Phạt PV 'bị công an gạt tay chảy máu miệng': Có thấu tình, đạt lý?

Đó là câu hỏi của nhiều người khi đọc thông tin về vụ việc 'công an huyện Đông Anh gạt tay khiến phóng viên báo Tuổi trẻ chảy máu miệng' trên cầu Nhật Tân đang gây sự chú ý của dư luận.

Để góp một góc nhìn từ người nghiên cứu và thực hành pháp luật, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với Cựu thẩm phán, Luật sư Phạm Công Út (Văn phòng luật sư Phạm Nghiêm (Đoàn luật sư Tp HCM) về vấn đề này.

Thưa luật sư, nhìn từ góc độ luật, theo quan điểm riêng của luật sư, nội dung xử phạt Phóng viên Quang Thế (báo Tuổi trẻ) liên quan đến bí mật Nhà nước có hợp lý không? Hiện trường vụ án có thể coi là bí mật Nhà nước không?

Thưa luật sư, nhìn từ góc độ luật, theo quan điểm riêng của luật sư, nội dung xử phạt Phóng viên Quang Thế (báo Tuổi trẻ) liên quan đến bí mật Nhà nước có hợp lý không? Hiện trường vụ án có thể coi là bí mật Nhà nước không?

Luật sư Phạm Công Út: Không! Vì “bí mật Nhà nước” là những tin về vụ, việc, tài liệu, vật, địa điểm, thời gian, lời nói có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ, các lĩnh vực khác mà Nhà nước không công bố hoặc chưa công bố và nếu bị tiết lộ thì gây nguy hại cho Nhà nước CHXHCN Việt Nam. Còn sự kiện về một vụ chết người chưa rõ nguyên nhân, nghi ngờ là một vụ án mạng chưa bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì không được xem là “bí mật Nhà nước”.

Vậy, theo ông, Nhà báo có ưu tiên gì khi tiếp cận hiện trường vụ án để thông tin kịp thời không gây hoang mang cho quần chúng?

Luật sư Phạm Công Út: Nhà báo có quyền tác nghiệp lấy tin theo Luật Báo chí, trong đó quy định: “Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”.

Mặt khác, mới đây Bộ luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2015 cũng đã ban hành một tội danh mới để bảo vệ hoạt động của báo chí, tại điều 167 có quy định về “Tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân” với mức hình phạt lên đến 05 năm tù đối với người gây cản trở quyền tiếp cận thông tin, tự do báo chí…

Điều đó cho thấy, hoạt động báo chí thông qua việc tiếp cận thông tin của phóng viên được luật pháp bảo hộ, trong đó nghiêm cấm việc dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác nhằm cản trở quyền tiếp cận thông tin của không chỉ nhà báo mà còn của tất cả công dân. Nếu BLHS năm 2015 không bị gặp trở ngại về mặt kỹ thuật thì phía cá nhân nhà báo bị hành hung hoặc Hội Nhà báo VN cũng có thể yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố những người bị cho rằng đã hành hung hoặc đe dọa hành hung nhà báo rồi. Có phân tích như thế thì chúng ta mới thấy rằng, hoạt động nghiệp vụ của nhà báo là một quyền mà nhà nước phải bảo hộ, không cho phép kể cả “…dùng tay gạt trúng vào má nhà báo và có hành vi giơ chân đá, mặc dù không trúng vào nhà báo. Đồng chí công an khác thì chỉ gạt tay vào một máy quay”…

Việc PV đứng ngoài vòng bảo vệ hiện trường vụ án, chụp vào trong có bị coi là can thiệp, cản trở cơ quan chức năng làm nhiệm vụ không, thưa luật sư?

Luật sư Phạm Công Út: Nếu phóng viên chỉ đứng từ phía ngoài hàng rào an ninh và không có biển cấm quay phim chụp hình dể quay chụp vào hiện trường xảy ra tai nạn, và cũng không tạo nguy cơ làm sai lệch dấu vết của một cái chết nghi là vụ án mạng thì không phải xin phép bất kỳ ai, vì không thể bị coi là cản trở cơ quan chức năng làm nhiệm vụ. Do hiện trường của sự kiện trên cầu Nhật Tân hôm ấy không thấy có căng dây hàng rào an ninh nên không có ranh giới giữa việc cấm hay không cấm đến gần khu vực hạn chế. Mà quyền của người dân thì họ được làm bất kỳ điều gì nếu pháp luật không cấm, do đó phóng viên tác nghiệp tại hiện trường là được phép theo quy định của pháp luật mà tôi đã viện dẫn ở trên.

Luật sư Phạm Công Út (Đoàn luật sư Tp HCM)

Thưa luật sư, Điều 7 Luật Báo chí hiện hành quy định "Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin". Điều này được hiểu thế nào thưa ông?

Luật sư Phạm Công Út: Điều luật này quy định quyền của cơ quan điều tra trong một vụ án cụ thể chứ không quy định quyền của các cán bộ chiến sĩ được phân công bảo vệ hiện trường, họ có quyền không cung cấp thông tin rằng đây là một tai nạn hay một vụ án mạng, hoặc danh tính người bị nạn..vv…

Hoàn toàn không có điều khoản cho phép họ được quyền cản trở quyền tiếp cận thông tin của nhà báo. Ngược lại, báo chí được quyền thông tin mà họ thu thập được trong quá trình tác nghiệp, nhưng phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin nhằm tránh việc bóp méo tính khách quan của thông tin.

Xin cảm ơn luật sư!

Điều 7. Cung cấp thông tin cho báo chí

Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Đối với vụ án đang được điều tra hoặc chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí, nhưng báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin.

Báo chí có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân hoặc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng.

(Trích Luật Báo chí sửa đổi 1999 đang có hiệu lực thi hành)
Điều 8. Quyền hạn của nhà báo

1. Được đến các cơ quan, tổ chức, thư viện, bảo tàng, triển lãm để thu thập thông tin, tra cứu tài liệu, làm nghiệp vụ báo chí. Khi đến làm việc, nhà báo chỉ cần xuất trình thẻ nhà báo. Các cơ quan nhà nước không được từ chối cung cấp cho nhà báo những tư liệu, tài liệu không thuộc phạm vi quy định trong Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Được thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tại các kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các đại hội và hội nghị công khai, các cuộc mít tinh, đón tiếp khách của Đảng, Nhà nước và các cơ quan, tổ chức khác theo giấy mời và các quy định cụ thể của Ban Tổ chức các hoạt động đó.

3. Được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai, được dành chỗ ngồi riêng, được liên lạc trực tiếp với các thẩm phán, luật sư để lấy tin, phỏng vấn theo quy định của pháp luật.

4. Được ưu tiên trong việc mua vé tàu, vé xe, vé máy bay, chuyển nhanh điện tín, bài báo và ảnh, băng, đĩa ghi âm, ghi hình, các loại ấn phẩm báo chí khi hoạt động nghiệp vụ.

5. Được ưu tiên, tạo điều kiện đi lại thuận lợi trong trường hợp giao thông bị ách tắc, khó khăn và được hưởng chế độ miễn phí đối với phương tiện giao thông của cơ quan báo chí và nhà báo khi phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ báo chí.

(Trích Nghị định 51/2002)

Hồng Chuyên (thực hiện)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/phat-pv-bi-cong-an-gat-tay-chay-mau-mieng-co-thau-tinh-dat-ly-post210320.info