Phát triển 3 sản phẩm chủ lực của vùng

ĐBSCL không chỉ là vựa lúa lớn nhất của Việt Nam mà phải là nền nông nghiệp thông minh, bền vững, có giá trị gia tăng cao. Ông Sơn Minh Thắng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã dành cho Báo NNVN cuộc phỏng vấn xoay quanh nội dung này.

Ông Sơn Minh Thắng

Thưa ông, thách thức từ hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa kinh tế buộc nền kinh tế ĐBSCL phải có sức cạnh tranh cao hơn, có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo ông, đâu là những việc mà ĐBSCL phải làm ngay để bứt phá?

Trước hết phải khẳng định rằng, hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa thì kinh kế ĐBSCL có nhiều thách thức. Tại hội nghị ĐBSCL - chủ động hội nhập và phát triển bền vững, các nhà khoa học, nhà quản lý đã chỉ rõ những cơ hội, thách thức cho vùng trong thời gian tới.

Xác định rõ trong giai đoạn phát triển kinh tế mạnh mẽ trước diễn biến khắc nghiệt của biến đổi khí hậu thì cần nhận định rõ hơn cơ hội nào cho ĐBSCL đang có và sẽ có từ hội nhập, cơ hội nào là thách thức quan trọng nhất của vùng.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đã rất quan tâm một số vấn đề cần phải xem xét ngay đó là: Phát triển 3 sản phẩm chủ lực của vùng gồm lúa gạo, trái cây và thủy sản đang phải cạnh tranh khó khăn tại thị trường trong và ngoài nước; ứng phó với biến đổi khí hậu; tình hình phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội phải mang tính liên kết toàn vùng; xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm có sức cạnh tranh thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Để giải quyết một số vấn đề trên, đồng chí Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ tổ chức chuỗi hội nghị chuyên đề về tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới và liên kết hợp tác nông nghiệp theo chuỗi giá trị; về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và hệ thống logistics vùng ĐBSCL; về thích ứng biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên nước và về thu hút trực tiếp đầu tư nước ngoài, phát triển doanh nghiệp và khởi nghiệp cho các doanh nghiệp vùng ĐBSCL.

Tận dụng cơ hội và chủ động ứng phó các thách thức từ quá trình hội nhập theo hướng liên kết phát triển kinh tế, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, quy hoạch lại sản xuất theo vùng, xây dựng chuỗi giá trị theo hướng theo quy mô liên kết trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường; thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước và nhất là đầu tư vào ngành nông nghiệp, hình thành các doanh nghiệp lớn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn hỗ trợ tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp của vùng hiệu quả và bền vững.

Đây sẽ là động lực, điều kiện tiên quyết để vùng ĐBSCL chủ động hội nhập quốc tế và bứt phá phát triển trong thời gian tới, nhất là sức cạnh tranh và chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thưa ông, đòi hỏi khả năng cạnh tranh của ĐBSCL hiện nay phải là gì?

Có thể nói, năm 2016 là năm đánh dấu sự chuyển biến của nền kinh tế Việt Nam với nhiều sự kiện, nhiều vấn đề nổi bật có tác động đến các doanh nghiệp của vùng ĐBSCL, đó là quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu với các sự kiện quan trọng như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đặc biệt là tình trạng biến đổi khí hậu xảy ra ở một số địa phương ở khu vực ĐBSCL… đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Ảnh minh họa

Do đó, nhiệm vụ trọng tâm nâng cao khả năng cạnh tranh của ĐBSCL hiện nay là: Trong lĩnh vực nông nghiệp, doanh nghiệp đa phần của vùng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó đòi hỏi doanh nghiệp phải liên kết, chủ động và đầu tàu trong việc hỗ trợ cùng người nông dân tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn, đánh giá thị trường tiềm năng và gắn kết cung - cầu hàng hóa; chia sẻ thông tin, hợp tác cùng với các doanh nghiệp phát triển thương hiệu Việt Nam tại các thị trường xuất khẩu. Tham gia thường xuyên và đóng góp tích cực các hiệp hội, diễn đàn trong định hướng, xây dựng phát triển sản phẩm nông nghiệp.

Trong lĩnh vực kinh doanh - dịch vụ bản thân doanh nghiệp phải tăng cường năng lực quản lý, nhất là hoàn thiện chính sách, tính chuyên nghiệp, đổi mới công nghệ, cách thức sản xuất phù hợp với các quy định về pháp luật và yêu cầu của nước nhập khẩu; tái cơ cấu tổ chức, hoàn thiện kỹ năng nhất là ngoại ngữ để chủ động đàm phán các hợp đồng kinh tế; xây dựng thương hiệu vững chắc đảm bảo nguồn nguyên liệu, chất lượng sản phẩm ổn định, xác định các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng có lợi thế trong kinh doanh tại các nước tham gia hiệp định để xác định thị trường chính và tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020” triển khai thời gian tới sẽ là một chính sách rất quan trọng giúp doanh nghiệp và người nông dân gắn kết qua mô hình hợp tác xã cùng hợp tác xây dựng chuỗi giá trị thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng tham gia các hiệp định, tổ chức kinh tế đáp ứng yêu cầu hội nhập ngày càng sâu, rộng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ngày 6/9/2016, Văn phòng đại diện Báo NNVN kỷ niệm 20 năm thành lập và đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, ông có thể đánh giá đôi nét về Văn phòng Báo NNVN trong hành trình đồng hành cùng với nông dân, nông nghiệp Việt Nam thời gian qua?

Theo tôi được biết, Báo NNVN là cơ quan truyền thông đặt dưới sự quản lý của Bộ NN-PTNT, Báo NNVN đã hình thành, xây dựng và phát triển trong suốt 70 năm.

Tờ báo đã luôn luôn gắn bó, gần gũi với người dân, luôn nỗ lực để trở thành một trong những tờ báo đi đầu trong công tác phản ánh, tuyên truyền những nội dung thuộc lĩnh vực tam nông; tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp cho nhân dân; cầu nối giữa nhà nước và người nông dân trong việc thực hiện chính sách nông nghiệp, nông dân, nông thôn, hướng tới phục vụ nhu cầu và lợi ích của bà con nông dân.

Trong chặng đường 20 năm hình thành và phát triển, Văn phòng đại diện Báo NNVN tại Đồng bằng sông Cửu Long đã có những đóng góp không nhỏ, tạo nên sự thành công chung của tờ Báo NNVN. Văn phòng đại diện tại khu vực ĐBSCL luôn đồng hành cùng người nông dân đồng bằng; thông qua tin, bài, hình ảnh đã phản ánh sinh động bức tranh nông nghiệp, nông dân, nông thôn vùng ĐBSCL; nhất là phản ánh kịp thời sự thay đổi diện mạo đời sống nông dân, nông thôn; nêu gương những cách làm hay, mô hình sản xuất hiệu quả; giới thiệu các công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đến với người nông dân.

Tiếp nối những thành tựu nổi bật đã đạt được trong thời gian qua, mong rằng Văn phòng Báo NNVN sẽ tiếp tục cải tiến về nội dung và hình thức. Đồng thời, cần phối hợp với cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, định hướng thị trường, giá cả cho người nông dân sản xuất hợp lý, hiệu quả hơn; cập nhật những thông tin, chính sách của Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân… để xứng tầm là một kênh thông tin quan trọng không thể thiếu của bà con nông dân trên cả nước.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/phat-trien-3-san-pham-chu-luc-cua-vung-post173613.html