Phát huy vai trò kinh tế tập thể trong xây dựng nông thôn mới ở Phú Thọ

Kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là các hợp tác xã nông nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã và đang tận dụng tốt yếu tố này, sớm đưa địa phương cán đích chuẩn NTM.

Phát triển kinh tế tập thể giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.

Xây dựng tổ hợp tác hoặc HTX hoạt động hiệu quả là một trong 19 bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. HTX là tổ chức kinh tế-xã hội mang tính chất cộng đồng sâu sắc. Mô hình này đã tồn tại lâu đời tại Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, trong giai đoạn mới, mô hình này đã có nhiều thay đổi để thích ứng với thị trường và xu thế phát triển hiện đại. Các HTX đã tiến hành phát triển nông nghiệp theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ngày càng nhiều và hoạt động hiệu quả.

Hiện nay, Phú Thọ có khoảng 440 hợp tác xã (HTX) đang hoạt động với gần 125 nghìn thành viên. Các HTX này rất đa dạng về ngành nghề như: thủy lợi, khuyến nông, khoa học kỹ thuật, cung cấp giống cây trồng vật nuôi, thú y, tín dụng nội bộ, điện năng, tiểu thủ công nghiệp… Trong đó, có nhiều mô hình HTX hoạt động đạt hiệu quả cao, nâng suất liên tục tăng qua các năm, từ đó góp phần phát triển kinh tế - cho địa phương.

Không chỉ vậy, nhiều HTX đã thể hiện được vai trò của mình trong việc tập hợp, vận động người dân tham gia; thay đổi cách nghĩ, cách làm tiến bộ, hiện đại cho hội viên; giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm cũng như thúc đẩy kinh tế hộ gia đình phát triển; ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật vào sản xuất và nâng cao hiệu quả… Các HTX hiện nay cũng đã tiến hành thực hiện liên doanh, liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân. Việc làm này là một bước đi lớn vừa mang ý nghĩa hiện đại hóa nông nghiệp, vừa tạo được niềm tin để nhân dân yên tâm sản xuất.

Doanh thu bình quân hiện nay của HTX ước đạt 1.314 triệu đồng/HTX. Lợi nhuận bình quân 1 HTX đạt 16,3 triệu đồng. Với hơn 400 HTX trên địa bàn, 6.500 lao động đã có công ăn việc làm thường xuyên với mức thu nhập 1,9 triệu đồng/người/tháng… Kinh tế địa phương ngày càng khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt.

Những mô hình tổ hợp tác HTX tiêu biểu có thể kể đến như: HTX dịch vụ Nông nghiệp và điện năng Hợp Hải (huyện Yên Lập); HTX Thanh Đình (thành phố Việt Trì) – mô hình tiêu biểu của thanh niên, HTX Trung Kiên (Thanh Thủy) có mô hình liên kết trang trại độc đáo với doanh thu 10 tỷ đồng/năm…

Có thể thấy, kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã đã chứng tỏ được vai trò quan trọng trong việc đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất, giải quyết việc làm và đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nông thôn; giúp xóa đói giảm nghèo; bảo vệ môi trường nông thôn và lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Đây vừa là một trong những nội dung tiêu chí cần đạt về hình thức tổ chức sản xuất trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh vừa là nền tảng phát huy nội lực, thúc đẩy quá trình xây dựng NTM.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh chủ trương phát triển kinh tế tập thể phải lấy lợi ích kinh tế làm chính, bao gồm lợi ích của các thành viên và lợi ích tập thể. Phấn đấu đến năm 2020, mỗi huyện, thành, thị có 3-5 HTX dịch vụ tổng hợp điển hình hoạt động có hiệu quả. Tốc độ tăng doanh thu bình quân hàng năm đạt 11%, đạt 2.030 triệu đồng/HTX/năm.

Bên cạnh những thành tích không thể phủ nhận của các HTX đối với sự phát triển nông nghiệp, nông thôn của địa phương, mô hình này vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục. Đó là do nội lực của các HTX cơ bản vẫn còn yếu kém, quy mô sản xuất nhỏ khiến cho năng lực cạnh tranh không cao. Các HTX còn thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần: chưa có trụ sở làm việc; thiếu nhân lực và đội ngũ cán bộ có trình độ, kinh nghiệm; sự hợp tác giữa các xã viên nhiều nơi chưa hiệu quả, chặt chẽ. Ngoài ra, Phú Thọ có số lượng HTX công nghiệp, dịch vụ ít, sản phẩm chưa đa dạng…

Để phát huy tối đa vai trò của kinh tế tập thể trong công cuộc xây dựng NTM, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, hạn chế đang tồn tại của mô hình HTX trên địa bàn, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo địa phương và các đơn vị liên quan đã và đang đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách đến người dân để họ tự nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi tham gia vào HTX; mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho cán bộ HTX nông nghiệp; nhân rộng các mô hình HTX hoạt động hiệu quả; phát triển kinh tế HTX theo hướng bền vững gắn với nhu cầu sản xuất, đời sống của các hộ xã viên, làm nền tảng vững chắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Nguyễn Nhung

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/phat-huy-vai-tro-kinh-te-tap-the-trong-xay-dung-nong-thon-moi-o-phu-tho.html