Phạt nặng vẫn tiểu bậy!

Bị lực lượng chức năng phạt từ 1-3 triệu đồng/trường hợp nhưng ở nhiều nơi tại Hà Nội, người dân vẫn vô tư tiểu bậy

Mới đây, 3 trường hợp có hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện) không đúng nơi quy định đã bị Đội Cảnh sát Môi trường Công an quận Hoàng Mai, TP Hà Nội ghi hình và xử phạt với mức 2 triệu đồng/người. Dù lực lượng chức năng cương quyết phạt nặng nhưng nhiều người vẫn vô tư tiểu bậy tại nơi công cộng như chợ, bến xe....

Khó tìm chỗ giải quyết

Theo ghi nhận, tại một số nơi như Bến xe Giáp Bát, chợ Long Biên, ven bờ sông Tô Lịch... vẫn còn tình trạng người dân ngang nhiên tè bậy. Thậm chí, nhiều người “giải quyết nỗi buồn” ngay gần nhà vệ sinh công cộng (NVSCC).

Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn Luật sư Hà Nội) đánh giá cao việc xử phạt quyết liệt đối với người tiểu bậy để xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Tuy nhiên, theo ông, NVSCC tại Hà Nội còn quá ít, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. “Tiểu bậy, phần lớn là người lao động tự do, người có thu nhập thấp, buôn thúng bán bưng. Việc họ vi phạm một phần do thiếu ý thức, quen lối sống sinh hoạt tùy tiện còn có nguyên nhân khác là thiếu NVSCC” - luật sư Thơm nói.

Nhiều người dân ở Hà Nội vô tư tiểu bậy ở nơi công cộng

Về mức phạt, từ 1-3 triệu đồng với hành vi tiểu bậy, luật sư Thơm cho rằng như vậy là quá cao. Ông góp ý: “Cơ quan chức năng nên cân nhắc trước khi xử phạt đối với từng trường hợp. Ví dụ, những trường hợp không cố tình vi phạm thì cần tuyên truyền nhắc nhở, ngược lại phạt nghiêm những người cố tình vi phạm”.

Đại diện Đội Cảnh sát Môi trường Công an quận Hoàng Mai cho rằng hiện nay, việc xử lý người có hành vi tiểu tiện không đúng nơi quy định sẽ được đơn vị thực hiện thường xuyên, cùng với đó là công tác tuyên truyền đến người dân. “Thời gian tới, cảnh sát chủ yếu ghi hình ở khu vực công cộng, những trường hợp cố tình tiểu bậy ở gần nơi đã có nhà vệ sinh sẽ bị xử lý nghiêm. Những khu vực chưa có nhà vệ sinh thì tập trung tuyên truyền là chính chứ chưa ghi hình, xử lý”- vị đại diện đơn vị này nhấn mạnh.

Đại diện Đội Cảnh sát Môi trường cũng nhìn nhận nhiều người bị bắt, bị nhắc nhở đều viện lý do là không tìm thấy NVSCC nên buộc phải tiểu bậy ngoài đường. Do đó, để pháp luật được thực thi nghiêm minh và để người vi phạm “tâm phục” thì các cơ quan chức năng cần nghiên cứu lắp đặt thêm NVSCC.

1.000 nhà vệ sinh công cộng, bao giờ có?

Đầu tháng 8-2016, UBND TP Hà Nội đồng ý cho Công ty CP Truyền thông Vinasing triển khai dự án đầu tư 1.000 NVSCC, 10 xe bồn chuyên dụng, 50 cây lọc nước tự động uống trực tiếp và 200 ghế đặt tại các nơi công cộng để phục vụ cộng đồng.

Ngược lại, doanh nghiệp này được khai thác quảng cáo trên các cầu vượt bộ hành và cầu vượt cơ giới trên địa bàn Hà Nội trong thời gian 10 năm.

Dù vậy, theo Công ty CP Truyền thông Vinasing, đến nay, công ty chỉ mới thi công lắp đặt được 55 NVSCC. Dự kiến trong tháng 3 tới, công ty bàn giao 80-100 NVSCC để đưa vào sử dụng.

Ông Bùi Thái Song, Phòng Dự án Công ty CP Truyền thông Vinasing, cho hay việc thi công lắp đặt NVSCC hiện nay gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do chậm bàn giao mặt bằng. Tại một số vị trí, bên thi công gặp phản ứng, cản trở từ phía người dân, dẫn đến chậm tiến độ. Có những nơi phải ngừng thi công, hoàn trả mặt bằng và dịch chuyển thay đổi hoặc hủy bỏ vị trí.

Hiện tại, một số phường còn chưa xác định rõ vị trí lắp đặt NVSCC mặc dù đã được TP phê duyệt. Bên cạnh đó, rất nhiều vị trí trong quá trình thi công phải hoàn trả mặt bằng do vướng vào các công trình, hệ thống ngầm.

Mỗi quận, huyện có 30 nhà vệ sinh công cộng

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, tại 10 quận nội thành và thị xã Sơn Tây của TP Hà Nội có khoảng 350 NVSCC. Trong đó có 263 NVSCC cố định, phân bố chủ yếu ở các ngõ, phục vụ người dân trong các khu dân cư, khu tập thể. Số còn lại được bố trí tại những địa điểm như công viên, vườn hoa, khu vui chơi, giải trí... Tính trung bình mỗi quận có 30 NVSCC.

Bài và ảnh: NGUYỄN HƯỞNG

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/phat-nang-van-tieu-bay-20170218224836483.htm