Phát ngôn 'không thể hiểu nổi' của ông Duterte

Ngày 20-10, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã gây sốc trong dư luận khi tuyên bố tái liên kết với Trung Quốc và hai bên thống nhất giải quyết tranh chấp trên Biển Đông thông qua đàm phán đồng thời tuyên bố tách mỹ. cùng những tuyên bố thiếu thiện cảm trước đó của nhà lãnh đạo Philippines về Mỹ đã khiến đồng minh thân cận một thời của Manila hết sức quan ngại.

Tổng thống Duterte (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh

Trong chuyến công du tới Bắc Kinh cùng với hơn 200 doanh nhân nhằm mở đường cho cái mà Tổng thống Duterte gọi là “một liên minh thương mại mới” trong bối cảnh mối quan hệ với đồng minh lâu năm Washington xấu đi, nhà lãnh đạo này đã phát biểu trước các doanh nghiệp Trung Quốc và Philippines tại Đại lễ đường Nhân dân: “Tại cuộc gặp này, tôi tuyên bố tách khỏi Mỹ. Mỹ đã thất bại, có thể không phải là về mặt xã hội, song chắc chắn là cả về quân sự cũng như kinh tế”.

Ông Duterte nói với các cử tọa ở Bắc Kinh: “Tôi có chung các quan điểm với các bạn, và có thể tôi cũng sẽ tới Nga gặp Tổng thống Vladimir Putin và nói với ông ấy rằng ba chúng ta - Trung Quốc, Philippines và Nga - cùng chống lại thế giới. Đó là cách duy nhất”. Tuyên bố này một lần nữa giống như gáo nước lạnh dội vào người Mỹ - quốc gia cách đây ít ngày cũng liên tiếp phải hứng chịu những phát biểu thiếu thiện cảm và thậm chí là thô lỗ từ nhà lãnh đạo Philippines.

Những phát biểu của ông Duterte đã khiến Mỹ vô cùng quan ngại, bởi chính quyền của Tổng thống Barack Obama từng coi Manila là đồng minh quan trọng trong chiến lược “tái cân bằng” ở châu Á để tạo đối trọng với một Trung Quốc đang lên. Mỹ đã có một thỏa thuận với người tiền nhiệm của ông Duterte về việc cho phép lực lượng quân đội Mỹ được luân phiên đồn trú tại các căn cứ ở Philippines và ngày càng có nhiều người tỏ ý lo ngại về tương lai của thỏa thuận này.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, hiệp ước an ninh song phương đã hứng chịu những thách thức nghiêm trọng từ phát ngôn của ông Duterte và Washington hy vọng sẽ có được lời giải thích cụ thể từ phía Manila khi Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông Daniel Russel, tới Philippines vào cuối tuần này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: “Chúng tôi sẽ yêu cầu Tổng thống Duterte giải thích chính xác về ý nghĩa câu nói của ông khi tuyên bố tách khỏi Mỹ”.

Cũng không cần phải đợi đến khi ông Daniel Russel tới Philippines, ngay trong cuộc họp báo lúc nửa đêm 21-10 tại thành phố quê nhà Davao, Tổng thống Duterte đã phải phân trần về phát biểu của mình.

Nhà lãnh đạo này nêu rõ: “Điều đó không có nghĩa là cắt đứt quan hệ. Tôi không thể làm thế. Duy trì mối quan hệ với Mỹ là lợi ích tốt nhất cho người dân Philippines”. Tổng thống Duterte nhấn mạnh rằng, ý của ông là chính sách đối ngoại của Philippines không nhất thiết lúc nào cũng chỉ tập trung vào Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc hội đàm với ông Duterte đã gọi chuyến thăm này là “cột mốc” đánh dấu quan hệ hai bên. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh, Trung Quốc và Philippines là anh em và có thể “giải quyết tranh chấp một cách phù hợp,” song không hề đề cập tới Biển Đông trong phát biểu trước giới báo chí.

Những nỗ lực của Philippines nhằm xích lại gần Trung Quốc diễn ra chỉ vài tháng sau khi Tòa Trọng tài ở La Hay ra phán quyết rằng Trung Quốc không có quyền lịch sử như những tuyên bố phi pháp của họ đối với Biển Đông, theo vụ kiện do chính quyền Manila tiền nhiệm khởi xướng. Điều đó đánh dấu một sự đảo ngược trong chính sách đối ngoại của Philippines kể từ khi nhà lãnh đạo 71 tuổi này lên nắm quyền vào ngày 30-6-2016.

Tuy nhiên, sự chuyển hướng đột ngột từ Washington sang Bắc Kinh của ông Duterte chưa chắc đã được người dân trong nước hoàn toàn ủng hộ. Một cuộc thăm dò ý kiến ngày 18-10 cho thấy người dân Philippines vẫn tin tưởng Mỹ nhiều hơn so với Trung Quốc.

Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario, người từng đưa vụ kiện của Philippines lên Tòa Trọng tài ở La Hay (Hà Lan) về những tranh chấp chủ quyền lãnh hải kéo dài với Trung Quốc, tuyên bố: “Sự thay đổi chính sách đối ngoại đã được tuyên bố rộng rãi, trong đó gạt sang một bên đồng minh tin cậy lâu đời để vội vàng quấn lấy một nước láng giềng hung hăng vốn kịch liệt bác bỏ luật pháp quốc tế là không khôn ngoan và không thể hiểu nổi”.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/phat-ngon-khong-the-hieu-noi-cua-ong-duterte/705707.antd