Phạt nặng với hành vi xả thải trực tiếp vào kênh rạch

Trong buổi hội thảo “Giải pháp cải thiện chất lượng nguồn nước sông, kênh, rạch trên địa bàn TPHCM” do báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp cùng Sở TNMT, Sở KHCN, Viện MT&TN tổ chức ngày 18.12 nhiều đại biểu rất bức xúc về tình trạng lấn chiếm và vứt rác, xả nước thải sản xuất chưa qua xử lý xuống hệ thống kênh rạch ngày một tăng, làm dòng kênh rạch bị co hẹp, cản trở dòng chảy, gây ô nhiễm môi trường (MT) nghiêm trọng, nơi phát sinh hàng loạt dịch bệnh nguy hại cho đời sống, sức khỏe của người dân.

Ý kiến của các chuyên gia dự hội thảo

Đại diện ban tổ chức cho biết, trên toàn địa bàn TP có 3.268 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài là hơn 5.000 km. Còn ông Cao Tung Sơn, Phó Chi Cục trưởng Chi cục bảo vệ MT, Sở TNMT TPHCM, ô nhiễm chất hữu cơ trên hệ thống kênh Tham Lương – Vàm Thuận là trục tiêu thoát nước thải của khu công nghiệp (KCN) Tân Bình, khu dân cư (KDC) Gò Vấp, Bình Thạnh ra sông Sài Gòn bị ô nhiễm năng đã gây ảnh hưởng đến chất lượng nước sông Sài Gòn từ khu vực Bình Phước đến Phú An. Hàm lượng ô nhiễm chất hữu cơ (TSS) của những tuyến kênh này tăng mạnh vào các tháng cao điểm mùa khô.

TS Nguyễn Thị Thanh Phượng, Viện MTTN đưa ra thông tin, kết quả quan trắc năm 2013 của Tổng cục MT, nước sông Sài Gòn và hệ thống kênh rạch trong TPHCM đã bị ô nhiễm bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, do tác động của các chất thải phát sinh từ sản xuất kinh doanh, nước thải sinh hoạt; nước thải từ các KCN - KCX; nước thải chăn nuôi; nước thải y tế, chợ, trường học và nước thải từ bãi rác,…

Việc vi phạm xả thải của các KCN - KCX, người dân xuống hệ thống kênh rạch hiện nay rất phổ biến, dù Luật bảo vệ MT cũng đã có quy định xử phạt nhưng chưa thể thực hiện được vì Luật không xác định rõ lực lượng nào có chức năng thanh kiểm tra và xử phạt… Bên cạnh đó, đã từ lâu, không còn kinh phí để thực hiện công tác vớt rác kênh rạch, ngoại trừmột số đoạn của kênh Tàu Hủ - Bến Nghé và Nhiêu Lộc Thị - Nghè. Điều này đã khiến cho lượng rác trên hệ thống kênh rạch ngày càng dày đặc, đại diện ban tổ chức cho hay.

Ông Lưu Văn Tấn, Trưởng phòng quản lý nước thải, Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước TP cho rằng, ý thức người dân không phải là nguyên nhân chính làm cho kênh rạch bị lấn chiếm, ô nhiễm. Ví dụ, từ khi đưa hệ thống xử lý nước thải vào hệ thống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chất lượng nước đã ngày một tốt hơn, nhưng vẫn còn rác. Cụ thê, qua kiểm tra tại các quận ven kênh này cho thấy không phải do người dân xả thải ra kênh mà rác từ nơi khác chảy về.

Bà Phượng trình bày tham luận tại hội thảo

Còn ông Nguyễn Minh Hoàng – Phó GĐ Cty TNHH MTV MT đô thị TPHCM thì đề nghị, cần xử phạt nặng những hành vi xả các chất thải, nước thải chưa qua xử lý vào hệ thống sông, kênh, rạch.Đề giảm ô nhiễm kênh rạch bà Phượng đề nghị, cần điều tra khảo sát, vận động tuyên truyền khuyến khích các hộ dân có ý thức bảo vệ MT; vận động người dân xây dựng bể tự hoại đối với nhà vệ sinh, chất thải nuôi heo và gia súc. Tăng cường các biện pháp quản lý, đăng ký hồ sơ xả thải vào nguồn nước. Đặc biệt, cần tăng cường các biện pháp thanh tra, giám sát các công trình xử lý nước thải; tăng cường mạng lưới thu gôm rác sinh hoạt; đấu nối hệ thống gom nước thải sinh hoạt vào hệ thống xử lý nước thải chung của TP theo quy hoạch.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/xa-hoi/phat-nang-voi-hanh-vi-xa-thai-truc-tiep-vao-kenh-rach-279716.bld