên cơ hội tiếp xúc gia súc đực, cái ít, tỷ lệ thụ thai do được phối giống đúng thời kỳ động dục không cao. Một nguyên nhân khá quan trọng làm kìm hãm sự phát triển chăn nuôi là, việc xây dựng chuồng trại, thức ăn chăn nuôi và khai thác thị trường còn rất yếu kém cho nên chăn nuôi ở vùng núi phía bắc còn bị động, chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai và thường bị tư thương ép giá giống hoặc sản phẩm. Chính vì vậy trong giai đoạn mới, chăn nuôi gia súc ăn cỏ ở khu vực này cần phải được khuyến khích theo hướng phát triển trang trại, gia trại, từng bước công nghiệp hóa và sản xuất sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa

Để khai thác tiềm năng đất đai, đồng cỏ và nguồn nhân lực dồi dào, các tỉnh miền núi phía bắc đều xác định, chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội ngành của địa phương và tập trung đầu tư phát triển, tạo bước đột phá trong thời gian tới. Tỉnh Yên Bái có đề án "Hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu, bò cho các hộ nghèo giai đoạn 2010- 2012", tại bốn huyện Lục Yên, Văn Chấn, Yên Bình và Trấn Yên, với tổng số vốn đầu tư 26,3 tỷ đồng. Trong đó, tập trung hỗ trợ làm chuồng trại theo hướng "trên kín, dưới cứng, ấm về mùa đông, mát về mùa hè", đồng thời hỗ trợ việc trồng cỏ, cho vay vốn ưu đãi mua con giống chăn nuôi, tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh..., bước đầu đem lại hiệu quả. Chương trình cải tạo đàn bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo, đưa giống tốt lai tạo với đàn bò địa phương để cho ra giống bò có thể trọng cao lớn, chịu được thời tiết khí hậu khắc nghiệt về mùa đông.

Ở tỉnh Bắc Cạn, trong mấy năm qua, tổng đàn trâu, bò giảm mạnh. Thống kê của Sở NN và PTNT cho thấy, năm 2008, toàn tỉnh có 160 nghìn con, năm sau giảm còn hơn 123 nghìn con, đến cuối năm 2011 chỉ còn hơn 83 nghìn con.. Nguyên nhân do gần đây, dịch bệnh xuất hiện nhiều, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài cộng với dịch lở mồm, long móng, tụ huyết trùng... đã làm trâu, bò chết hàng loạt. Mùa đông năm 2008, toàn tỉnh chết hơn 10% tổng đàn; ít nhất là mùa đông năm 2011 cũng có hơn sáu nghìn con trâu, bò chết do đói rét và dịch bệnh. Cứ mỗi đợt rét đậm, rét hại là đàn gia súc lại sụt giảm. Mặc dù tỉnh đã hỗ trợ toàn bộ tiền vắc-xin, nhưng tỷ lệ tiêm phòng cho gia súc hằng năm chỉ đạt 60 - 70% tổng đàn, làm cho đàn gia súc trên địa bàn tỉnh năm nào cũng mắc dịch bệnh; thiếu bãi chăn thả cũng làm tổng đàn giảm. Có một hiệu ứng ngược là thấy giá gia súc tăng cao, cần tiền là nhiều hộ đã bán đi mà không mua lại được để chăn nuôi nữa. Từ năm 2011, huyện Pác Nặm dùng vốn Chương trình 30a để mua trâu, bò giống, hỗ trợ tiền làm chuồng cho các hộ nghèo; thành lập đoàn gồm một số lãnh đạo huyện, phòng, ban, lãnh đạo xã, một số nông dân chăn nuôi tiêu biểu đi học tập kinh nghiệm nuôi nhốt gia súc ở một số tỉnh về để chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia súc.

Còn ở Lào Cai có tổng đàn trâu lớn, với 126 nghìn con, sản lượng thịt trâu xuất chuồng đạt khoảng 1.500 tấn/năm. Từ năm 2008 đến nay, Lào Cai phối hợp Trường đại học Nông nghiệp Thái Nguyên tiến hành phục tráng giống trâu tốt Bảo Yên, cải tạo đàn bò ở vùng cao Mường Khương và Si Ma Cai bằng giống tốt. Giống trâu Ngố ở Bảo Yên, có tầm vóc to và khối lượng lớn, trung bình 500 - 650 kg/con trưởng thành. Sở NN và PTNT đang triển khai thực hiện đề án: "Phát triển đàn và xây dựng thương hiệu trâu Bảo Yên", hỗ trợ nuôi dưỡng 200 con trâu sinh sản được bình tuyển, chọn lọc kỹ để làm đàn giống nòng cốt; hỗ trợ tiền công chăm sóc cho các hộ nuôi trâu đực giống tốt, có trọng lượng từ 500 kg trở lên, để phục tráng, cải tạo đàn trâu trong toàn tỉnh. Ở các huyện Mường Khương, Si Ma Cai, tỉnh hỗ trợ hàng trăm con bò đực giống tốt, giao cho người dân nhận chăm sóc và thả vào đàn bò địa phương để cải tạo tầm vóc đàn bò đang chăn thả; sau ba năm thì con bò đực giống thuộc về người nuôi dưỡng. Để bảo đảm nguồn thức ăn, Trung tâm khuyến nông tỉnh khảo nghiệm, đưa vào trồng đại trà giống cỏ VA06 (lai cỏ voi với cỏ đuôi sói của Mỹ) cho năng suất tới hơn 100 tấn/ha, hàm lượng dinh dưỡng cao gấp bốn lần cỏ thường, có thể sinh trưởng trong rét; hiện toàn tỉnh đã trồng được khoảng 900 ha. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân tận thu rơm vụ mùa; trồng ngô dày, trồng giống ngô lai lá tươi lâu; hướng dẫn cách ủ chua, sơ chế các phụ phẩm trồng trọt như dây khoai, cây lạc, bã mía, lá sắn, rỉ đường... để bảo đảm nguồn thức ăn cho gia súc trong mùa đông giá rét.

Tại Diễn đàn khuyến nông Ú nông nghiệp với chuyên đề: "Một số giải pháp phát triển chăn nuôi đại gia súc bền vững khu vực các tỉnh miền núi phía bắc" tổ chức tại Lào Cai, Tiến sĩ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia cho rằng: Phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa cần làm tốt công tác quy hoạch, giống, thức ăn thô xanh, kiểm soát dịch bệnh và môi trường, công tác phát triển hệ thống cán bộ, nhất là mạng lưới cán bộ thú y cơ sở. Công tác quy hoạch vùng chăn nuôi cần được các tỉnh xây dựng càng sớm càng tốt trên cơ sở phối hợp hợp lý với các quy hoạch về cơ sở hạ tầng và giáo dục. Khuyến khích phát triển chăn nuôi trang trại nhưng vẫn phát triển chăn nuôi nông hộ có kiểm soát. Vấn đề giống cần được đẩy mạnh một cách tích cực, vừa bảo tồn được các vật nuôi bản địa quý vừa xã hội hóa công tác giống, nhất là phát triển mạng lưới thụ tinh nhân tạo. Để có thể chủ động được thức ăn cho gia súc ăn cỏ thì cỏ làm thức ăn chăn nuôi phải được đưa vào hệ thống cây trồng, phải là hàng hóa và xuất hiện được nghề trồng cỏ, buôn bán cỏ và sản phẩm cỏ chế biến như đóng bánh, ủ chua...

QUỐC HỒNG, THANH SƠN và THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/cmlink/nhandandientu/thoisu/doi-song/i-s-ng-tin-chung/phat-tri-n-ch-n-nuoi-i-gia-suc-cac-t-nh-mi-n-nui-phia-b-c-1.373708