Phát triển chăn nuôi bò thịt ở miền núi

Thời gian gần đây, nhiều huyện miền núi ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Hà Giang và một vài nơi khác đã xác định tập trung phát triển đàn bò giống địa phương, tiến tới xây dựng thương hiệu để tạo dựng thị trường, giúp người dân có thêm nguồn thu và góp phần cải thiện cuộc sống.

Người dân huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) chăm sóc bò sinh sản.

Những tín hiệu vui

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, Thừa Thiên- Huế cho biết: Chương trình nuôi bò sinh sản được A Lưới đề cập lần đầu cách đây khoảng 15 năm. Lãnh đạo huyện tại thời điểm đó đã nhận thấy có đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển đàn bò, như bãi chăn thả, lượng mưa bảo đảm cho cỏ phát triển tốt, có nguồn nước phục vụ chăn nuôi, người dân có truyền thống lâu đời… Tuy nhiên, do đời sống người dân còn khó khăn, Nhà nước chưa có nhiều chương trình hỗ trợ cho nên việc phát triển đàn rất hạn chế… Cách đây hai năm, từ “cú huých” đầu tư cho nông nghiệp của Trung ương, huyện A Lưới đã xây dựng lại đề án phát triển đàn bò ở địa phương, phấn đấu đến năm 2026, toàn huyện có khoảng 12.000 con bò giống, đặt nền tảng xây dựng thương hiệu thịt bò A Lưới, tính kế lâu dài.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, huyện xác định đây là chương trình lớn của địa phương, cho nên đã thành lập ban chỉ đạo từ huyện xuống xã, từ xã xuống thôn để kịp phát hiện những vấn đề nảy sinh. Để phát triển đàn bò, người dân thế chấp tài sản tại ngân hàng lấy tiền mua con giống, địa phương sẽ giúp các hộ trả lãi. Ngoài ra, còn giúp tiền mặt để làm chuồng trại và trồng cỏ nuôi bò. Bên cạnh đó, huyện đã cử 22 cán bộ đi học để sau này về các xã giúp dân phối tinh cho bò giống. Trong ngôi nhà ở cuối xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, chị Phạm Thị Hồng thắp đèn điện suốt đêm để chờ đón con bê đầu tiên được sinh ra từ con bò giống mua cách đây hai năm từ nguồn vốn vay ngân hàng… Chị Hồng vui mừng nói: "Năm 2015, tôi vay 12 triệu đồng mua con giống. Đến cuối năm 2018 tôi sẽ bán con bê vừa đẻ trả nợ ngân hàng. Như vậy tôi lãi ròng con bò mẹ và hai con bê, vì theo chu kỳ sinh sản, mỗi năm bò sẽ đẻ một lứa".

Tương tự, tỉnh miền núi biên giới Hà Giang từ năm 2010 đã xác định phát triển đàn bò giống địa phương, giúp dân bốn huyện vùng cao núi đá phía bắc của tỉnh gồm Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ phát triển kinh tế. Hàng loạt chính sách hỗ trợ được đưa ra, như hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ đối với các hộ nghèo, cận nghèo chưa có trâu, bò để mua trâu, bò sinh sản; hỗ trợ lãi suất cho người dân vay vốn phát triển sản xuất theo Nghị quyết 209 của HĐND tỉnh; hỗ trợ trồng cỏ phát triển chăn nuôi… Nhiều chính sách đặt ra, nhưng thoạt đầu nhiều người cũng hồ nghi, bởi đây là vùng khô cằn núi đá, không có bãi chăn thả, điều kiện thời tiết cũng như địa hình hết sức khắc nghiệt. Vậy mà bằng sự cần cù, chịu khó đồng bào các dân tộc ở bốn huyện nói trên đã dựng chuồng nuôi nhốt, trồng cỏ trên nương, ngày ngày cõng cỏ về tận chuồng để chăn nuôi, vỗ béo con bò. Sau gần bảy năm phát động, tỷ lệ tăng trưởng của đàn đang duy trì mức tăng 3 đến 4%/năm. Thống kê đến thời điểm hiện tại, ở bốn huyện đã có hơn 80.000 con bò.

Đánh giá bước đầu tại các địa phương cho thấy, bò nuôi ở vùng núi cao, khí hậu mát mẻ quanh năm như A Lưới (Thừa Thiên - Huế), Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh, Mèo Vạc (Hà Giang) cho chất lượng tốt hơn, thịt thơm, mềm và ngọt hơn nuôi ở vùng thấp. Thống kê ở chợ trung tâm huyện A Lưới, bình quân mỗi ngày tiêu thụ khoảng ba con, dịp Tết, lễ lên đến năm con, giá bán từ 220 đến 240 nghìn đồng/kg tùy loại. Riêng ở Hà Giang, giống bò to hơn. Sau ba đến bốn năm chăm sóc, mỗi con bò có thể bán với giá 35 đến 45 triệu đồng.

Để phát triển chăn nuôi bò thịt

Mặc dù thừa nhận có giá trị kinh tế hơn các vật nuôi khác, nhưng theo đánh giá của các địa phương thì hiện tại, thịt bò vẫn chỉ được bán chủ yếu ở chợ huyện và một số ít theo thương lái về xuôi, cho nên giá chưa cao. Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang cho rằng, khi đã xác định là hàng hóa thì bà con bán sản phẩm ở đâu cũng được, miễn là được giá, có lãi để tái đầu tư. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng giám sát chặt chẽ việc mua bò của Trung Quốc, tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của giống bò vàng vùng cao. Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay các địa phương đang gặp một số trở ngại nhất định, đó là thịt bò vẫn chưa có tên trong danh mục hàng trao đổi của cư dân biên giới. Trong quá trình mua bán, người chăn nuôi sẽ bị thiệt hại nếu lực lượng chức năng của nước bạn phát hiện, bắt giữ.

Với nguồn thu nhập hiện tại, có thể nói con bò đang đáp ứng được mục tiêu đầu tiên của các chương trình, đề án, đó là tận dụng lao động dư thừa, tạo thêm nguồn thu, giúp dân thoát nghèo. Song, đánh giá một cách nghiêm túc thì nguồn thu này vẫn còn thấp, trung bình chỉ đạt một triệu đồng/con/tháng, chưa xứng với công lao động bỏ ra. Để thịt bò địa phương trở thành hàng hóa có giá trị cao, theo lãnh đạo huyện A Lưới và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang thì phải có doanh nghiệp liên kết với người dân sản xuất, chế biến thịt bò thương phẩm.

Tuy nhiên khó khăn hiện nay là một bộ phận người dân còn thụ động, xem doanh nghiệp như cánh tay nối dài của Nhà nước. Trong khi thị hiếu tiêu dùng của phần lớn người dân là muốn mua thịt tươi ở chợ truyền thống chứ chưa quan tâm đến thị trường thịt đã qua chế biến. Vì vậy, để tạo được sức hút, nhiều doanh nghiệp ở A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và Hà Giang phân tích, với lượng thịt nhập khẩu trong 11 tháng đầu năm 2016 từ các nước Ấn Độ, Mỹ, Ô-xtrây-li-a lên đến 140 triệu USD, tăng 8,1% so cùng kỳ năm trước, thì thị trường thịt bò qua chế biến ở nước ta vẫn “còn cửa” cho sản phẩm sản xuất trong nước. Chỉ có điều, khi đầu tư lắp đặt dây chuyền chế biến ở các địa bàn khó khăn này, rất cần Chính phủ có ưu đãi về thuế, có chính sách hỗ trợ giá vận chuyển, thu mua. Đặc biệt là các địa phương sớm khai thác được yếu tố văn hóa, lịch sử của người miền núi, hình thành những địa chỉ nuôi tập trung có uy tín để làm vùng nguyên liệu ổn định cho nhà máy; có tính toán thích hợp để giảm chi phí đầu tư, tạo ra những sản phẩm có sức cạnh tranh…

Ngoài ra, chính quyền và người dân cần tổ chức nghiên cứu, áp dụng mô hình liên kết giữa chăn nuôi với trồng trọt, như mô hình bò - chuối ở Long An, nhằm tạo chuỗi giá trị mới bên cạnh chuỗi giá trị của bò thương phẩm, giúp người dân từng bước làm giàu.

Bài và ảnh: QUANG TIẾN, KHÁNH TOÀN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/32642702-phat-trien-chan-nuoi-bo-thit-o-mien-nui.html