Phát triển ban nữ công quần chúng khu công nghiệp

Trong số 6.879 CĐCS tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (gọi tắt là KCN) đủ điều kiện thành lập ban nữ công, đã có 3.535 ban nữ công CĐCS doanh nghiệp được thành lập, chiếm 51%. Hiện có trên 2,4 triệu lao động làm việc trong các KCN. Trong đó, 1,3 triệu là nữ đoàn viên công đoàn/2 triệu đoàn viên trong các KCN, chiếm tỉ lệ 66%. Vì vậy, hơn lúc nào hết, hoạt động của ban nữ công CĐCS phải thiết thực, vì quyền lợi thực sự của nữ CNLĐ.

Nữ công nhân dệt may trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ảnh: V.L

Nhu cầu thiết thân của lao động nữ tại KCN

Điểm mạnh trong hoạt động nữ công tại CĐ các KCN Hà Nội là việc chăm lo cho LĐ nữ khi lâm vào hoàn cảnh khó khăn, khi ốm đau hoặc nghỉ thai sản, giúp cho LĐ nữ giảm bớt một phần khó khăn và tạo tình cảm gắn bó giữa NLĐ với tổ chức CĐ. Việc tham mưu với BCH CĐ đề nghị người sử dụng LĐ thực hiện tốt các chính sách cho LĐ nữ cũng được nhiều CĐCS triển khai. Từ khi có các quy định của Nghị định 85/2016/NĐ-CP ngày 1.10.2015 hướng dẫn một số điều của BLLĐ về chính sách đối với LĐ nữ, nhiều CĐCS như Cty TNHH Kyoei VN, Cty TNHH Meiko VN, Cty Vietnergy, Cty TNHH Toyodagiken... đã thực hiện bố trí cho LĐ nữ mỗi tháng nghỉ 3 ngày, mỗi ngày 30 phút trong thời kỳ nguyệt san mà vẫn hưởng đủ lương, có Cty tính thành 2 ngày lương trả thẳng tiền cho chị em, có công ty tính thành 2,5 ngày phép/năm để cho chị em nghỉ… Đây là những vận dụng khá sáng tạo trong thực hiện chính sách cho LĐ nữ.

Tại các KCN của tỉnh Nam Định, Ban nữ công CĐCS tham mưu cho BCH CĐ cùng cấp tuyên truyền chế độ chính sách cho nữ CNLĐ, tuyên truyền về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi con bằng sữa mẹ. Có đơn vị tham mưu cho BCH CĐCS kiến nghị, đề xuất với chủ DN hỗ trợ cho CNLĐ một phần chi phí gửi trẻ, thuê nhà trọ; có 1 đơn vị tổ chức trông trẻ tập trung cho con CNLĐ… Thực tế còn cho thấy một số ít mô hình nữ công triển khai hiệu quả việc nắm bắt tư tưởng nữ công nhân theo quy trình: Các CĐCS thành lập các tổ nữ công theo các tổ sản xuất hoặc các xưởng sản xuất, tổ trưởng tổ CĐ cũng có thể là tổ trưởng tổ nữ công, đây là mạng lưới nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ nói chung và nữ công nhân nói riêng nhanh chóng và hiệu quả nhất…

Phải lựa chọn những nội dung hoạt động thiết thân

Hầu hết lãnh đạo các LĐLĐ địa phương và các cán bộ nữ công của các CĐCS ở một số tỉnh khu vực phía Bắc đều khẳng định, để hoạt động nữ công tại đơn vị hiệu quả thì các nội dung hoạt động phải được lựa chọn, tổ chức kỹ càng. Một trong những điều băn khoăn, cũng là khó khăn mà họ đang gặp phải là việc phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” ở các DN chưa được triển khai thực hiện hiệu quả thực chất, các tiêu chí, tiêu chuẩn tập thể, cá nhân nữ doanh nghiệp ngoài nhà nước, FDI chưa phù hợp, còn nhiều bất cập. Để khắc phục khó khăn này, LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo CĐ các KCN phải chuyển sang sao cho phù hợp với DN, ví dụ đối với các DN phải lấy tiêu chí đầu tiên là hoàn thành nhiệm vụ của mình. Bà Nguyễn Thị Nhanh - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bắc Ninh - cho biết thêm, khi khen thưởng bao giờ cũng CĐ KCN tỉ lệ cao hơn, nhất là đối tượng CNLĐ trực tiếp… Một số LĐLĐ tỉnh, TP cũng đưa ra ý kiến cần có tiêu chí rõ và thực sự gắn với NLĐ tại DN. Hơn nữa, do đặc thù của DN khác với hành chính sự nghiệp nên nhiều CB nữ công cho rằng, hoạt động nữ công CĐ ở đây phải tập trung cho đời sống, sản xuất kinh doanh…

Để hoạt động của ban nữ công quần chúng KCN thực sự đáp ứng được yêu cầu, nhiều lãnh đạo các LĐLĐ địa phương và bản thân CB nữ công của các DN kiến nghị cần có các đợt tập huấn, nâng cao trình độ. Ông Ngô Chí Thục - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nam Định - khẳng định: Cán bộ nữ công CĐCS phải nắm vững chức năng, nhiệm vụ của mình thì mới hoạt động tốt, vì vậy, dự kiến tháng 11 tới, LĐLĐ Nam Định sẽ mời toàn bộ trưởng ban nữ công CĐCS lên học những nội dung liên quan đến Điều lệ CĐVN bằng phương pháp học tập tích cực. Hay như ở Bắc Ninh, khi LĐLĐ tỉnh tổ chức tập huấn thì mời trưởng ban nữ công các DN trong KCN tham dự.

Ngày 25.10, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng chủ trì hội thảo “Tổ chức và hoạt động của ban nữ công quần chúng khu công nghiệp, khu chế xuất” (trước đó, hội thảo với cùng nội dung đã được tổ chức tại TPHCM). Nhiều ý kiến tại hội thảo kiến nghị đối với Đảng, Nhà nước từ TƯ tới địa phương tạo điều kiện tốt nhất để tổ chức CĐ sớm thực hiện được đề án đầu tư xây dựng thiết chế tại các KCN, CX; Trước mắt tăng cường xây dựng phòng học, nhà trẻ, mẫu giáo cho con CN… Đề nghị Tổng LĐLĐVN nghiên cứu ban hành chế độ phụ cấp cho các ủy viên Ban nữ công quần chúng để động viên CB nữ công khi thực hiện nhiệm vụ. Trong chỉ đạo chương trình phát triển đoàn viên cần chỉ đạo đồng bộ việc thành lập ban nữ công quần chúng cơ sở tại KCN.

LINH NGUYÊN

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/cong-doan/phat-trien-ban-nu-cong-quan-chung-khu-cong-nghiep-604587.bld