Phát huy vai trò của truyền thông trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

Ngày 7/12, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội thảo Phát huy vai trò của thông tin và truyền thông trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, truyền thông đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp người dân nhận thức về cách phòng và chữa bệnh. Bên cạnh đó, nhờ công tác truyền thông mà người dân, nhà quản lý hiểu được chủ trương, chính sách về y tế và việc tổ chức thực hiện của của ngành Y tế. Đặc biệt, thời gian qua, truyền thông giúp ngành Y tế giải quyết các sự cố trong hoạt động, điều hành của ngành. Qua đó, thái độ của cán bộ y tế đã có sự cải thiện rõ rệt.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, trong những năm qua, công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều chuyển biến. Số giường bệnh trên 1 vạn dân tăng từ 21,5 giường năm 2011 lên 24 giường năm 2015. Quy trình khám chữa bệnh đã được cải tiến đáng kể; cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư, góp phần giảm quá tải bệnh viện; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; xây dựng các bệnh viện vệ tinh; ứng dụng thành công nhiều công nghệ mới, hiện đại trong khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân; nhiều kỹ thuật chuyên môn cao đã được thực hiện thành công ở nhiều bệnh viện lớn ở Trung ương và chuyển giao cho bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện; đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế trong cả nước hướng tới sự hài lòng của người bệnh...

Đại diện Bộ Y tế cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự đồng hành của các Bộ, ban, ngành và các cơ quan thông tấn báo chí để giúp ngành Y tế tuyên truyền về các chủ trương, các đề án, các chương trình chiến lược mà ngành đã và đang được triển khai để công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được tốt hơn.

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông giáo dục sức khỏe nhân dân.

Theo Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, y tế là lĩnh vực rộng lớn, có nhiều vấn đề nhạy cảm, đòi hỏi nhà báo phải am hiểu, có kỹ năng truyền thông, có đạo đức để tuyên truyền kịp thời các vấn đề, tránh gây hiểu nhầm, thậm chí gây kích động với người dân.

Do vậy, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu báo chí cần khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thời gian qua, tuyên truyền y tế kịp thời nhưng phải chính xác, đặc biệt những vấn đề ảnh hưởng lớn, trên diện rộng liên quan trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, tháng 10/2014, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế đã ký kết chương trình phối hợp truyền thông giai đoạn 2014 - 2020, tạo khung pháp lý để các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ hơn trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến lĩnh vực quản lý Nhà nước của 2 Bộ. Trên cơ sở đó đẩy mạnh cung cấp thông tin liên quan đến ngành Y tế để định hướng kịp thời, tăng thời lượng, tăng chất lượng nội dung tuyên truyền, giúp nâng cao nhận thức cho nhân dân về lối sống, có kiến thức cơ bản phòng, chống dịch bệnh.

Chính vì vậy, đây là Hội thảo quan trọng, góp phần nâng cao năng lực hoạt động và kỹ năng thông tin, truyền thông, giáo dục sức khỏe cho các cơ quan báo chí và phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng chương trình truyền thông phù hợp theo vùng miền, địa phương. Bên cạnh đó mở rộng và đa dạng hóa các hoạt động thông tin và truyền thông để nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân với quan điểm “Sức khỏe cho mọi người” và “Mọi người vì sức khỏe”; tăng cường thông tin và truyền thông nâng cao nhận thức cho nhân dân về lối sống, hành vi ảnh hưởng đến sức khỏe, giúp người dân có các kiến thức cơ bản về phòng, chống bệnh tật, có lối sống lành mạnh, tự rèn luyện để giữ gìn và nâng cao sức khỏe.

Phương Anh

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/y-te/phat-huy-vai-tro-cua-truyen-thong-trong-cham-soc-suc-khoe-nhan-dan_t114c9n112923