“Phát tài” nhờ cây phát lộc

KTĐT - Ngày Tết, bên cạnh sắc thắm của hoa đào, sắc vàng của quất thì nhiều gia đình không quên sắm cho nhà mình vài cành phát lộc. Chính nhờ giống cây này mà nhiều hộ nông dân ở xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ đã có nguồn thu nhập khá giả.

Khá giả từ cây xanh Ông Kiều Lựu, Chủ tịch Hội nông dân xã Tích Giang cho biết: Cây phát lộc được Hội làm vườn Tích Giang (nay là Hội sinh vật cảnh) đưa về từ những năm 1997 - 1998. Ban đầu chỉ có một vài hộ tham gia trồng nhưng do hiệu quả kinh tế cao nên ngày càng có nhiều hộ gia đình chuyển sang trồng loại cây này. Đến nay toàn xã có 12,5ha trồng hoa, cây cảnh, trong đó diện tích cây phát lộc chiếm chủ yếu. Trước đây, cây phát lộc chỉ được trồng ở những diện tích vườn, ruộng có bóng mát quanh nhà. Nhưng vài năm trở lại đây, nhờ áp dụng kỹ thuật lưới che, người dân đã mở rộng diện tích, đưa cây phát lộc ra đồng ruộng mà vẫn giữ được xanh tốt. Hiện nay có đến 60% số hộ dân trong xã trồng cây phát lộc. Từ khi trồng cây phát lộc, nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu đáng kể, cải thiện được cuộc sống. Đơn cử như hộ anh Khuất Quang Uy (Đội 9), một trong những hộ trồng phát lộc nhiều nhất xã Tích Giang với 4 sào ruộng, mỗi năm anh thu về gần 100 triệu đồng. Anh Uy cho biết: “Nhà tôi bắt đầu trồng phát lộc từ năm 2005. Năm đầu tiên phải mất tiền mua mầm giống với giá 200 đồng/mầm nên chỉ thu được 10 triệu đồng/sào. Từ những năm sau, do tự túc được mầm giống nên thu nhập cao hơn, trung bình mỗi sào cũng thu được 20 – 30 triệu đồng tùy thời giá. Nhờ đó mà tôi có tiền xây nhà mới khang trang như thế này”. Anh Uy cho biết thêm, giá bán buôn phát lộc tại ruộng bình thường là 1.000 đồng/cành. Thời điểm thấp cũng được 800 đồng/cành. Mà mỗi sào trồng được 14.000 cành, mỗi cành lại đẻ từ 2 – 3 nhánh nên cho thu hoạch được nhiều lứa. Để cây phát lộc xanh tốt và mập mạp, anh Uy chi sẻ kinh nghiệm là bón thêm phân gà và phân lân NPK cho cây, đồng thời thường xuyên giữ ẩm cho ruộng. Với 3 sào trồng phát lộc, mỗi nămgia đình anh Khuất Đình Minh (Đội 10) cũng thu về 60 – 70 triệu đồng. Anh Minh chia sẻ: “Đúng như tên gọi cây phát lộc, từ khi trồng giống cây này, kinh tế nhà tôi khá giả lên hẳn. Cái hay là giống cây này không yêu cầu chăm sóc cầu kỳ là lại rất đơn giản, dễ sống. Chỉ cần chú ý che lưới cho cây tránh ánh nắng trực tiếp làm cho lá cây bị vàng, mất đi vẻ đẹp tự nhiên. Nếu chăm sóc tốt thì nhánh cây nào cũng mập mạp, giá bán cao”. Theo anh Minh thì trồng phát lộc mang lại lợi nhuận cao gấp hàng chục lần cấy lúa vì năng suất lúa ở Tích Giang cao nhất mới được 2 tạ/sào, trừ chi phí đi cũng không thu được bao nhiêu. “Vào cầu” mùa Tết Những người sành chơi cây cảnh thường bày cây phát lộc vào ban Thần Tài hoặc để trong phòng khách, cây to hơn nữa thì để hai bên cửa ra vào. Nó vừa có ý nghĩa mang lại may mắn, phát tài phát lộc mà còn tạo được môi trường thiên nhiên trong ngôi nhà. Do đó, loại cây cảnh này rất thích hợp để bày trong bàn làm việc, sảnh cơ quan, nhà hàng, khách sạn hay dùng làm quà biếu trong dịp Tết. Hơn nữa, không chỉ chơi được trong những ngày Tết mà giống cây này còn giữ được xanh tốt quanh quanh năm nên được nhiều người ưa chuộng. Tại Hà Nội và một số thành phố lớn, cây phát lộc được trồng thành tháp cây với nhiều tầng rất đẹp mắt (thường là số tầng lẻ như 3, 5, 7, 9 và 11). Giá tháp cây phát lộc được bán ở các phố cây cảnh như Hoàng Hòa thám lên tới 200.000 – 300.000 đồng/tháp cây 3 tầng. Còn những tháp cây 11 tầng thì giá trên 1 triệu đồng. Mặc dù được tiêu thụ quanh năm nhưng dịp Tết mới chính là vụ thu hoạch lớn nhất của người trồng phát lộc. Trò chuyện với chúng tôi, anh Khuất Quang Uy nói vui: “Dịp này chính là lúc chúng tôi bắt đầu “chiến dịch 36 ngày đêm”. Bởi từ ngày 20 tháng Chạp, chúng tôi phải cắt bán cả ngày. Ban đêm lại chở đến chợ hoa Quảng Bá để giao buôn”. Hiện tại, giá buôn trung bình tại ruộng là 1.500 đồng/cành, những cành đẹp hơn thì 2000 đồng/cành. Loại cao nhất là những cành cao, mập có giá 3000 đồng/cành. Trong khi đó, giá bán lẻ tại các chợ vào khoảng4000 – 5000 đồng/cành. Mỗi tối, cứ tầm 12 giờ đêm anh Uy lại đánh xe máy chở 1.200 cành lên bán tại chợ hoa Quảng Bá. Anh Uy cười: “Thường mọi nhà bán đến 29, 30 là nghỉ nhưng năm nào tôi cũng bán đến tối 30 Tết. Đêm Giao thừa, tôi chở 100 cành vào nội thành để bán lấy lộc đầu xuân cho những người đi chơi giao thừa hái lộc. Vừa được hưởng không khí giao thừa trong thành phố vừa bán được 10.000 đồng/cành, tức là một buổi tối cũng kiếm được 1 triệu đồng nên tôi rất phấn khởi”. Ông Kiều Lựu cho biết, bắt đầu từ tháng Chạp, đêm nào cũng có ô tô đến Tích Giang lấy cây phát lộc. Nhiều thương lái từ Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng… về đánh ô tô về “ăn” hàng, phục vụ thị trường ngày Tết. Đồng thời, trong xã cũng có tổ dịch vụ chuyên thu gom phát lộc để bán, cùng với 10 – 15 xe máy của các hộ gia đình chở cây phát lộc vào thành phố làm cho không khí của thôn xóm thêm phần nhộp nhịp hơn. “Dịp tết chính là mùa thu nhập chính nên các hộ trồng phát lộc luôn háo hức, phấn khởi như chờ đón năm mới”- ông Lựu chia sẻ. Thắng Văn

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=55&newsid=200208